Trong nghiên cứu có thể giúp giải thích tại sao vấn đề thừa cân và béo phì có xu hướng diễn ra trong gia đình, các nhà khoa học cho biết lượng mỡ nội tạng cao – có liên quan với nguy cơ mắc các bệnh mãn tính – lại liên quan đến việc vi khuẩn trong phân kém đa dạng. Ngược lại, những người có mức độ đa dạng cao của vi khuẩn trong phân có lượng mỡ nội tạng thấp, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Genome Biology.
Mỡ nội tạng có hại vì nó nằm quanh các tạng xung yếu như gan, tụy và ruột, có liên quan đến nguy cơ cao bị bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Các nhà khoa học sử dụng dữ liệu từ mẫu phân lấy từ 1.313 cặp song sinh tham gia trong một dự án nghiên cứu lớn có tên là TwinsUK.
Sau khi trích xuất thông tin ADN về hệ vi khuẩn phân từ các mẫu, các nhà nghiên cứu đã so sánh với 6 thông số của béo phì, bao gồm chỉ số khối cơ thể, mỡ nội tạng và các mức chất béo khác, và tỉ số mỡ thân trên/thân dưới. Họ tìm thấy sự liên quan mạnh với mỡ nội tạng.
Michelle Beaumont, chủ nhiệm nghiên cứu tại trường King’s College London, giải thích rằng điều này cho thấy "mối liên quan rõ ràng giữa sự đa dạng của vi khuẩn trong phân và các chỉ báo của béo phì và nguy cơ tim mạch".
Tuy nhiên, vì đây là một nghiên cứu quan sát, nó không thể đưa ra bất cứ cơ chế nhân quả nào về việc vi khuẩn đường ruột và trong phân có thể ảnh hưởng đến mỡ trong cơ thể như thế nào.
Cần nghiên cứu thêm để hiểu chính xác vi khuẩn đường ruột ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào và để tìm ra những cách mới nhằm ngăn ngừa béo phì.
Nghiên cứu sâu hơn cũng sẽ giúp tìm hiểu vai trò của những thủ thuật như cấy phân - một cách điều trị đang được áp dụng cho những bệnh nhân bị viêm đại tràng do C.difficile nhằm thay thế hệ vi khuẩn không lành mạnh của bệnh nhân bằng hệ vi khuẩn lành mạnh từ người cho.
Cẩm Tú
Theo Huffingtonpost
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn