Các loại gỗ nên làm bàn thờ
Bàn thờ được coi là nơi kết nối tâm linh giữa thế giới vô hình với người trần , giữa tổ tiên với con cháu và luôn được đặt nơi trang nghiêm nhất trong nhà. Vì thế, chất liệu làm bàn thờ từ xưa đã được lựa chọn hết sức cẩn thận, như phải chọn đúng loại gỗ đáp ứng nhu cầu là gỗ quý, thơm, bền chắc, dùng lâu dài. Trong đó, đứng đầu bảng là chất liệu gỗ Mít, đắt hơn thì chọn gỗ hương - hai loại gỗ này đảm bảo độ bền hàng trăm năm.
Ảnh minh họa.
Các cụ xưa cho rằng, cây Mít luôn khác biệt và có ích hơn các cây khác: Quả Mít mọc ra từ thân – tượng trưng cho sự sinh sôi này nở, sung túc. Bàn thờ bằng gỗ mít thể hiện sự sum vầy, giàu sang, phát triển.
Cây Mít dễ trồng, sinh trưởng được cả ở nơi đất sỏi đá, cằn cỗi - mang ý nghĩa sự kiên cường vươn lên trong cả hoàn cảnh khó khăn.
Gỗ Mít vùng miền nào cũng có với ưu điểm vượt trội các loại gỗ khác là nhẹ, dễ tìm, dễ sản xuất, dễ chạm khắc, dễ treo, bền đẹp. Đặc biệt, tính chất gỗ Mít ổn định, mặt gỗ mịn, có hương thơm như mùi hương trầm… không mối mọt, ít cong vênh. Màu gỗ Mít để lâu lên nước gỗ màu sẫm đỏ rất cổ và linh thiêng.
Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) từng chia sẻ rằng, gỗ Mít có màu của nhà Phật, nên được các nhà tâm linh, phong thủy dùng tạc tượng, hoặc làm những đồ vật linh thiêng, trang nghiêm như bàn thờ.
Bên cạnh gỗ Mít còn làm bàn thờ bằng gỗ Vàng tâm - loại gỗ cũng có hương thơm gần mùi trầm hương, bền dẻo, có vân mây. Giá bàn thờ gỗ Vàng tâm bao giờ cũng cao hơn bàn thờ gỗ Mít.
Bàn thờ treo. Ảnh minh họa.
Chọn gỗ làm bàn thờ không mọt, và cần thơm
Anh Nguyễn Trí Hiệp, chủ cơ sở sản Đồ thờ – Tượng phật Hiệp Thủy (Ngã tư Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, từ xưa tới nay làng nghề sản xuất bàn thờ và đồ thờ cúng có 4 loại gỗ chính là gỗ Mít, Dổi, Vàng tâm, Gụ - là các loại gỗ quý, thơm, có màu vàng sáng, dễ đục đẽo, chạm khắc, hiếm bị cong vênh, độ bền trên dưới 200 năm.
Gỗ Vàng tâm mùi thơm nhẹ, hương phần nào đó gần mùi trầm làm bàn thờ. Bàn thờ gỗ Dổi thì nhẹ nên dễ vận chuyển, dễ treo và giá cả thì tùy chất liệu gỗ và độ tinh xảo của sản phẩm. Gần đây nhiều người còn dùng thêm gỗ nhập khẩu như gỗ Gõ đỏ, gỗ Dâu (Nam Phi, không phải gỗ dâu ta) làm bàn thờ đẹp, dễ chạm trổ, nhưng độ bền không bằng gỗ Mít, Dổi, Vàng tâm, Gụ.
Từ xưa các cụ chỉ dùng gỗ sạch, có tính chắc chắn, vĩnh viễn đóng bàn thờ. Ngày nay dân trong nghề vẫn coi gỗ gụ mít, gỗ gụ hương chắc chắn hơn, và giá gỗ hương có đắt hơn.
Nhưng nhiều thợ làng nghề chia sẻ rằng, trên thị trường bàn thờ hàng chợ vì chạy theo lợi nhuận, và dân thì ham mua đồ rẻ nên đã có những người thợ trà trộn cả gỗ tạp, gỗ ghép để đóng bàn thờ bán cho dân với giá rẻ. Vì giá rẻ nên bàn thờ đó không thể bền, đẹp như mong muốn.
Có cơ sở sản xuất còn dùng chất liệu gỗ, chất liệu màu sắc sơn son đơn giản, tiết kiệm, thậm chí họ dùng gỗ dổi, gỗ xoan… nhưng lại tận dụng 2 tấm gỗ rời ghép lại thành bàn thờ - dù biết đó là kiêng kị. Sơn còn dùng bằng sơn kém chất lượng để sơn bàn thờ.
Trong khi đó, bàn thờ nếu ghép 2 mảnh gỗ làm một sẽ nhanh dẫn đến cong vênh, rạn nứt, nhanh hỏng – nhưng quan trọng là trong phong thủy bàn thờ như thế sẽ làm ảnh hưởng đến tài vận của gia chủ.
Việc phân biệt gỗ đóng bàn thờ rất khó, bởi sau khi làm ra thành phẩm, được sơn, trét cẩn thận thì ngay cả người thợ cũng khó phân biệt nổi. Vì thế, tốt nhất đặt cơ sở chuyên sản xuất bàn thờ - đồ thờ cúng theo đúng chủng loại gỗ, kích thước và chạm khắc tinh xảo. Nên chọn và kiểm tra gỗ từ mộc, rồi đặt hàng để tránh mua phải gỗ bị mọt, rác, sâu, giập. Sơn bàn thờ cũng đặt hàng là loại sơn tốt.
Một bàn thờ đúng chuẩn cần tuân thủ những quy định về thờ cúng để không gian thờ cúng trang nghiêm, tôn kính và có thẩm mỹ, đẹp cả văn hóa, mỹ thuật và có chiều sâu tâm linh cũng là niềm tự hào của con cháu với tổ tiên.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn