Đe dọa nhiều quốc gia
Ngày 17/8/2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo bệnh sốt vàng da ở châu Phi, nhất là tại Angola và CHDC Congo, có nguy cơ bùng phát thành đại dịch tại châu Phi, châu Á và lan rộng ra toàn thế giới.
Các chuyên gia WHO cho biết bệnh sốt vàng da xuất hiện tại Angola và CHDC Congo và sau đó lan sang một số quốc gia ở châu Phi. Hiện đã có hàng nghìn bệnh nhân mắc căn bệnh nguy hiểm này, đặc biệt tại Angola và CHDC Congo. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, kể từ khi bệnh dịch bùng phát hồi đầu tháng 12-2015, đến nay đã có hơn 400 người tử vong tại hai quốc gia châu Phi này.
Một bệnh nhân sốt vàng da ở châu Phi. Ảnh: Reuters
Hiện nay, WHO cùng Quỹ Cứu trợ nhi đồng (SCF) đang phối hợp với các Chính phủ Angola và CHDC Congo để tổ chức chương trình tiêm chủng vaccine phòng bệnh sốt vàng da. Tuy nhiên, WHO hiện chỉ có 7 triệu liều vaccine, trong khi số người có nguy cơ nhiễm căn bệnh chết người này là hơn 10 triệu người.
WHO cho biết bệnh sốt vàng da có thể bùng phát thành đại dịch tại châu Phi, sau đó lây lan sang châu Á, do hiện có hàng nghìn người Trung Quốc đang làm việc tại các dự án cơ sở hạ tầng, đường giao thông, khai khoáng... ở châu Phi, có thể mang mầm bệnh nguy hiểm này vì không được tiêm chủng kịp thời.
Cùng ngày, Tổ chức "Cứu trợ trẻ em" (Save the Children) có trụ sở ở Anh cũng cho biết bệnh sốt vàng da hiện đã xuất hiện ở rất nhiều nước châu Âu. Tổ chức “Cứu trợ trẻ em” đã triển khai một nhóm các chuyên gia giúp đỡ Bộ Y tế CHDC Congo trong chiến dịch tiêm chủng mở rộng.
Căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Bệnh sốt vàng là một chứng bệnh sốt xuất huyết gây vàng da do siêu vi trùng Yellow Fever Virus (virut sốt vàng), thuộc họ Flavividae, giống Flavivirus, lây truyền qua đường muỗi đốt. Bệnh sốt vàng da chủ yếu do muỗi Aedes nhiễm và truyền sang người. Bệnh thường phát sinh vào mùa mưa, khí hậu nóng với nhiệt độ trung bình tháng trên 20 độ C, là giai đoạn phát triển mạnh của loài muỗi Aedes. Từ thế kỷ XVII, bệnh sốt vàng da đã xuất hiện tại Nam Mỹ và châu Phi. Đến thế kỷ XIX, sốt vàng da được xem là một trong những căn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm trên thế giới. Theo WHO, mỗi năm ở châu Phi có đến hàng nghìn người mắc bệnh sốt vàng da, còn ở Nam Mỹ cũng có đến hàng trăm người mắc.
- Các triệu chứng:
Các triệu chứng ban đầu của bệnh sốt vàng da bao gồm sốt cao, khởi phát đột ngột kèm rét run, đau đầu, đau lưng, đau nhức cơ thể, mặt đỏ xung huyết, buồn nôn và nôn, mạch chậm, mệt mỏi, suy nhược, bạch cầu máu ngoại vi giảm và có vàng da nhẹ. Phần lớn trường hợp bệnh cải thiện sau các triệu chứng ban đầu này. Tuy nhiên, khoảng 15% trường hợp mắc bệnh sốt vàng da, sau khoảng một ngày thuyên giảm, bệnh chuyển sang giai đoạn nặng có nhiễm độc biểu hiện bằng các triệu chứng: sốt tái phát, đau bụng, giảm đi tiểu, loạn nhịp tim, vàng da vừa hoặc nặng. Nếu tình trạng này xảy ra thì có nguy cơ xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, máu mũi, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen), tổn thương nhiều phủ tạng, suy gan, suy thận, trụy tim mạch, sốc nhiễm khuẩn. Sốt vàng da là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, ở thể nặng từ 20% đến 50%, các thể khác dưới 5%.
Mọi người không phân biệt lứa tuổi, giới tính khi chưa có miễn dịch đều có thể nhiễm vi rút sốt vàng da. Tuy nhiên nhóm người có nguy cơ cao hơn với bệnh là trẻ em và những người có nghề nghiệp phải thường xuyên phơi nhiễm cho muỗi tấn công đốt hút máu.
- Nguyên tắc điều trị:
Bệnh sốt vàng da hiện chưa có thuốc đặc trị, vì vậy điều trị theo các nguyên tắc: phát hiện, chẩn đoán đúng bệnh; điều trị sớm; tập trung chủ yếu điều trị triệu chứng như giảm sốt, giảm đau, chống xuất huyết; chống suy gan, thận; trợ tim mạch, chống dị ứng; chỉ dùng kháng sinh khi có biểu hiện bội nhiễm vi khuẩn; hạn chế tối đa các biến chứng muộn.
- Các biện pháp phòng, chống dịch:
Biện pháp dự phòng hiệu quả nhất đối với bệnh sốt vàng cho đến nay là tiêm phòng vaccine. Thường sử dụng vaccine 17D sống, giảm độc lực, an toàn cao, chế tạo từ phôi gà. Vaccine được tiêm dưới da cho người từ 9 tháng tuổi trở lên, dùng 1 liều duy nhất, hiệu lực đạt trên 90% và có thể duy trì kháng thể bảo vệ lâu dài, tuy nhiên nên có mũi tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm ở những người có nguy cơ cao trong vùng dịch lưu hành. Vaccine sốt vàng da được quy định tiêm bắt buộc cho người đi đến từ vùng có bệnh lưu hành và đi vào vùng có bệnh dịch sốt vàng da.
Tăng cường kiểm dịch y tế biên giới nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, quản lý những trường hợp nghi mắc sốt vàng da có thể xâm nhập.
Tuyên truyền giáo dục và tổ chức cho cộng đồng tiến hành các biện pháp giám sát thường xuyên dịch bệnh. Xử lý vệ sinh môi trường, khống chế việc sinh sản và diệt muỗi trưởng thành đối với loài muỗi Aedes trong các khu vực dân cư.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, các biện pháp chống dịch sốt vàng da chủ yếu là chống muỗi đốt cho bệnh nhân; thu gom và khử khuẩn triệt để chất dịch cơ thể của bệnh nhân (máu, dịch não tủy, tinh dịch, dịch tiết khác). Thời gian theo dõi cách ly ngắn nhất trong vòng 7 ngày, thường là 14 ngày sau khi phát bệnh. Kết hợp phun hóa chất diệt muỗi (phun dạng ULV, phun nhắc lại sau 1 tuần) trong bệnh viện và khu vực ổ dịch, tập trung vào khu vực muỗi Aedes truyền bệnh có thể trú đậu và sinh sản.
Đăng ký cụ thể, tổ chức theo dõi những người tiếp xúc trực tiếp và người cùng sống với người bệnh trước khi phát bệnh 5 ngày, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mới phát bệnh để đưa vào diện cách ly, điều trị.
Sau hàng loạt dịch bệnh xuất hiện liên tục gần đây trên thế giới, việc bùng phát bệnh sốt vàng da tại châu Phi cùng những cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh này trở thành đại dịch lại tiếp tục đặt cộng đồng quốc tế trước những khó khăn mới.
Theo Thanh Lâm
TTXVN
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn