Thảo dược nên không độc hại?
Theo PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Trưởng Khoa Thận - Tiết niệu, BV Bạch Mai, nhiều người bị sỏi thận thậm chí không đến mức phải can thiệp nếu không gây triệu chứng, nhưng không yên tâm, thay vì uống đủ nước để đào thải sỏi, nhiều người dùng thuốc nam tuỳ tiện, và hậu quả là bị suy thận. Lúc này, họ không thể có được một cuộc sống bình thường vì cứ cách ngày lại phải đến bệnh viện chạy thận, lọc chất độc do thận đã suy, không còn chức năng.
Có tình trạng này, bởi nhiều người vẫn có tâm lý, thuốc nam làm từ thảo dược, không độc hại. Hơn nữa do bệnh thận phải dùng thuốc lâu ngày nên nhiều người e ngại dùng thuốc tây. Trên thực tế, các loại thảo dược đem lại hiệu quả điều trị nhất định. Nhưng với bất cứ bệnh lý nào, việc tự ý mua thuốc nam uống là không được phép.
Riêng với sỏi thận lại càng không được tuỳ tiện dùng. Bởi bệnh sỏi thận có nhiều nguyên nhân khác nhau. Hơn nữa bệnh sỏi thận tiết niệu có thể gây biến chứng suy thận. Lúc này, việc dùng thuốc nam tuỳ tiện có thể càng khiến thận suy trầm trọng hơn.
Chưa kể, hiện có rất nhiều các thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc, trong quá trình sao tẩm, cất trữ có nhiều chất bảo quản, khi uống vào, thận có thể suy nặng hơn.
Nên thăm khám cẩn thận trước khi dùng bất cứ thuốc gì
Khi bị sỏi thận, đầu tiên phải khám xem sỏi ở mức độ nào, kiểm tra xem kích thước bao nhiêu, nằm vị trí nào, có gây biến chứng cấp tính (đái ra máu, đau thận, nhiễm trùng gây viêm thận cấp, ứ mủ thận…), mãn tính hay không? Tình trạng sỏi thận gây tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang là nguyên nhân gây suy thận hay gặp nhất.
Với sỏi thận phải điều trị, có rất nhiều phương pháp xử lý như: tán sỏi (ngoài cơ thể, nội soi, qua da), mổ mở… “Việc lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào vị trí, kích thước và biến chứng do sỏi gây ra. Tuy nhiên đây cũng là bệnh lý rất hay tái phát. Theo thống kê, có khoảng 50% bệnh nhân có sỏi sau khi được can thiệp lấy sỏi bị tái phát sau 5 - 10 năm. Vì thế, việc khám định kỳ sau khi lấy sỏi là rất quan trọng để phòng sỏi tái phát, phát hiện kịp thời các dấu hiệu suy thận do biến chứng của sỏi”, PGS Tuyển khuyến cáo.
Để phòng tránh sỏi thận, cần uống đủ nước. Tránh các trường hợp can thiệp không cần thiết vào đường tiết niệu như đặt xông do nhiễm trùng đường tiểu. Khi có tình trạng nhiễm trùng này phải điều trị.
TS Tuyển đặc biệt lưu ý việc uống đủ nước. Bỏi nhiều người có thói quen uống ít nước, nhưng sống ở vùng nóng, bài tiết ra nhiều mồ hôi khiến lượng nước tiểu ít đi cũng có nguy cơ gây sỏi thận.
Bên cạnh đó, một số loại bệnh có thể gây ra sỏi thận như gút, rối loạn chuyển hoá, dị dạng đường tiết niệu, tăng canxi máu… thì phải điều trị, giải quyết những căn nguyên này.
Còn khi xuất hiện các dấu hiện như đái ra máu, có các cơn đau quặn thận… cần đi khám để được phát hiện bệnh và có hướng điều trị sỏi thận.
Còn nếu muốn dùng thuốc nam, trước hết cần xét nghiệm xem chức năng thận có ổn không. Dùng thuốc tại các cơ sở y tế, cơ sở thầy thuốc đông y được chứng nhận của cơ quan chức năng, nguồn gốc thuốc rõ ràng.
Hồng Hải
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn