Đó là phát biểu của Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - tại Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam và Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, diễn ra sáng nay (26/9) tại Hà Nội.
Nói về con số thống kê tình hình sử dụng rượu bia ở Việt Nam, ông Nguyễn Huy Quang thông tin: Hiện nay, mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỷ lít bia, 70 triệu lít rượu được đăng ký lưu hành và có khoảng 200 triệu lít rượu chưa đăng ký (rượu tự nấu, rượu quê). Nếu cứ để số rượu, bia “khổng lồ” này thấm đẫm vào máu của hơn 90 triệu người dân Việt Nam sẽ rất nguy hiểm.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng cho biết, theo số liệu thống kê năm 2014 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam ở mức cao và gia tăng nhanh: 77% nam giới hiện uống rượu, bia, 44% nam giới uống ở mức nguy hại; gần một nửa số người uống rượu, bia có lái xe sau khi uống; uống rượu, bia đang phổ biến ở giới trẻ và tuổi uống trẻ hóa.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang cho biết thêm, trong Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia lần này, Bộ Y tế cũng sẽ đưa ra nội dung là cấm bán rượu, bia trong những khung giờ nhất định, có thể là sau 22h hoặc 24h mỗi ngày.
“Gần như tất cả các quốc gia trên thế giới và vùng lãnh thổ đều có quy định liên quan đến rượu, bia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, mới có khoảng trên 60 quốc gia đưa vấn đề rượu, bia vào các điều luật”, ông Quang cho biết.
Nói về nguyên nhân tại sao phải cấm bán rượu, bia sau khoảng 22h đêm, ông Quang giải thích: Khung giờ từ 20h-24h hàng ngày là quãng thời gian mà cơ địa con người cần được nghỉ ngơi, để tái tạo sức lao động. Nếu khoảng thời gian này mà con người sử dụng rượu, bia sẽ gây hại cho sức khỏe, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tác động đến hệ tiêu hóa và hệ hô hấp. Ngoài ra, khi uống xong, nhiều người lại điều khiển xe trên đường sẽ rất nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông. Đồng thời, người sử dụng rượu, bia khi say sỉn về nhà sẽ rất dẫn đến hành vi bạo lực gia đình, bạo lực tình dục,…
Tiếp tục hoàn thiện dự luật
Ông Quang cho biết, Dự án luật nói trên khi xây dựng, Bộ Y tế đã có báo cáo đánh giá tác động và mục tiêu chính sách, có tổng kết việc thực thi các văn bản dưới luật. Bộ Y tế cũng tham khảo các luật quốc tế liên quan đến vấn đề này. Đồng thời, những thành viên tham gia soạn thảo Dự án luật đã phải hệ thống hóa các văn bản liên quan đến lĩnh vực này.
“Bộ Y tế cũng có nghiên cứu về tác động giới, trong đó có nam - nữ ảnh hưởng đến luật này ra làm sao?. Phải có thuyết minh liên quan đến dự thảo luật này, trong đó có dự thảo luật và tờ trình. Trong luật phải có ý kiến đồng thuận của Bộ Tư pháp về tính hợp pháp, hợp hiến. Có ý kiến của Bộ Tài chính về điều kiện tài chính để thi hành luật này. Có ý kiến của Bộ Nội vụ liên quan đến nhân lực để thực hiện luật, có ý kiến của Bộ Ngoại giao liên quan đến các điều ước quốc tế, có ý kiến của Bộ Công an nếu điều luật liên quan đến an ninh quốc gia” – ông Quang cho biết.
Cũng theo ông Quang, hiện nay Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị đầy đủ các nội dung cần thiết, để đưa luật này vào trong chương trình xây dựng Luật của Quốc hội năm 2018 và theo quy định thì năm 2017 sẽ quyết nội dung này. Trước mắt, đến tháng 11/2016, Bộ Y tế sẽ trình Dự án luật nói trên trình sang Bộ Tư pháp, sau đó Bộ Tư pháp tổng hợp và trình sang Chính phủ, rồi Chính phủ mới trình sang Quốc hội phê duyệt.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Thị Yến - Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, lạm dụng rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đến kinh tế, an ninh trật tự, an toàn giao thông, bạo lực gia đình,... Các nước trên thế giới đã có luật liên quan đến rượu - bia, ở Việt Nam vẫn còn khó khăn thách thức.
Bà Yến cho rằng, ở Việt Nam rất cần thiết phải ban hành luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Nguyễn Dương
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn