Thời tiết giao mùa- ám ảnh của các bà mẹ
Thời tiết miền Bắc đang giao mùa, nắng nóng cao điểm, có sự chênh lệch lớn về nhiệt độ trong ngày. Nếu cha mẹ không chú ý đề phòng, thấy nóng quá lại mở máy điều hòa hết công suất cho trẻ sẽ dễ khiến trẻ nhiễm bệnh. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ cho biết năm nào vào giai đoạn giao mùa này, bệnh nhi nhập viện cũng tăng khoảng 10-20% so với trước. Các bé chủ yếu là mắc bệnh về đường hô hấp như viêm Amidan, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, sốt virus,…Ở bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 Tp.HCM, tình trạng bệnh nhi khám và nhập viện cũng tăng đột biến khi thời tiết thay đổi liên tục, trời đang nắng lại có mưa khiến các bé thích nghi không kịp.
Tháng 6,7,8 là thời điểm giao mùa, số trẻ em đến khám và nhập viện tăng đột biến ở cả 3 miền Nam Trung Bắc. Đặc biệt, trong cả nước đã xuất hiện những ca kháng thuốc kháng sinh khi đưa đến bệnh viện điều trị, gây khó khăn trong quá trình trị liệu. Tìm hiểu thông tin là do cha mẹ sử dụng thuốc tùy tiện, không theo chỉ định của bác sĩ mà tự ra nhà thuốc tây mua kháng sinh liều mạnh cho trẻ uống. Một số phụ huynh khác lại tự ngưng dùng thuốc khi vừa hết triệu chứng, không tuân thủ đủ liệu trình điều trị của bác sĩ…
Mẹ Mỹ Thuận tâm sự: “ Thời tiết chuyển mùa, bé bị ho, sổ mũi, lười ăn. Theo thói quen, tôi lại tự ý đi mua thuốc cho con uống, sau đó tự ý ngưng thuốc khi bé chưa khỏi hoàn toàn. Vì không phải là bác sĩ, tôi không phân biệt được con đang nhiễm vi khuẩn hay nhiễm virus cũng phân vân không biết có nên cho bé dùng thuốc kháng sinh hay không? Chính việc sử dụng tùy tiện thuốc kháng sinh dẫn đến tình trạng kháng thuốc và khiến bệnh của trẻ càng trở nặng, khó điều trị hơn.”
Bác sĩ Tiến Dũng chia sẻ: “Một trong những khó khăn của bác sĩ là phụ huynh hiện nay có thói quen rất hay tự tìm kiếm trên Internet, sau đó tự “điều trị” cho trẻ tại nhà bằng thuốc kháng sinh. Khi không thấy trẻ khỏi bệnh, 4-5 ngày sau mới đưa con đi bệnh viện thì lúc này trẻ đã chuyển sang thể nặng phải vào nhập viện, có tình trạng phải cấp cứu. Nếu cha mẹ đưa trẻ đi khám từ đầu, không tự ý dùng kháng sinh, luôn dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ thì nhiều bệnh nhi đã không nặng thế này”.
Các mẹ cũng nên tránh các thói quen không tốt như sau:
Dùng lại đơn kháng sinh của các đợt kê toa trước: mỗi thời điểm tình hình nhiễm bệnh khác nhau, dùng liệu trình cũ không những không thuyên giảm còn gây kháng thuốc trong cơ thể.
Tự ý kê toa, tự mua kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ: thông qua thăm khám bác sĩ là người nắm rõ tình trạng của bệnh nhân nhất nên đừng vội tự ý mua thuốc điều trị sẽ dẫn đến điều trị sai liều lượng, sai thuốc, bệnh không khỏi lại gây ra các tác dụng không mong muốn.
Dùng theo đơn kháng sinh của người khác khi thấy triệu chứng bệnh giống mình: như đã nói ở trên mỗi bé là 1 cơ thể khác nhau, tình trạng bệnh cũng khác nên không thể cùng điều trị trên 1 đơn thuốc.
Tự ý ngưng dùng kháng sinh khi thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm: việc ngưng thuốc giữa liệu trình sẽ dẫn đến bệnh chưa được khỏi hẳn, bệnh có nguy cơ tái đi tái lại và lần sau sẽ nặng hơn lần đầu do vi khuẩn đã kháng thuốc.
Bác sĩ Tiến Dũng cũng mang đến thông tin bổ ích cho các bậc cha mẹ: “ Để giảm được nỗi vất vả của phụ huynh, liệu trình kháng sinh ngắn ngày từ 3 đến 5 ngày sẽ giảm số lần cho con uống thuốc, bé không chỉ khỏi bệnh hoàn toàn mà còn hạn chế tác dụng phụ và giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc kháng sinh. Với những liệu trình điều trị mới, sử dụng kháng sinh ngắn ngày, trẻ sẽ tránh được nhiều nguy cơ, tốt hơn cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý là ngay cả các loại kháng sinh ngắn ngày này cũng cần được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ, chứ không dùng tùy tiện”.
Cần lưu ý là không phải bệnh nào, người bệnh nào, kháng sinh nào cũng có thể áp dụng biện pháp này. Chỉ qua thăm khám và đánh giá đầy đủ, bác sĩ của bạn mới quyết định được điều này.
PV
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn