Trong nghiên cứu này, 80 người bị huyết áp cao được thực hiện chế độ ăn DASH hoặc chế độ ăn DASH cùng với thực phẩm giàu probiotic. Khoảng 15% những người tham gia bị tiền tiểu đường nghĩa là hàm lượng đường huyết tăng cao nhưng chưa tới mức được chẩn đoán bị tiểu đường.
Chế độ ăn DASH là một trong những phương pháp không dùng thuốc hiệu quả nhất để cải thiện sức khỏe tim, bao gồm giảm huyết áp.
Những người trong nghiên cứu bổ sung probiotic vào chế độ ăn bằng cách thay thế một số thành phần của chế độ ăn DASH bằng các thành phần giàu probiotic. Ví dụ, thay vì dùng các sản phẩm sữa ít béo, được khuyến nghị theo chế độ ăn DASH, bạn có thể ăn sữa chua probiotic ít béo.
Trước khi những người tham gia nghiên cứu thực hiện những chế độ ăn này, các nhà nghiên cứu đã đo hemoglobin A1C, hàm lượng đường huyết khi đói và huyết áp. Họ cũng đo những chỉ số này một lần nữa khi kết thúc nghiên cứu.
Theo Hội tiểu đường Mỹ, xét nghiệm hemoglobin A1C đo xem có bao nhiêu hemoglobin, một loại protein có trong tế bào hồng cầu, có liên quan tới các phân tử đường. Càng nhiều phân tử đường có trong máu thì càng có nhiều phân tử hemoglobin liên quan. Xét nghiệm đường huyết khi đói là đo hàm lượng đường huyết trước khi ăn bất cứ thứ gì trong ngày.
Trước khi thực hiện các chế độ ăn, không có sự khác biệt về chỉ số giữa hai nhóm.
Sau 3 tháng, cả hai nhóm có chỉ số huyết áp giảm tương tự nhau. Nói cách khác, việc bổ sung probiotic không liên quan tới sự thay đổi huyết áp.
Nhưng bổ sung probiotic có liên quan đáng kể tới chỉ số đường huyết của những người tham gia.
Tại thời điểm 3 tháng, những người chỉ thực hiện chế độ ăn DASH (không bổ sung probiotic) có hàm lượng hemoglobin A1C giảm trung bình là 3,4%. Trong khi đó, hàm lượng này giảm trung bình 8,9% ở những người thực hiện chế độ ăn DASH cùng với probiotic.
Bổ sung probiotic vào chế độ ăn cũng có mối liên quan mạnh hơn tới hàm lượng đường huyết lúc đói của người tham gia.
Nhóm DASH bổ sung probiotic có hàm lượng đường huyết lúc đói giảm trung bình 10,7% trong khi nhóm DASH chỉ giảm 3,3%.
Mặc dù nghiên cứu này không chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa probiotic và hàm lượng đường huyết, một cách giải thích khả thi về cơ chế hạ mức đường huyết của probiotic là thông qua một loại hợp chất butyrate.
Trong ruột, một số loại vi khuẩn sản sinh butyrate, có thể đóng vai trò trong độ nhạy insulin. Khi độ nhạy insulin cao hơn, cơ thể không hấp thu đường huyết từ máu, do vậy làm giảm đường huyết.
Nghiên cứu này có một số hạn chế bao gồm số lượng người tham gia ít và thời gian nghiên cứu ngắn. Để xác nhận những kết quả này, nghiên cứu cần được thực hiện trên quy mô lớn hơn, với nhiều người tham gia hơn và trong thời gian dài hơn.
Theo Arjun Pandey, nhà nghiên cứu của Trung tâm Chăm sóc Tim mạch Cambridge ở Ontario và là tác giả của nghiên cứu, mặc dù cần có thêm nghiên cứu, nhưng những kết quả này chỉ ra rằng bổ sung probiotic vào chế độ ăn DASH có thể hứa hẹn bảo vệ chống lại tiểu đường.
Hà Ngân
Theo Huffingtonpost
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn