Cầu cứu bác sĩ sau khi dán miếng dán thải độc
Theo lời kể của các bác sĩ Bệnh viện Da liễu, mới đây có bệnh nhân vào khám với hai gan bàn chân tấy đỏ, bị bỏng rát, nổi mụn nước, đau đớn không thể đi lại. Thú tội với bác sĩ rằng thấy quảng cáo nói chỉ cần dán miếng dán thải độ trước khi đi ngủ hàng ngày thì tất cả những độc tố tồn tại lâu năm trong cơ thể sẽ được hút ra hết.
Tin vào sự “thần kì” này đã chăm chỉ dán vào gan bàn chân mỗi đêm trước khi đi ngủ. Được 1 tuần thì thấy gan bàn chân sưng đỏ, ngứa nhưng vẫn cố dán thêm vài ngày nữa. Cho đến ngày thứ 10, khi bóc miếng dán đã phải “khóc thét” vì nhiều mụn mước đã vỡ có mủ. Không thể chịu đựng đau đớn đành phải vào viện cầu cứu bác sĩ.
Một bệnh nhân khác đến Bệnh viện Châm cứu T.Ư khám với gan bàn chân không còn da, chảy nước vàng. Người bệnh này đã sử dụng miếng dán giải độc trong nhiều ngày và đến khi bóc miếng dán ra đã xé rách cả mảng da. Không biết thải độc được bao nhiêu độc tố trong cơ thể mà phải chịu đôi chân nhức nhối nhiễm trùng.
Bác sĩ Khoa khám bệnh – BV Bạch Mai còn kể, có bệnh nhân vào cấp cứu giữa đêm do huyết ấp tăng đột biến, người sốt cao, bứt dứt, khó thở. Người nhà khai, bệnh nhân được bà bạn tặng cho mấy miếng dán thải độc, tối tắm rửa xong hăm hở mang dán, chỉ 1 tiếng sau đã phải vào bv cấp cứu.
Mặc dù cách đây 1 năm các bác sĩ đã khuyến cáo không nên sử dụng các miếng dán thải độc vì chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh song nhiều người vẫn sử dụng vì tin vào những lời quảng cáo thần kỳ. Hiện miếng dán thải độc vẫn được bày bán khá nhiều tại các hiệu thuốc, các salon, và bán trên các trang mạng. .
Vẫn những lời quảng cáo bùi tai như sản phẩm có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, với giá bán từ 300.000 – 800.000 đ/hộp 10 miếng. Giúp thải độc trong cơ thể và góp phần giải quyết nhiều bệnh đặc biệt hiệu quả như: đau đầu, đau lưng, cơ, viêm khớp, mất ngủ; điều trị biến chứng cho người bị bệnh đái tháo đường, điều chỉnh hệ thống tuần hoàn máu...
Để lừa khách hàng, các quảng cáo luôn nhấn mạnh đến nguyên lý có vẻ rất khoa học như “gan bàn chân, nơi có hơn 60 huyệt đạo thông với 360 huyệt đạo trên cơ thể, được cả nền y học phương Đông lẫn phương Tây nhìn nhận là nơi phản ánh sức khoẻ của con người...”. Điều thần kỳ nhất là sau khi dán vào gan bàn chân 6- 8 tiếng, miếng dán sẽ chuyển sang màu tối, đen, xám... Các màu sắc đó chính là các chất cặn bã được đào “hút” ra khỏi cơ thể.
Không có chất độc nào đi ra từ lòng bàn chân
Bác sĩ Trần Văn Năm, Viện Y dược học dân tộc khẳng định, trong y học cổ truyền chưa có bằng chứng nào công nhận chất độc từ cơ thể có thể đi qua lòng bàn chân ra ngoài. Lòng bàn chân đúng là nơi tập trung nhiều dây thần kinh, là nơi thể hiện các loại bệnh lý nên trong y học cổ truyền thường có những phương pháp tác động lên gan bàn chân như: day ấn, xoa bóp, bấm huyệt, dùng từ trường... để góp phần chữa bệnh.
Về việc đổi màu của miếng dán, có thể là kết quả của phản ứng giữa mồ hôi vùng da đó bị bít hơi một thời gian dài và một thành phần nào đó của miếng dán chứ không có chuyện chất độc của cơ thể làm miếng dán đổi màu. Việc sử dụng miếng dán thải độc, bác sĩ Năm khuyên người dùng nên cẩn trọng với những sản phẩm chưa được kiểm định và có nguồn gốc không rõ ràng. Không được nghe theo quảng cáo mà bỏ những loại thuốc đặc trị khiến bệnh tình có biến chứng nặng nề hơn.
Để tìm hiểu về tác dụng của miếng dán giải độc, các chuyên gia tại Viện Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiến hành phân tích thành phần. Trên bao bì sản phẩm có ghi các thành phần bao gồm giấm gỗ, dextrin, chitosan, đá tourmaline, bột ngọc trai, silica tinh khiết và axit glycolic. Trong đó thành phần axit glycolic được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, có tác dụng tẩy da chết vì tính axit cao.
Tuy nhiên, với nồng độ cao thì đây lại là một chất độc, cực kỳ nguy hiểm cho da khi tiếp xúc. Các chuyên gia cũng khẳng định, các thành phần này không có tác dụng hút chất độc, thậm chí còn là hóa chất độc hại có thể gây kích ứng da, nhiễm trùng da, nặng hơn gây nhiễm trùng máu...
Cục Quản lý dược cũng xác nhận cho đến nay Cục chưa cấp phép lưu hành cho sản phẩm miếng dán giải độc nào. Vì vậy, người dân không nên cả tin vào những lời quảng cáo về miếng dán thải độc dẫn đến nguy hại cho sức khỏe.
Việc sử dụng miếng dán ở lòng bàn chân khi chưa được chứng minh và thử nghiệm rõ ràng về tác dụng là điều vô cùng nguy hiểm. Dưới gan bàn chân của có hệ thống dây thần kinh cùng nhiều huyệt quan trọng. Vì thế, những tác động vào phần này, dù rất nhỏ cũng có thể gây ảnh hưởng tới các bộ phận khác trên cơ thể, đặc biệt là các cơ quan nội tạng.
Ngọc Phương
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn