Ở thôn An Thái, xã Mê Linh (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) ai cũng biết câu chuyện về cậu bé Phạm Văn Nguyên từ nhỏ phải sống với bệnh tim nhưng luôn ngoan ngoãn và chăm chỉ học tập.
Nguyên bị bệnh tim bẩm sinh nhưng phải đến 5 tuổi mới được phẫu thuật. Gia đình em vốn khó khăn, sau bao năm dành dụm tiền phẫu thuật cho con ngày càng trở nên kiệt quệ. Quê nghèo, công việc không ổn định, bố mẹ cậu bé đành phải để lại con cho bà nội già yếu để vào Tây Nguyên làm rẫy thuê, rồi tiền công ít ỏi lại gom góp gửi về mua thuốc cho con.
Bị bệnh từ nhỏ và sớm trải qua phẫu thật nhưng em không thôi mong ước được đến trường. Bà nội Nguyên kể, phẫu thuật chưa được bao lâu cũng là lúc bước vào năm học mới. Ngày đó, ai cũng lo khi thấy Nguyên xanh xao, có lẽ không đủ sức đi học nhưng em nhất quyết đòi cha mẹ được đến trường.
Nguyên tâm sự, hồi mới đi học em cũng mệt lắm. Khi ấy chưa có xe đạp, ngày nào cũng phải đi bộ mấy cây số đến trường, thỉnh thoảng bố mẹ rảnh mới chở đi được một bữa. Mà bệnh tim của em thường hay có những cơn đau, choáng ngất bất chợt, ảnh hưởng lớn đến việc học. Thế rồi, đi mãi cũng thành quen, Nguyên cố gắng luyện tập và dần học cách khắc phục những tình huống rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Nghị lực kiên cường đã giúp Nguyên vượt qua bệnh tật. |
Từ ngày bố mẹ đi làm ăn xa, cuộc sống của hai bà cháu Nguyên càng khó xoay sở. Gia đình bà thuộc dạng nghèo nhất xã, nhà cửa xập xệ, chỉ có những vỏ hộp thuốc xếp la liệt. Chỉ có một ít đất ruộng, hai bà cháu xoay sở cơm rau qua ngày. Tủi cực hơn là phải sống thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha mẹ, mà bệnh tim của em lại hay tái phát. Nhiều khi bà phải dẫn em đi khám tim định kỳ ngoài Hà Nội, đôi lúc mệt, bà nhờ hàng xóm đưa cháu đi.
Thương cha mẹ làm ăn xa, bà nội già yếu, Nguyên dù bệnh tật nhưng rất ngoan ngoãn và thường xuyên giúp đỡ bà những việc lặt vặt trong nhà. Em cũng lễ phép, thường hay quan tâm, an ủi, hỏi thăm bà… Chính nhờ sự hiếu thảo của cháu mà bà nội cũng bớt đi nỗi lo tuổi già.
Ở lớp, em luôn chăm chỉ học bài và rất thông minh. Dù thường xuyên phải nghỉ học để đi khám và điều trị bệnh nhưng cứ về đến nhà là em lại tranh thủ học bù bài đã bỏ dở. Chính vì thế, thành tích của em lúc nào cũng đứng đầu lớp. Năm nào Nguyên cũng được nhà trường khen là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến và có nghị lực vượt khó trong học tập.
Tạm biệt hai bà cháu Nguyên, tôi cứ nhớ mãi nụ cười luôn tươi tắn trên gương mặt xanh xám của em. Cậu bé đúng là một chiến binh kiên cường không đầu hàng bệnh tật, một trái tim tật nguyền luôn dạt dào yêu thương. Mong rằng em sẽ sớm hết bệnh và vững bước trên con đường học hành.
Đặng Thị VânNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn