Những cơn sốc đáng sợ!

Thứ sáu - 19/08/2016 10:40

Những cơn sốc đáng sợ!

Người nhà cần nhận biết các dấu hiệu đe dọa tính mạng của bệnh nhân, nhất là trẻ em, để có thể cấp cứu kịp thời

Đã tròn một năm kể từ khi mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), anh N.V.Đ (29 tuổi; ngụ quận Tân Bình, TP HCM) vẫn còn bị ám ảnh. Với nhiều người, căn bệnh “xưa như trái đất” này không quá đáng sợ bởi dù bệnh nhân bị những cơn sốt cao hành hạ nhưng vẫn có thể tự khỏi sau vài ngày mà không cần nhập viện hay thuốc men gì nhiều. Chính vì nghĩ vậy nên khi mắc bệnh, anh Đ. cũng chỉ đi khám ngoại trú rồi về nghỉ ở nhà 3 ngày.

Giảm thân nhiệt: Coi chừng bị nhầm

Đến ngày thứ tư của đợt bệnh, anh Đ. tự đo nhiệt độ vào buổi sáng thì thấy cơn sốt hạ xuống. Dù trong người còn rất mệt nhưng nghĩ đến công việc bộn bề ở công ty nên anh quyết gọi taxi đi làm. Không ngờ, mới đến công ty, anh bỗng thấy toàn thân lạnh toát, người lảo đảo và buồn nôn dữ dội. Các đồng nghiệp cấp tốc đưa Đ. đến Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới gần đó và rất may, anh đã được cứu khỏi cơn sốc SXH bất ngờ.

Chị T.T.D - mẹ của một cháu bé 4 tuổi, đang học mẫu giáo ở quận Phú Nhuận, TP HCM - là một trường hợp khác. D. cho biết gần đây, chị đọc báo thấy mấy ca tử vong vì sốc SXH nên cũng sợ. “Năm kia, cháu ruột của tôi suýt gặp nguy hiểm. Cháu lúc đó 5 tuổi, bị bệnh tay chân miệng độ 2. Vì nhà xa nên cha mẹ muốn cho cháu điều trị ngoại trú. Ai dè hôm ấy vừa được đưa đến phòng khám của BV Nhi Đồng 2, chưa kịp đăng ký thì cháu có biểu hiện sốc. May là đang ở BV nên cháu được cấp cứu kịp thời” - chị nhớ lại.

Điều trị cho trẻ mắc tay chân miệng tại BV Nhi Đồng 1

BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), cảnh báo một số căn bệnh “đến hẹn lại lên” trong mùa mưa này có thể xuất hiện biến chứng nguy hiểm là những cơn sốc. Sốc càng nguy hiểm hơn với trẻ em bởi các cháu không thể tự nhận biết dấu hiệu nguy hiểm để nói với người lớn. Vì thế, theo dõi trẻ là việc phụ huynh cần hết sức quan tâm.

BS Tiến lưu ý nhất là căn bệnh SXH, cơn sốc có thể đến vào giai đoạn khá bất ngờ. Thông thường, người bệnh sốt cao nhất vào 2 ngày đầu của bệnh. Sang ngày thứ 3, cơn sốt có phần bớt, sau đó ít hôm sẽ xuất hiện hồng ban phục hồi rồi khỏi bệnh. Tuy nhiên, giai đoạn cơn sốc có thể diễn ra cũng là ngày thứ 3 đến thứ 6 của bệnh, nguy cơ cao nhất vào ngày 4 và 5. Khi sắp vào sốc, người bệnh cũng có dấu hiệu giảm thân nhiệt nên dễ bị lầm tưởng là đang khỏe lên. Tuy nhiên, việc hạ nhiệt độ này thường đi kèm với nhiều dấu hiệu nguy hiểm, nếu vào sốc mà không được cấp cứu kịp thời thì cơn sốc có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Chú ý biểu hiện lạ

ThS-BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Cấp cứu 115 TP HCM, khuyên rằng khi phát hiện người bệnh trong nhà bỗng nhiên trở nặng, các tính năng sống, dấu hiệu sinh tồn không còn ổn định như sốt cao kèm co giật, mê sảng, khó thở, nôn ói… thì nên gọi xe cấp cứu hoặc đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Trong trường hợp phát hiện trễ, lúc bệnh nhân đã nguy cấp, không rõ cách xử lý ban đầu… thì nên thông báo tình trạng với nhân viên trực tổng đài cấp cứu 115 (là các nhân viên y tế) khi gọi xe để được hướng dẫn sơ cấp cứu trong thời gian chờ đội cấp cứu đến.

Nhiều chuyên gia cũng khuyên bệnh nhân là người lớn khi được chẩn đoán những bệnh có nguy cơ vào sốc (SXH, các bệnh có nguy cơ sốc nhiễm trùng…) thì nên nhờ tư vấn kỹ cách tự theo dõi. Cho dù là bệnh gì, nếu thấy cơ thể có biểu hiện lạ, không ổn như sốt quá cao, quá khó chịu, bỗng nhiên lạnh toát người, chới với, nôn ói, đau bụng dữ dội… thì nên nhờ trợ giúp ngay.

Với trẻ nhỏ, BS Tiến lưu ý việc theo dõi bệnh vốn phụ thuộc vào người lớn. Bệnh SXH, tay chân miệng có thể vào sốc; trẻ bị thương có nhiễm trùng, bị tiêu chảy nặng, bị bệnh đường hô hấp nặng… cũng có nguy cơ đối diện với cơn sốc nhiễm trùng dù tỉ lệ không cao. Cha mẹ nên chú ý một số biểu hiện bệnh nặng ở trẻ, có thể là dấu hiệu của cơn sốc hoặc một tình trạng trở nặng, cần đưa đến BV ngay: bỏ ăn, bỏ bú, ói mửa, co giật, li bì - khó đánh thức, tím tái…

Ngoài ra, một số bệnh có các biểu hiện riêng. Ví dụ, khi đối diện cơn sốc ở bệnh tay chân miệng, trẻ sẽ giật mình, chới với, da nổi bông dữ dội… Với bệnh SXH, có thể thấy các dấu hiệu: quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì, đau bụng nhiều, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen…

Lưu ý những dạng biến chứng nặng

BS Nguyễn Minh Tiến lưu ý ở mỗi bệnh đều có những dạng biến chứng nặng mà chúng ta cần lưu ý chứ không chỉ riêng các cơn sốc. Ví dụ, với bệnh tay chân miệng, các cơn sốc chủ yếu xảy ra ở thời điểm đầu mùa (lúc này đã hiếm gặp) nhưng vẫn xuất hiện ở một số trẻ bị suy hô hấp. Khi đó, trẻ sẽ thở không đều, khò khè, thở rít lúc hít vào, co lõm ngực… Khi đi khám bệnh, nếu là điều trị ngoại trú, nên hỏi rõ các dấu hiệu trở nặng của từng bệnh để tiện theo dõi và trở lại BV khi cần thiết.


Theo Anh Thư

Người lao động

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây