Cụ thể, văn bản số 104/TB-VPCP ngày 16/3/2018 đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định các điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô.
Theo đó, ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục nêu rõ: Chính Phủ khẳng định quan điểm đối xử với các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô bình đẳng, không phân biệt doanh nghiệp trong nước - ngoài nước mà cùng hướng đến mục tiêu chung là phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của thị trường và đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho biết; Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Thông tư 03/TT-BGTVT đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, Chính phủ cũng ghi nhận những ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp về một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện liên quan đến sản xuất, nhập khẩu ôtô. Chính vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cũng như sửa đổi bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô, đã đề ra ba nhiệm vụ cụ thể như sau:
Thứ nhất: Yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ, chủ trì hoặc đồng chủ trì với các bộ ngành liên quan, tập trung thực hiện các vấn đề: tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách hiện hành, hỗ trợ tháo gỡ cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, đồng thời hoàn thiện các chính sách liên quan đến phát triển và tăng cường kiểm soát chất lượng ôtô Việt Nam. Các cơ quan này phải kiểm soát nhập khẩu ôtô trong nội khối ASEAN, đảm bảo đáp ứng nghiêm các điều hiện hưởng thuế suất 0%.
Ngoài ra Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp thu các ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan để nghiên cứu, giải trình; nếu cần thiết thì kiến nghị để hoàn thiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Thông tư 03/TT-BGTVT đáp ứng yêu cầu về công bằng và cạnh tranh theo thông lệ quốc tế. Cùng với đó là việc phải tổ chức ngay các đoàn đi khảo sát, kiểm tra thực tế để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (nếu có).
Thứ 2: Giao Bộ Tài Chính chủ trì sớm trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội về những chính sách thuế liên quan đến việc thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.
Thứ 3: Đối với các nhà sản xuất ôtô, cần quan tâm hơn đến phát triển công nghiệp phụ trợ, tiếp tục nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực ôtô, tạo ra ôtô thương hiệu Việt Nam. Trong quá trình thực hiện Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Thông tư 03/TT-BGTVT nếu gặp vướng mắc, các doanh nghiệp tiếp tục gửi ý kiến về Bộ Giao thông Vận tải hoặc bộ Công thương để xem xét xử lí theo thẩm quyền và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét (nếu quá thẩm quyền).
Trong tháng 2/2018, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, ôtô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam là 222 chiếc (bao gồm xe chưa qua sử dụng và xe đã sử dụng và bao gồm cả ôtô du lịch dưới 9 chỗ, xe thương mại và xe chuyên dụng) với giá trị ước tính 13,7 triệu USD giảm 96,3% về lượng và giảm tới 88,5% về giá trị so với cùng kì năm 2017.
Cộng dồn đến hết tháng 2/2018, toàn thị trường Việt Nam mới chỉ đưa về 562 ôtô, với trị giá 35,3 triệu USD.
Việt Hưng
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn