Tôi đang phải gọi một người đàn ông là cha dù cho người đó chẳng xứng đáng một chút nào. 26 năm tôi sống trong chịu đựng, tôi khóc, cố gắng nhưng đến cuối cùng nó chẳng mang một ý nghĩa nào cả. Tôi được sinh ra trong một gia đình thuần nông, có ông bà, cha mẹ và sáu chị em. Chúng tôi may mắn có được một người ông hết mực yêu thương, lo lắng cho con cháu; nhưng gia đình lại quá bất hạnh khi có một người đàn ông là cha tôi. Chúng tôi đang phải từng ngày còng lưng trả nợ cho cái mà người đời gọi là “nợ từ kiếp trước giờ phải trả”. Không biết kiếp trước “nợ nần” thế nào mà ở kiếp này trả đến đời tôi vẫn chưa hết nợ.
Từ khi sinh ra, cha đã làm khổ ông bà không ít, lấy vợ rồi lại làm khổ vợ, đến khi có con làm khổ con. Nhìn lại 26 năm trôi qua là những chuỗi ngày buồn rười rượi, là những bữa ăn mà cơm hoà cùng nước mắt, là những lặng im đến nghẹn lòng, là những khi chỉ muốn chết đi để khỏi phải nghe, phải nhìn, phải im lặng.
Cha tôi là con út nên được nuông chiều, vì thế luôn cho mình là nhất, ích kỷ, chỉ biết đến bản thân, làm theo ý mình, nói những gì mình muốn mà chẳng bao giờ cần suy nghĩ, luôn chỉ trích, chì chiết người khác trong khi không bao giờ xem lại chính mình. Một người đàn ông năm nay đã 53 tuổi đầu mà suốt ngày chỉ chăm chăm xem túi bà mẹ 94 tuổi có bao nhiêu tiền để bòn rút, chẳng cần biết những đồng tiền đó được tằn tiện từ tiền trợ cấp hàng tháng của nhà nước. Là đàn ông, là chồng, là trụ cột gia đình thế mà từ việc nhỏ đến việc to chỉ có vợ và con gồng gánh.
Có người đàn ông nào bỏ hết công việc đồng áng, việc nhà cho vợ con để xách xe đi làm thuê rồi về đưa tiền cho vợ chưa nóng tay đã “tiền của tao đâu trả lại đây cho tao”? Cầm tiền đi ăn nhậu hết lại về nằm ì ra hết ăn rồi chơi năm bữa nữa tháng lại xách xe đi làm? Cứ thế cái vòng luẩn quẩn làm người ta phát ngán. Có người đàn ông nào giữa trời mưa rét mướt của tháng cuối năm nằm ở nhà bật nhạc to thiệt to, đắp chăn ấm còn mặc vợ đi cấy lúa, mặc con đi chăn trâu ướt sũng người? Có người đàn ông nào sống mà không biết đến hai từ xấu hổ, không biết đến “Ừ thì con cái lớn rồi, phải giữ thể diện cho con”, chỉ biết mở miệng ra là chửi bới, la làng xóm, phá đồ đạc, gây gổ, đánh đập vợ con, xem con mình là đồ quái thai, đồ trời đánh, đồ này, đồ nọ.
Có người đàn ông nào suốt năm suốt tháng hết gây chuyện với cha mẹ, vợ con lại gây đến anh em, làng xóm? Có người đàn ông nào cha mẹ, vợ con ở nhà ăn cơm với mắm muối qua ngày còn mình đi đãi hết người này ăn sang người kia nhậu? Có người đàn ông nào ngay cả đứa trẻ con chỉ cần nhìn thấy mặt là đã thở dài, tránh lẹ? Có người đàn ông nào suốt ngày đi khoác lác với người ta rằng tôi thế này, nhà tôi thế kia trong khi chả làm được gì cả? Có người đàn ông nào tức lên là vác dao vác rựa đòi chặt, đòi chém vợ con? Có người đàn ông nào hành động như trên khi hoàn toàn tỉnh táo? Chắc chỉ có cha tôi.
Đó là điều đau khổ nhất, thà ông say hay điên đi để tôi còn có một lý do mà bám víu vào, nhưng sự thật phũ phàng quá. Tôi lớn lên cùng sự thật đó trong sự dè bỉu của những đứa trẻ vô tâm, của thiên hạ. Biết gia đình khó khăn, không hạnh phúc, mấy chị em tôi đã học tính tự lập từ sớm và không bao giờ đòi hỏi, nhõng nhẽo điều gì. Nhờ phước ông bà, cả năm chúng tôi được một bộ áo quần mới để đi học, chiếc áo ngày tựu trường và chiếc quần ngày Tết. Ra trường kiếm việc làm với đồng lương ít ỏi, chúng tôi cố gắng hết sức để tự xoay xở cho cuộc sống không một lời than vãn. Ngày tết được ba cọc ba đồng về lo phụ mẹ sắm sửa, đùng đùng ông gây chuyện đập phá hết nhưng vẫn phải nuốt nước mắt để đi sắm lại. Ông không hề biết rằng đó là mồ hôi nước mắt con ông làm việc ngày đêm mới có được.
Chúng tôi chưa bao giờ nghe một tiếng quan tâm, hỏi thăm từ cha, thay vào đó là những lời đố kỵ với con người này tài, con người kia giỏi, đứa này việc lương cao, đứa kia mang tiền về xây nhà. Thế mà ông không một lần suy nghĩ xem chúng tôi đã phải khổ như thế nào, tủi thân ra sao, cố gắng hết mình kiểu gì. Nhìn bạn bè được bố mẹ quan tâm, lo lắng, tôi chỉ dặn lòng “Ừ thì nhà mình khác”. Thế đấy! Ai cũng nhịn để cho qua ngày đoạn tháng với hy vọng đến tuổi rồi sẽ thay đổi, nhưng đáp lại sự hy vọng đó là sự quá trớn đến không thở nổi. Tôi bắt đầu cãi lại và muốn chống đối. Lúc này, mọi người lại bảo “Dẫu sao đó cũng là cha con”. Vâng, tôi biết chứ nhưng sao không ai nói với người đó tôi là con, còn đây là gia đình của cha? Vì tôi là con, được sinh ra nên không có quyền chọn cho mình đấng sinh thành và phải chịu đựng sao?
Tôi đã và đang cùng tồn tại với một con người như thế suốt 26 năm nay. Giờ tôi đã hoàn toàn bỏ cuộc về ý nghĩ của sự đổi thay. Mùi vị của “hạnh phúc gia đình” có lẽ kiếp này tôi không được nếm. Hoàn cảnh làm tôi kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn những hận thù cũng từ đó đầy lên. Vô thức, tôi không còn coi đó là cha, không còn tình thương dù chỉ là thương hại, không còn sự tôn trọng tối thiểu giữa người với người. Đôi lúc nghĩ, thà mồ côi, nghèo khổ còn hơn có một người cha như thế. Ngay lúc này, tôi đang nghĩ “Sao ông ta không chết đi”, “Một kẻ chỉ biết làm khổ những người xung quanh vẫn sống trơ mặt như thế sao”.
Tôi vẫn âm thầm khóc và trăn trở với ngổn ngang suy nghĩ trong đêm để rồi khi mặt trời lên lại giấu hết uất hận, buồn bã, tâm tư vào lòng sống tiếp, để giả vờ mình vẫn ổn, vẫn vui tươi. 26 tuổi, hình ảnh về người cha làm tôi không dám nghĩ đến chuyện yêu ai đó để xây dựng một cuộc sống gia đình. Người ta vẫn bảo “Con gái sống nhờ phước cha” nhưng mà cha tôi như thế, liệu nhờ được điều gì? Tôi sợ những ký ức đã trải qua lại được tái hiện lần nữa, lại có thêm người vợ, người con phải chịu đựng như mẹ con tôi lúc này. Ở đời, những người không có cha mẹ vẫn luôn ao ước để có. Còn với những người có những người cha như tôi thì cũng ao ước “thà không có còn hơn”.
Một khi đã quyết định sinh con ra thì hãy có trách nhiệm và tình thương với chúng. Hãy nhớ vợ chồng là tình là nghĩa, con cái là sản phẩm của tình yêu thương chứ không phải là sự thỏa mãn dục vọng rồi để lại hậu quả. Hãy xứng đáng với tiếng gọi “cha mẹ” thiêng liêng.
DungNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn