Theo ông Ngô Đình Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản An Giang, thời gian gần đây người dân phản ánh về chuyện cơm sau khi nấu, ăn không hết để qua đêm thì phát hiện cơm chuyển sang màu hồng.
Theo đó, Chi cục đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh thông tin trên. Qua xác minh tìm hiểu thì loại gạo bị chuyển màu có 2 loại gạo Sóc và Jasmine trộn với nhau.
Chi cục đã gửi mẫu cơm đến Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để kiểm nghiệm chỉ tiêu vi khuẩn gây hại thuộc họ Enterobacteriaceae. Kết quả phân tích cho thấy mẫu cơm sau khi nấu để qua đêm chuyển màu dương tính với vi khuẩn Serratia marcescens gây hiện tượng thực phẩm bị chuyển sang màu hồng đỏ, trong đó sắc tố gây màu đỏ là Prodiginosin.
Theo các nhà khoa học, vi khuẩn Serratia marcescens thường có mặt trong đất, nước, cây, động vật, phát triển mạnh ở những nơi ẩm ướt như sàn nước nhà vệ sinh, nhà tắm hoặc sàn nước nhà bếp. Đây là vi khuẩn gây bệnh chủ yếu ở mắt người như viêm kết mạc, viêm giác mạc, nhiễm trùng ống dẫn nước mắt, cũng có thể gây viêm tủy xương, viêm phổi, viêm não nhưng không phổ biến.
Với những kết quả trên, có thể khẳng định không phải tồn dư thuốc BVTV còn lại trong hạt gạo gây chuyển màu sau khi nấu cơm để qua đêm mà là do bảo quản cơm trong điều kiện không đảm bảo, khi gặp điều kiện thích hợp về độ ẩm và nhiệt độ, vi khuẩn Serratia marcessens xuất hiện và phát triển rất nhanh gây hiện tượng thực phẩm bị chuyển sang màu hồng đỏ, trong đó sắc tố gây màu đỏ là Prodiginosin.
Theo Hương Huệ
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn