Tại Diễn đàn Chính sách nông nghiệp tổ chức ở TPHCM (ngày 9/11) TS. Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền Nam cho hay, mặc dù nhà nước đã có nhiều giải pháp trong quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm song vấn nạn sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi vẫn tiếp diễn.
Thống kê của Cục Chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy, tất cả các trang trại gà chăn nuôi có sử dụng kháng sinh đều dùng cao hơn quy định.
Tất cả cơ sở chăn nuôi heo đều sử dụng hàm lượng kháng sinh cao hơn quy định 2 đến 4 lần; 62% số trại được khảng sát dùng kháng sinh liều thấp có thể kích thích sinh trưởng.
Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả, trái cây vượt giới hạn cho phép là 5,3%; thịt chứa hóa chất vượt giới hạn cho phép 2% và thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật là 15,4%.
Hội Ung thư TPHCM chỉ ra, thực phẩm đang chiếm 35% nguyên nhân gây ung thư cho người sử dụng. Số người mắc ung thư mỗi năm đang tăng “chóng mặt” nếu năm 2000 chỉ ghi nhận khoảng 68.000 người thì năm 2010 đã lên tới hơn 128.000 người. Dự báo, đến năm 2020 mỗi năm cả nước sẽ có khoảng 200.000 ca ung thư mắc mới.
Ngoài thực tế cho nhập ồ ạt chất Salbutamol đã được phanh phui thì công tác quản lý kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi còn nhiều bất cập. Theo ông Lộc, hiện tình trạng kinh doanh thuốc thú y đã hết hạn sử dụng, dùng thuốc y tế để phòng, chữa bệnh cho động vật khá phổ biến. Bên cạnh đó, dù chưa được cấp phép song tình thực trạng mua bán nguyên liệu kháng sinh cho các doanh nghiệp vẫn diễn ra; hành vi vận chuyển, thu gom, lưu giữ động vật, sản phẩm động vật trong chăn nuôi đang tràn lan.
Hệ thống pháp luật tạo kẽ hở
Liên quan đến vấn đề quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ nơi sản xuất đến bàn ăn, ông Đào Đức Huấn, Trung tâm Phát triển Nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn) cho rằng: “Thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa sâu sát với thực tế, tạo kẽ hở cho những cá nhân, tổ chức tiếp tục làm ăn bất chính vì lợi nhuận”.
Dẫn chứng cho vấn đề trên, ông Huấn chỉ ra: “Vấn đề quản lý an toàn theo chuỗi đảm bảo an toàn của thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh nông – lâm – thủy sản tới cơ sở chế biến, phân phối tới tay người tiêu dùng còn lỏng lẻo bởi năng lực kiểm tra, giám sát của hệ thống cơ sở (cấp xã) yếu kém; chưa có sự lồng ghép giữa quản lý an toàn thực phẩm với quản lý thú y, dịch bệnh. Mức độ kiểm tra không liên tục, truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn bị bỏ ngỏ tạo ra sự mập mờ giữa thực phẩm sạch và bẩn”.
Các ý kiến tham dự diễn đàn cho rằng, hiện đang có sự nở rộ dịch vụ kinh doanh thực phẩm “sạch” qua bán hàng online. Tuy nhiên, trên thực tế chất lượng sản phẩm, an toàn của sản phẩm chỉ dựa trên lời quảng cáo của cơ sở kinh doanh, sự quản lý của cơ quan chức năng đối với dịch vụ kinh doanh này gần như đang là “khoảng trắng”.
Mặt khác, với những hệ thống phân phối lớn thuộc các công ty, siêu thị cũng chưa xây dựng được vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn, hàng hóa sản xuất chủ yếu vẫn là đặt hàng để người dân cung ứng nên khó đảm bảo được chất lượng, khó truy xuất được nguồn gốc.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh đang lợi dụng sự mập mờ của nguồn gốc sản phẩm để thu lợi bất chính như mua thực phẩm trôi nổi trộn lẫn vào thực phẩm sạch, bán với giá cao hoặc bán hàng kém chất lượng nhưng vẫn mang thương hiệu “sạch”.
Người tiêu dùng, bằng mắt thường không thể nhận biết được đâu là sản phẩm đúng chất lượng, an toàn nên hầu hết đều chọn mua và sử dụng theo cảm quan. Trong khi đó, cơ quan chức năng có nhiệm vụ kiểm tra giám sát đang thiếu thiết bị chuyên dụng, các mẫu nghi ngờ phải mất 2 tuần để kiểm nghiệm, khi có kết quả thì sản phẩm sai phạm đã bị tiêu thụ hết từ lâu song hình thức xử phạt sai phạm chỉ như “phủi bụi”.
Vân Sơn
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn