Ai từng trải qua thời học sinh hẳn sẽ có rất nhiều ký ức của một thời đi học, nhất là thứ cảm giác nôn nao trong những ngày đầu bước vào năm học mới. Bao nhiêu thứ cảm xúc khi được gặp lại thầy cô, bạn bè ở lớp học mới, hoặc là niềm hân hoan khi sẻ chia với đứa bạn thân về cái gọt bút chì có in hình con thú yêu thích. Đặc biệt, chắc hẳn mỗi cô cậu học trò sẽ thêm hân hoan khi được cha mẹ mua sắm quần áo và cặp sách mới để dạn dĩ bước đến trường.
Những thứ cảm xúc pha lẫn với nhau trong tiếng trống trường báo hiệu ngày khai giảng năm học mới sắp đến. Quả thật sẽ rất may mắn cho những đứa trẻ sinh ra có đầy đủ cha mẹ yêu thương chăm sóc, các em có cơ hội thể hiện mình, đến trường lớp... Đó là nhu cầu cơ bản mà đáng ra bất kỳ đứa trẻ nào cũng có được.
Và với em Nguyễn Hữu Đức, đang sống ở khu vực quận 6, TP HCM thì mọi chuyện tưởng chừng như đơn giản ấy, nhưng thật ra lại đáng buồn và xót xa. Em sinh năm 2009 tại vùng quê nghèo thuộc tỉnh An Giang. Ngày đó, ba mẹ em đến với nhau từ sự bốc đồng của tuổi trẻ, khi đó họ còn quá nghèo và cạn nghĩ nên không thể nào hình dung được những vất vả của việc nuôi một đứa con nhỏ.
Ngày Hữu Đức sinh ra là bắt đầu một cuộc hành trình đi tìm sự sống đầy khó khăn và dần đơn độc. Vài năm đầu khi em đang tuổi bập bẹ, mẹ vẫn cố gắng chăm bẵm, nhưng rồi đến một hôm, người mẹ ấy đã không còn đủ kiên nhẫn đối diện với cuộc sống thiếu thốn để tiếp tục ở bên cạnh đứa con trai do chính mình sinh ra. Có lẽ với sự ích kỷ của bản thân, người mẹ ấy đã bỏ lại em để đi tìm hạnh phúc cho riêng mình.
Rất nhiều năm về sau, mẹ của em không có bất kỳ liên lạc nào. Sau đó, ba của Đức gửi em cho bà ngoại nuôi. Bây giờ, bà ngoại của em thuê một căn trọ nhỏ trong hẻm ở gần đường An Dương Vương, quận 6 để làm nơi sinh hoạt cho 2 bà cháu. Hàng xóm ở đây ai cũng biết đến hoàn cảnh đáng thương của Đức. Nhìn hai bà cháu ở cái đất Sài Gòn này nương nhau mà sống thì ai cũng xót xa, chỉ trách sao số phận của họ quá cơ cực.
Ban ngày, bà đi bán vé số. Hôm nào hên, gặp nhiều người thấy thương mà mua ủng hộ thì bà bán được 100 tờ; còn có những hôm trời mưa, bà di chuyển khó khăn thì chỉ bán được vài chục tờ. Thông thường, bà chỉ dám lấy từ đại lý vé số khoảng 30 tờ, bán hết rồi đi bộ về lại lấy tiếp. Cũng vì bà chỉ có số vốn đủ từng ấy để gối đầu đại lý và bà cũng sợ cầm vé nhiều rồi lỡ xui bị cướp thì không biết tính làm sao.
Mỗi ngày, bà cố gắng dành một ít để đến tháng trả tiền trọ. Nếu hôm nào dư thêm được vài ba nghìn đồng, bà sẽ để dành phòng ốm đau, số còn lại sẽ là phần lo cơm nước cho bà với Đức. Chi phí sinh hoạt của hai bà cháu chỉ vọn vẹn trong khoảng 20.000 đồng đến 30.000 đồng. Hôm nào bà bán đắt, Đức sẽ có thêm được miếng cá miếng thịt; còn hôm nào bán ít thì em vẫn vui vẻ ăn cháo trắng với quả trứng gà hoặc ít ruốc.
Nhờ trời thương, nên Đức khá ngoan và hiếu động, trông em rất lanh lợi và biết thương bà nên không đòi hỏi nhiều. Hữu Đức đã hơn 7 tuổi và đang học tại lớp tình thương buổi tối ở phường. Gương mặt lanh lợi, đôi mắt sáng biết cười, nhưng Đức luôn ấp ủ giấc mơ được một lần gặp lại mẹ. Càng lớn, em càng biết tự giác hơn, không mè nheo đòi hỏi bà. Em vẫn hiểu mẹ vì kiếm tiền đã phải đi làm xa và gửi em cho bà nuôi. Đáng thương là em không hề biết được mẹ của mình là ai, trông như thế nào.
Trong một lần trò chuyện để hiểu hơn về hoàn cảnh của Đức, tôi đã phải cố gắng kìm nèn cảm xúc của mình khi em nói về mẹ, về ước mong được một lần gặp mẹ. Em bảo: “Ở xóm có nhiều bạn cũng giống con, nhà nghèo nhưng mà mấy bạn đều có mẹ. Còn con thì không biết mẹ đang ở đâu”.
Hy vọng chương trình lắng nghe được hoàn cảnh của bà với Đức, tiếp cho 2 bà cháu thêm sức mạnh đối diện với cuộc đời, để Đức vẫn được đến lớp học cùng các bạn.
Nguyễn Diễm
Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây .
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn