Hầm mộ Capuchin nằm ở thành phố Palermo, thuộc vùng Sicily, miền nam nước Ý, là một trong những khu chôn cất nổi tiếng nhất thế giới, nơi lưu giữ hàng nghìn xác ướp có niên đại từ 100-200 tuổi, bao gồm cả người lớn và trẻ em. Trong số đó, nổi tiếng nhất phải kể đến là xác ướp của Rosalia Lombardo, một bé gái 2 tuổi, được mệnh danh là "xác ướp bé gái đẹp nhất thế giới". Rất nhiều du khách tới thăm khu mộ này chỉ để được nhìn thấy xác ướp của Rosalia Lombardo, thậm chí còn rùng rợn hơn với giai thoại về việc nhìn thấy cô bé chớp mắt.
Được biết, bé gái Rosalia Lombardo qua đời vào ngày 2/12/1920, ngay trước sinh nhật lần thứ 2 của mình. Theo các chuyên gia, cô bé qua đời do mắc phải căn bệnh viêm phổi, là hội chứng ảnh hưởng sau khi bị nhiễm cúm trong trận đại dịch cúm Tây Ban Nha từ năm 1918 đến năm 1920.
Nhìn vào thi thể nhỏ bé nằm trong cỗ quan tài thủy tinh chứa đầy khí ni-tơ lỏng, thật giống như cô bé sẽ tỉnh dậy bất cứ lúc nào. Làn da cô bé vẫn mịn màng, trắng sứ, mái tóc vàng được buộc gọn gàng bằng chiếc nơ lụa lớn. Và ám ảnh nhất chính là có thể nhìn thấy tròng mắt màu xanh pha lê của cô bé bên dưới hàng mi vàng hoe.
Sở dĩ hài cốt của Rosalia Lombardo còn nguyên vẹn đến mức khó tin như vậy là nhờ công nghệ ướp xác tài tình. Khi Rosalia Lombardo qua đời, bố cô bé là Mario Lombardo, một vị tướng của Ý, vì quá đau lòng trước sự ra đi của con nên đã tìm cách ướp xác với hy vọng giữ được thi thể con một cách trọn vẹn nhất. Người bố đã tìm đến nhà ướp xác Alfredo Salafia để nhờ bảo quản xác con. Alfredo Salafia đã ướp xác Rosalia Lombardo một cách hoàn hảo đến mức các cơ quan nội tạng của cô vẫn còn nguyên vẹn sau hơn một thế kỷ.
Người ta đã tìm thấy những giấy tờ mà Alfredo Salafia ghi lại về quá trình ướp xác bé gái Rosalia Lombardo, trong đó ông ghi rằng đã tiêm vào cơ thể bé gái formalin, muối kẽm, cồn, axit salicylic và glycerin. Formalin hiện được những người ướp xác sử dụng rộng rãi là hỗn hợp của formaldehyd và nước, giúp loại bỏ vi khuẩn. Alfredo là một trong những người đầu tiên sử dụng hóa chất này để ướp xác. Cồn cùng với không khí khô trong hầm mộ làm khô thi thể của Rosalia. Glycerin giúp thi thể cô bé không bị quá khô và axit salicylic ngăn nấm phát triển. Còn kẽm là yếu tố quan trọng giúp thi thể bé gái cứng lại như đá.
Xác ướp của Rosalia Lombardo được bảo quản tốt đến mức đã xuất hiện những lời đồn cho rằng đó là hàng giả hoặc tượng sáp. Điều này cũng dẫn đến hàng loạt cuộc kiểm tra và phân tích nghiêm ngặt. Kết quả cho thấy cơ quan nội tạng của Rosalia Lombardo vẫn còn nguyên và bộ não của cô bé chỉ bị thu nhỏ lại còn 50% so với kích thước ban đầu. Kết quả chụp X-quang cũng cho thấy chân và tay của bé gái còn nguyên vẹn.
Kể từ khi xác ướp của Rosalia Lombardo được tìm thấy, đã có rất nhiều truyền thuyết đô thị được dựng lên, trong đó nổi tiếng nhất là việc nhiều người nói rằng đã tận mắt nhìn thấy xác ướp này chớp mắt. Tới tận năm 2009, nhà nhân chủng học người Ý Dario Piombino-Mascali đã bóc trần huyền thoại xoay quanh xác ướp bé gái Rosalia.
"Đây là một ảo ảnh quang học do ánh sáng lọt qua những cửa sổ bên sườn tạo ra. Ánh sáng vào ban ngày có thể thay đổi", ông tuyên bố. Dario đã khám phá ra sự thật khi ông nhận chứng kiến việc các nhân viên bảo tàng di chuyển xác ướp, giúp ông nhìn rõ mí mắt của cô bé hơn bao giờ hết. "Chúng không nhắm hoàn toàn và thực sự là chưa từng nhắm. Vì vậy, khi ánh sáng thay đổi, đập vào mắt ở những góc khác nhau, nó có thể khiến đôi mắt như đang mở ra", ông Dario nói.
Hầm mộ Capuchin
Dù thế nào, xác ướp của Rosalia Lombardo vẫn là một huyền thoại, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Tiến sĩ Kirsty Squires đến từ Đại học Staffordshire (Anh) chia sẻ trên tờ Guardian: "Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu thực địa. Chúng tôi sẽ sử dụng một thiết bị chụp X-quang di động và chụp hàng trăm hình ảnh của những đứa trẻ từ nhiều góc độ khác nhau. Chúng tôi hy vọng sẽ hiểu rõ hơn về sự phát triển, sức khỏe và bản sắc của họ, so sánh các nguồn gốc sinh học với các loại văn hóa khác, như cách mỗi người họ được ướp xác hay quần áo họ đang mặc".
Nguồn: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/su-that-ve-xac-uop-be-gai-dep-nhat-the-gioi-tram-n...
Chuyện lạ thế giới
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn