Đến thời điểm này, mới chỉ có duy nhất Honda thông quan lô xe nhập khẩu từ Thái Lan trong tháng 3 này để bán tới tay người tiêu dùng.
Số lượng xe nhập giảm, thuế thu giảm theo
Cụ thể, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan từ 2/3 đến 29/3/2018 vừa qua, thị trường ôtô Việt Nam đã nhập khẩu 3.445 xe ôtô nguyên chiếc các loại, với trị giá 78.723.880 USD; trong đó có 2.843 chiếc xe du lịch dưới 9 chỗ, bao gồm cả loại chưa qua sử dụng và xe đã sử dụng, với trị giá nhập khẩu đạt 61.654.050 USD.
Số liệu này cho thấy thị trường ôtô nhập khẩu Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn với các ràng buộc mới có trong các chính sách của Chính phủ có hiệu lực trong năm 2018 này. Cùng kỳ năm ngoái, khi mà Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn 03/2018/TT-BGTVT chưa được áp dụng, ước tính thị trường Việt Nam nhập khẩu khoảng 13.000 chiếc ôtô các loại, với giá trị đạt khoảng 150 triệu USD.
Cũng theo thống kê của hải quan, xe du lịch dưới 9 chỗ nhập khẩu hầu hết là từ Thái Lan, trong khi các mẫu xe nhập khẩu từ Thụy Điển có 52 chiếc, từ Trung quốc có 29 chiếc, từ Mexico có 17 chiếc, từ Nhật Bản có 10 chiếc, từ Mỹ và Indonesia có 3 chiếc, các thị trường khác như Anh, Đức, Đài Loan mỗi thị trường chỉ có duy nhất một chiếc xe nhập khẩu vào Việt Nam.
Và chính việc lượng xe nhập khẩu từ ASEAN lớn (đa số từ Thái Lan) và là các dòng xe được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% (so với thuế suất 30% năm 2017) dẫn đến ngân sách Nhà nước sẽ thiếu hụt đi một phần lớn từ mảng thuế ôtô nhập khẩu.
Thống kê các dòng xe và giá trị nhập khẩu trong tháng 3/2018:
Phân khúc xe du lịch dưới 9 chỗ - Sẽ chỉ là cuộc chơi của xe lắp ráp trong nước?
Trong số hơn 2.800 chiếc xe du lịch dưới 9 chỗ nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 3 vừa qua, có hơn 2.100 chiếc do Honda Việt Nam đưa về từ Thái Lan, chiếm tới 74% toàn thị trường. Đáng chú ý, ngoài những mẫu xe nhập khẩu phục vụ các cơ quan quốc tế hoạt động tại Việt Nam và các mục đích đặc biệt khác, xe của Honda Việt Nam hiện đang là số xe du lịch dưới 9 chỗ duy nhất đã thông quan và sẵn sàng đến tay người tiêu dùng, trong khi số còn lại đều đang nằm tại cảng hoặc kho của nhà máy để đợi hoàn thiện thủ tục.
Và trong thực tế, khá nhiều thương hiệu ôtô tại Việt Nam đang kinh doanh xe nhập khẩu từ các thị trường trong khu vực, vô cùng ngạc nhiên không biết Honda làm thế nào mà có thể đáp ứng đầy đủ các điều khoảng trong các quy định mới, trong khi chính dòng xe có cùng xuất xứ Thái Lan và khu vực như Toyota (Yaris/Fortuner), Mitsubishi (Mirage/Attrage, Pajero Sport), Ford (Everest)… và toàn bộ phân khúc xe bán tải đều hiện không có xe phục vụ thị trường.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Giao thông Vận tải, nghiên cứu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp để quản lí chất lượng đối với ôtô nhập khẩu nguyên chiếc.
Trước đó, Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ trị giá tính thuế, xuất xứ xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu (nhất là việc đáp ứng các tiêu chí xuất xứ của ASEAN) nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về thuế, chống gian lận thương mại và cam kết quốc tế.
Những động thái này cho thấy Chính Phủ Việt Nam đang siết mạnh quản lí các dòng xe nhập khẩu về cả các rào cản về chính sách thuế và cả việc quản lí chất lượng đối với dòng nhập khẩu.
Và trong thực tế, nếu nhìn vào danh mục sản phẩm xe lắp ráp tại Việt Nam hiện tại, sẽ thấy hầu hết các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ đều đã có; các dòng xe nhỏ với KIA Morning/Hyundai Grand i10/Chevrolet Spark, phân khúc hạng B với Mazda2/Toyota Vios/Honda City, toàn bộ xe du lịch hạng C bình dân như Mazda3/KIA Cerato… (trừ Honda Civic), phân khúc crossover với Mazda CX-5, Hyundai Tucson/SantaFe, Chevrolet Captiva, Mitsubishi Outlander…, phân khúc SUV/MPV với KIA Sorento, Toyota Innova… Chưa kể, sắp tới đây ẩn số VinFast sẽ còn nhiều bất ngờ.
Việt Hưng
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn