Chữa bệnh… giọng nói

Thứ bảy - 20/08/2016 14:28

Chữa bệnh… giọng nói

Họ bỗng rơi vào thế giới câm lặng sau một lần tai nạn, bệnh tật. Thông qua các nhà âm ngữ trị liệu đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam, họ đã tìm lại tiếng nói của mình

Một năm trước, chị D., một giảng viên ĐH tại TP HCM, từng rơi nước mắt trước yêu cầu hồn nhiên của 2 con gái nhỏ: kể một câu chuyện cổ tích trước khi ngủ. Các con chị vốn đã quen với những câu chuyện thần tiên mà chị kể trong nhiều năm trước khi bị biến chứng liệt dây thanh một bên sau phẫu thuật điều trị bệnh bướu cổ.

Bài “thể dục” cho dây thanh

Những ngày sau phẫu thuật, chị D. vẫn cố nói nhưng chỉ có thể phát ra âm gió thều thào, khó ai hiểu. Rồi chị dần kiệt sức vì mất hơi sau mỗi lần cố gắng. Mất đi giọng nói đồng nghĩa với việc chị phải rời bỏ công việc của một giảng viên dạy tin học.

Theo bà Trần Thị Thu Trang - bác sĩ (BS) tai mũi họng, nhà âm ngữ trị liệu thuộc Đơn vị Thanh học Khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TP HCM - chúng ta có thể nói được nhờ sự rung động của hai bên dây thanh mỗi khi không khí đi qua. Ca phẫu thuật trị bướu cổ đã vô tình làm ảnh hưởng dây thần kinh chi phối nói vốn rất mong manh, khiến một bên dây thanh hoàn toàn đứng yên nên thanh quản không còn đóng kín được khi cần.

Các chuyên viên điều trị cho trẻ nói ngọng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM)

Chị D. đến gặp BS Trang một lần mỗi tuần và siêng năng thực hiện bài tập về nhà. Những bài tập như trẻ con đang cố tập phát âm cho tròn chữ, cố nói cho rõ ràng nhưng lại là bài “thể dục” đặc biệt dành riêng cho dây thanh để ép thanh môn, giúp bên dây thanh còn lại khỏe mạnh hơn, bù trừ cho bên bị liệt.

Vì chị D. là giảng viên nên các BS đã hướng dẫn thêm một số phương pháp để chăm sóc giọng nói. Sau 2 tháng điều trị, chị đã nói chuyện mạch lạc, nhẹ nhàng hơn. Giọng nói của chị đã phục hồi khoảng 70% theo đánh giá khắt khe của BS. Song, so với người bình thường, giọng của chị chỉ như người khàn tiếng nhẹ do cảm, ho.

4 tuổi, cất tiếng nói đầu đời

“Chào cô!” - chị Lê Thị Thanh Xuân, Trưởng đơn vị Âm ngữ trị liệu và Trung tâm Can thiệp sớm dành cho trẻ tự kỷ thuộc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, giật mình khi 1 bệnh nhi 4 tuổi cất tiếng chào. Quay lại, chị thấy cô bé đang gỡ tấm ảnh chủ đề “bé đến lớp” thuộc bộ hình trị liệu gắn trên bảng gần cửa và đưa cho chị.

Tấm ảnh ấy thuộc bộ ảnh mô tả những hoạt động trong ngày của một đứa trẻ. Trong mỗi ảnh, đứa bé được hướng dẫn cách giao tiếp phù hợp với từng tình huống.

Ở độ tuổi lên 4, một câu chào có lẽ là quá đỗi bình thường nhưng với bé L., đó là kết quả của một năm ròng rã đầy kiên nhẫn và cố gắng của gia đình và các BS. Bé L. mắc chứng tự kỷ và chưa từng cất tiếng nói. Bé được cha mẹ đưa đến gặp chị Xuân cách đây một năm, không biết nói, đi lăng xăng khắp phòng trị liệu, xé sách vở và không nghe lời ai. L. hôm nay hay cười, đã biết ngồi yên và hào hứng tham gia các trò chơi. Kể từ ngày cất tiếng chào cô, L. đã nói thêm được khá nhiều.

Sau mấy năm Đơn vị Âm ngữ trị liệu hoạt động, “gia tài” của chị Xuân là những dãy tủ đầy ắp đồ chơi, những bộ tranh các cặp âm chuyên sử dụng cho trẻ rối loạn âm, lời nói… Bệnh nhi của chị đa dạng, là trẻ tự kỷ, bại não, rối loạn âm lời nói, sau phẫu thuật sứt môi - hở hàm ếch…

Được sự đồng ý của một người mẹ, chúng tôi tham dự buổi trị liệu của một cậu bé 5 tuổi mắc chứng nói ngọng tại BV Nhi Đồng 2 (TP HCM). Trên chiếc bàn là bộ đồ chơi với những viên gỗ nhiều hình thù và một chiếc hộp để bé bỏ vào theo hình tương ứng. Bên cạnh đó là quyển sách đẹp mắt mà các sự vật đều bắt đầu bằng phụ âm “r” - một trong những âm bé bị ngọng. Vừa chơi vừa đùa giỡn với các cô chuyên viên, bé đã được trị liệu mà không cần bất cứ sự ép buộc nào.

BV Nhi Đồng 1 (TP HCM) cũng có hẳn một kho đồ chơi để trong các tủ ở nhiều phòng trị liệu. Tại đây, một căn phòng chỉ có 1-2 bé được điều trị, mỗi bé có một chuyên viên riêng đảm nhận. Ông Hoàng Văn Quyên - kỹ thuật viên trưởng Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng BV Nhi Đồng 1, cho chúng tôi xem những dụng cụ tự làm trong khoa.

Theo ông Quyên, phương pháp trị liệu cho trẻ em rất khác người lớn. Nếu bước vào phòng âm ngữ trị liệu cho trẻ, đôi khi người ngoài sẽ thấy kỳ quặc vì 2 người lớn đang cùng nhau chơi những trò ghép hình, xếp chữ, thổi bong bóng… của trẻ con. Nhưng thật ra, đó là cách để dẫn đứa trẻ ra khỏi thế giới khép kín, nhất là với trẻ tự kỷ hay có các rối loạn về giao tiếp.

Chị Lê Thị Đào, chuyên viên âm ngữ trị liệu thuộc Khoa Vật lý trị liệu BV Nhi Đồng 2, cho hay nhiều đứa trẻ nhất định không mở miệng nói một lời. Khi có các rối loạn về ngôn ngữ như nói ngọng, trẻ thường bị mọi người chọc ghẹo. Với những tình huống “tức phát khóc” khi nói mãi người ta không hiểu, dần dần trẻ không muốn hoặc ngại nói.

Khi đó, chuyên viên âm ngữ trị liệu phải bình tĩnh tiếp cận. Nếu hỏi: “Cái này là cái gì?” mà trẻ không trả lời, họ có thể quay sang hỏi người mẹ rồi khen mẹ giỏi. Họ cũng có thể cùng chơi với phụ huynh để tìm cách lôi kéo trẻ tham gia. Thậm chí, các chuyên viên còn thưởng kẹo cho mẹ, thế là bé cũng nhào vào chơi vì muốn có kẹo.

Lò đào tạo chuyên viên âm ngữ trị liệu đầu tiên

Hiện nay, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) là nơi duy nhất tại Việt Nam đào tạo chuyên viên âm ngữ trị liệu với 33 chuyên viên đã được cấp chứng chỉ sau 2 khóa đầu tiên, hệ sau ĐH. Trước đây, tại Việt Nam chỉ có vài chuyên gia về lĩnh vực này, được đào tạo ở nước ngoài.

Âm ngữ trị liệu là một chuyên ngành điều trị cho các bệnh nhân có rối loạn liên quan đến giao tiếp hoặc nuốt như: người sau tai biến, sau phẫu thuật cắt bỏ thanh quản, sau khi được trị sứt môi - chẻ vòm; bệnh nhân bị liệt dây thanh toàn phần hoặc bán phần, phục hồi tiếng nói sau khi cấy điện ốc tai điều trị điếc; trẻ em tự kỷ, chậm nói hoặc rối loạn ngôn ngữ; người nói ngọng, nói lắp, nói giọng ái nam ái nữ…

Theo Anh Thư

Người lao động

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây