Chia sẻ với PV Dân Trí xung quanh các ý kiến được các chuyên gia đưa ra tại hội nghị bàn về cải cách năng suất, hiệu quả của nền kinh tế đất nước ở Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) mới đây, chuyên gia Phạm Chi Lan một lần nữa nhấn mạnh đến đổi mới mô hình tăng trưởng trong đó chú trọng vào việc đổi mới kỷ luật thị trường trong khu vực DN công. Tiếp sau đó là kỷ luật về chi ngân sách, ứng phó cấp bách với số nợ công đang gia tăng và đến hạn phải trả ngày một nhiều hơn.
Hàng chục thập kỷ vẫn dùng bài thu - chi ngân sách cũ
"Nếu mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào kinh tế Nhà nước thì không thể đổi mới được. Đổi mới không chỉ là rời bỏ vốn, tài nguyên mà còn rời bỏ tư duy dựa vào kinh tế Nhà nước. Việt Nam dần bỏ nhiều loại thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế. Nếu cứ thu và chi như hiện nay, áp lực thu ngân sách dồn rất lớn lên vai DN, người dân trong nước. Không thể áp dụng bài toán thu - chi ngân sách hàng chục thập kỷ với 70% chi thường xuyên và 30 chi cho phát triển, trả nợ trong bối cảnh quốc tế đang thay đổi từng ngày. Minh chứng dễ thấy nhất là thu phí các con đường BOT như hiện nay khiến nền kinh tế bị lập các hàng rào phí không lớn lên được", bà Lan khẳng định.
Trên thực tế, ý kiến của chuyên gia Phạm Chi Lan không gì khó hiểu bởi nếu xét về bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) 8 tháng qua, cả nước tiếp tục vượt bội chi ngân sách (NSNN) trên 112 tỷ đồng. Trong khi đó, các năm 2015 và 2014, bội chi NSNN luôn vượt mức được giao, như năm 2015, bội chi NSNN theo báo cáo Bộ KH&ĐT tại UBTV Quốc hội đầu tháng 3 cũng đạt 256.000 tỷ đồng, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 bằng 6,1%/GDP. Theo báo cáo kiểm toán, quyết toán năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, năm 2014 bội chi ngân sách cả nước đã vượt quy định Quốc hội phê duyệt hơn 25.300 tỷ đồng.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, DNNN không chịu kỷ luật thị trường, mà ngay cả chi tiêu công, đầu tư công cũng vậy, không thực hiện cả quy định của nhà nước, vấn đề là không được giám sát và cần quy trách nhiệm. Nhiều năm qua, chi thường xuyên vẫn chiếm lớn với tỷ lệ 70%, trong đó chi cho đầu tư phát triển - trả nợ nước ngoài chỉ chiếm 30%. Số nợ này ngày càng tăng, trong khi các nguồn lực phát triển của Việt Nam như vốn, tài nguyên, lao động giá rẻ đã không còn lợi thế cạnh tranh.
Về khu vực DNNN là thế, khu vực DN tư nhân thì sao, GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện CIEM cho hay: "Lãi suất tại Việt Nam vẫn thuộc loại cao nhất nhì thế giới từ 7-10%, thì thử hỏi DN làm sao sống được. Xét về vấn đề cụ thể như tỷ giá của Việt Nam, gần như trong các năm qua cố định trong khi các đồng tiền quốc tế vừa rồi đều hạ giá. Ngân hàng Nhà nước mới đưa ra tỷ giá trung tâm song đây là mô hình chưa giải quyết được yếu tố thị trường của tỷ giá. Một nền kinh tế mở cửa mà giữ đồng tiền giá cao thì chúng ta chỉ có thể đi làm gia công, gia công từ nông nghiệp trở đi, trong khi đó hầu như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của Chính phủ, Bộ xuống địa phương đều không hiệu quả hoặc sai lệch".
Ông lớn Nhà nước coi thường “thượng tôn pháp luật”
Chia sẻ với PV Dân Trí, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích, nợ công ở dưới góc nhìn của vị chuyên gia này, phải nói là rất lo ngại bởi nợ Chính phủ tại các DNNN rất đáng sợ, trong khi đó, nợ tại các địa phương cũng không đơn giản.
"Nợ của các DNNN do Chính phủ bảo lãnh đang nguy hiểm nhất vì hiệu quả đầu tư vốn của bộ phận DN này thấp, dĩ nhiên một phần là do các hạng mục đầu tư có liên quan đến phát triển bền vững, an ninh xã hội. Tuy nhiên, không ít dự án chúng ta kém hiệu quả, sai chi và không có hệ đo đếm bằng sổ sách kế toán theo tiêu chuẩn quốc tế. Dẫu vốn vay ít, lãi vay mỏng, thời gian vay dài nhưng đây cũng là phần vốn bắt buộc phải trả. Nếu chi thường xuyên cao và chi trả nợ thấp thì hiệu ứng dồn toa nợ quốc gia sẽ đẩy Việt Nam đến nhiều hệ lụy đối với khu vực công, DNNN", Chuyên gia Doanh nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực "tuyên chiến" với lợi ích nhóm trong chính sách và hoạt động của DNNN, cụ thể là các thông tư của các Bộ, ban ngành trái luật đã được bỏ. Người đứng đầu của Chính phủ sẵn sàng đối thoại với DN, sẵn sàng kiến nghị Quốc hội sửa luật ngay khi phát hiện những bất cập, khó khăn.... Tuy nhiên, về hoạt động chấn chỉnh, "quản" thúc các DNNN vẫn chưa được các Bộ, người đứng đầu các DN tuân thủ.
Chuyên gia Phạm Chi Lan nêu ví dụ: "Ngay cả việc buộc các DNNN cổ phần, tái cơ cấu nhưng đến nay nhiều DNNN, Bộ ngành vẫn chưa tuân lệnh của Chính phủ. Nhiệm vụ cổ phần hóa tại các ông lớn Nhà nước, trong đó nhiều nhất là Bộ Công Thương vẫn rất chậm. Các chủ tịch tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vẫn lo giữ ghế, mất quyền lợi trong quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại DN".
"Mới đây, tôi có nghe 100% các DNNN không công bố thông tin về tình hình sản xuất, tình hình tài chính, kế hoạch kinh doanh, trả nợ hay tái cơ cấu, sắp xếp mô hình kinh doanh theo Nghị định của Chính phủ. Tôi được biết, đây là những thông tin hữu ích để Chính phủ biết, nắm vững về hoạt động của các DN, tuy nhiên, việc "thờ ơ" trước chỉ đạo, cho thấy việc "thượng tôn pháp luật" không được coi trọng và việc làm ngơ trước chính sách của Chính phủ cần được làm từ một việc nhỏ này để có thể làm những việc lớn hơn", bà Lan nói.
Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn