Gửi anh trai, người vừa rời khỏi gia đình để bước sang một thế giới khác!
Những lời viết này, dù không biết anh có thấy được hay không nhưng ít ra nó cũng là những lời tự an ủi cho tất cả những người ở lại. Chúng ta sinh ra trong một gia đình nhỏ, tuy nghèo nhưng ấm cúng. Ngày anh ra đời chỉ uống mỗi nước gạo chứ không có được một hộp sữa, ngôi nhà lá rách nát, ba đi làm với chiếc xe đạp cũ kỹ, chỉ còn mỗi mẹ ở nhà trông anh cùng đàn chim cúc cu nhỏ ngoài vườn. Những lúc trời mưa, mẹ vừa hứng nước trong nhà, vừa che chắn cả chuồng cúc cu, rồi có lúc cơn gió vô tình khiến mọi thứ ngã nhào, đè lấy những chú chim con, mẹ lại hớt hải kéo lại chuồng che chắn cho những chú chim nhỏ bé ấy. Tạnh mưa, ba về, mẹ bế lấy anh đón ba trong bữa cơm canh đạm bạc. Chỉ cần có tiếng cười của anh, giòn vang, mọi cơn mưa đều trở nên ấm áp, mọi bữa cơm dù chỉ rau và canh cũng trở thành sơn hào hải vị.
Rồi anh bốn tuổi, em chào đời, lúc này gia đình đã ổn định hơn chút, em được mẹ mua sữa đặc pha cho uống, anh cũng ké một phần. Tuy uống sữa ít hơn em nhưng anh lại giỏi hơn em rất nhiều, em thông minh thì anh chăm chỉ, nhưng người ta lại hay nói câu: "Cần cù bù thông minh" nên cuối cùng vẫn là anh hơn em. Thời gian trôi qua, hai anh em cùng học tập, lớn lên, rồi đến ngày anh đỗ vào đại học trong sự hân hoan của cả dòng họ, nhưng cũng trong thời gian đó ba lại phát hiện bị tim nên không làm việc được nữa. Mẹ bắt đầu đứng ra bươn chải cho cả gia đình, anh thương mẹ, hiểu chuyện, không dám xin lấy một đồng nào, chỉ khi mẹ đưa mới nhận để xoay sở việc học, khi ăn xôi, lúc bánh mỳ, có bữa nhịn đói, không cà phê bè bạn, không chơi bời trường lớp, chỉ đi học rồi về, ngày ấy anh cao và ốm như cò mây.
Bốn năm sau anh cũng tốt nghiệp, cầm tấm bằng kỹ sư trên tay chạy khắp nơi tìm việc nhưng không thành, rồi may mắn ba quen được một người bạn ngày xưa ba từng giúp đỡ, họ giới thiệu anh vào được một công ty xây dựng lớn. Trời quả thương người có lòng, từ đó cuộc sống của cả gia đình đã ổn hơn trước rất nhiều. Em cũng vào đại học, anh lo học phí cho em, mẹ đi làm lo tiền nhà, ba ở nhà phụ giúp mẹ nấu cơm. Gia đình mình dù nghèo khó như trước hay đầy đủ như giờ vẫn trước sau như một, tràn đầy tiếng cười cùng bữa cơm đầm ấm mỗi chiều.
Rồi anh bị chuyển công tác ra đảo Phú Quốc làm việc, lương cao hơn nhưng lại phải xa gia đình đến hơn tháng mới về được một lần. Trước giờ anh có biệt danh là chú mười vì tính anh quá thật thà, ai nói sao anh nghe vậy, cứ lù khù lờ khờ từ nhỏ đến lớn nên đi xa ai cũng lo, khó khăn đủ bề, lại chẳng được lanh lợi như người ta. Thấm thoát cũng được gần một năm, tết này anh về, gửi tiền ba mẹ sắm sửa mua đồ, còn lại anh cố gắng dành dụm để sau này sửa nhà cho ba mẹ. Tết năm nay mẹ bắt đầu biết làm đẹp, cũng chẳng phải xa hoa lụa là, cũng chỉ biết mua giầy kiểu đầm hoa đơn giản, nhưng gương mặt vẫn đen nhẻm không giấu được nét vất vả làm lụng suốt thời gian qua. Vết chân chim hằn sâu trên đôi mắt mẹ được che lấp bởi nụ cười rạng ngời hạnh phúc, đó là niềm hạnh phúc con cái thành đạt, là niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Những tưởng cuộc sống đã bù đắp cho mọi sự khó khăn, nỗ lực của cả gia đình trong suốt thời gian qua, nhưng không, cuộc đời đã kém may mắn khi gieo cho anh căn bệnh ung thư và lúc phát hiện cũng là thời kỳ cuối. Chỉ hai ngày sau khi bệnh viện chuyển thẳng anh từ Phú Quốc về thì anh đã nằm thoi thóp, không ai nhận ra, cũng không ai dám tin vào mắt mình. Mới đó vài ngày còn đi câu cá với anh em ngoài biển, còn gọi mẹ nói lễ này con về dắt mẹ đi ăn món dimsum thơm lừng, hôm kia còn hứa mua vé cho em gái giỗ Tổ này ra đó chơi, sao giờ anh lại nằm đây, chỉ còn một chút hơi thở rất nhỏ.
Bác sĩ trả anh về nhà trong sự bao bọc, che chở của rất nhiều người, nhà chật kín từ trên xuống, mỗi người một góc mặt đều hướng về anh. Nhìn ba mẹ nét mặt tiều tụy, ngồi hai bên tay nắm chặt lấy tay anh, cố gắng nghe nhịp thở của anh mỗi phút, mỗi giờ, mỗi khắc đều như có vết dao cứa vào tim. Đến chiều bỗng dưng anh ngọ nguậy, mắt nhíu lại, cố gắng mở nhưng không mở được, em kêu anh ra dấu hiệu, anh gật đầu. Ba mẹ nói thương anh rất nhiều, anh gật đầu, tay nắm chặt đáp lại bàn tay đang nắm của ba mẹ, hai hàng nước mắt chảy ra từ đôi mắt đang nhắm nghiền, em vội lau giúp anh, đó là khung cảnh suốt đời em không thể nào quên.
Cuối cùng, anh cũng ra đi trong vòng tay của ba mẹ và tất cả người thân bên nội ngoại ở tuổi 28. Đám tang của anh chỉ làm đơn giản nhưng nó lại trở nên trang hoàng hơn bởi người viếng thăm quá nhiều, người người tấp nập ra vào, từ đồng nghiệp, cấp trên, đến thầy cô, bạn bè, có những nhóm người đi viếng đến hai, ba lần, vòng hoa đặt kín nhà, ai viếng thăm cũng khen anh ngoan hiền, chăm chỉ, chưa từng làm phật lòng bất cứ ai. Anh đi để lại sự đau thương, tiếc nuối cho mọi người về một đứa con ngoan hiền hiếu thảo, một cậu học trò chăm chỉ cần cù, một nhân viên đầy nỗ lực luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Anh đi rồi, giờ em là trụ cột, sẽ vững vàng để lo tiếp cuộc sống mà anh đã cố gắng vun đắp. Em cũng dành dụm để tiếp tục những gì anh đang dở dang, sẽ thực hiện nguyện vọng lớn nhất của anh trong năm tới, đó là sửa nhà cho ba mẹ dưỡng già. Giờ em đang ngồi trong văn phòng công ty nơi anh từng làm việc, viết những dòng này để chia sẻ nỗi lòng không thể giãi bày khi ở nhà, vì còn ba mẹ luôn dõi theo em, dựa dẫm vào em. Giờ dù đau đến mức nào em cũng phải nuốt nước mắt vào trong, về nhà nở một nụ cười nhẹ để đốt cháy bầu không khí hoang vắng và sưởi ấm trái tim ba mẹ khi không còn anh nữa.
Anh hãy an nghỉ, vì mọi thứ anh lo cho gia đình thời gian qua từ nay em sẽ gánh vác tiếp tục. Anh hãy yên tâm ngủ một giấc thật ngon, mơ một giấc thật đẹp, trong giấc mơ anh sẽ được đến một thế giới chỉ tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Tạm biệt, anh hai hiền nhất quả đất của em, em và cả nhà thương anh rất nhiều.
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn