Bảo vệ môi trường chiếm 1% tổng chi ngân sách Nhà nước

Chủ nhật - 04/09/2016 21:29

Bảo vệ môi trường chiếm 1% tổng chi ngân sách Nhà nước

Mặc dù nguồn chi ngân sách cho bảo vệ môi trường đều tăng theo từng năm và đạt 11.400 tỷ đồng trong năm 2015, tăng 14,2% so với năm trước đó, song con số này chỉ chiếm 1% trong tổng chi ngân sách Nhà nước.
Sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường được đề nghị khẩn trương rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực môi trường

Dự chi 12.290 tỷ đồng bảo vệ môi trường trong năm 2016

Các số liệu thống kê cho thấy, trong năm 2015, chi ngân sách Nhà nước (NSNN) cho sự nghiệp bảo vệ môi trường (BVMT) ở mức 11.400 tỷ đồng, chiếm 1% trong tổng chi NSNN. Trong đó, 9.700 tỷ đồng là từ nguồn ngân sách địa phương và 1.700 tỷ đồng là từ nguồn ngân sách trung ương.

Nhìn chung, NSNN đã cân đối chi sự nghiệp BVMT cơ bản đảm bảo theo đúng quy định (không dưới 1% tổng chi NSNN), ưu tiên bố trí năm sau cao hơn năm trước ở cả trung ương và địa phương.

Cụ thể, năm 2011, chi NSNN cho sự nghiệp môi trường so với 2010 tăng 16,4%; năm 2012 tăng 24,8%; năm 2013 tăng 8%; năm 2014 tăng 2,1 và năm 2015 tăng tới 14,2% so với năm trước đó.

Dự kiến, giai đoạn 2016-2020, NSNN vẫn tiếp tục đảm bảo bố trí 1% tổng chi NSNN cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ chi NSNN. Riêng năm 2016, NSNN bố trí chi sự nghiệp môi trường 12.290 tỷ đồng, đạt 1% tổng chi NSNN, trong đó ngân sách trung ương 1.700 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 10.590 tỷ đồng.

Hiện tại, ngoài nguồn lực vốn trong nước cho BVMT, Nhà nước đã huy động vay vốn, viện trợ của nước ngoài cho lĩnh vực BVMT.

Cụ thể, tổng số vốn vay nước ngoài cam kết cho lĩnh vực BVMT như xử lý rác thải, xử lý chất thải rắn, xử lý nước, biến đổi khí hậu, thoát nước, vệ sinh môi trường nông thôn… từ năm 1993 đến nay khoảng 4,2 tỷ USD. Vốn viện trợ giai đoạn 2015-2016 cam kết cho lĩnh vực BVMT đạt khoảng 152 triệu USD.

Trong năm 2016, dự kiến giải ngân khoản vay ODA với Chính phủ Nhật Bản cho Chương trình biến đổi khí hậu trị giá 10 tỷ yên (tương đương khoảng 2.000 tỷ đồng).

Luật thuế BVMT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012 là một sắc thuế mới trong hệ thống thuế Việt Nam.

Kể từ thời điểm có hiệu lực đến nay, số thu từ thuế BVMT liên tục tăng ổn định qua các năm. Cụ thể, năm 2012 là 11.290 tỷ đồng, năm 2013 là 11.512 tỷ đồng, năm 2014 đạt 11.970 tỷ đồng và năm 2015 là 27.020 tỷ đồng. Tổng cộng, số thu từ năm 2012 đến năm 2015 là 61.792 tỷ đồng.

Tính giá thị trường với điện, than, gas, xăng dầu… để bảo vệ môi trường

Thuế BVMT là một loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Thuế này nhằm khuyến khích sử dụng sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, từ đó góp phần BVMT.

Theo các nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương hàng năm thì các khoản thu thuế BVMT là khoản thu phân chia giữa ngân sách địa phương và ngân sách trung ương.

Về các khoản phí, phí BVMT đối với nước thải được nộp toàn bộ vào ngân sách địa phương. Số thu phí năm 2013 là 632 tỷ đồng và sang năm 2014 là 934 tỷ đồng.

Phí BVMT đối với khai thác khoáng sản, nếu không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than thì ngân sách địa phương hưởng 100%; còn đối với dầu thô và khí thiên nhiên, khí than thì ngân sách trung ương hưởng 100%. Khoản này cũng tăng lên theo từng năm, từ 2.137 tỷ đồng năm 2012 lên dự kiến 2.603 tỷ đồng năm 2016.

Được biết, một trong những kiến nghị đang được trình lên Chính phủ đó là giao trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, sửa đổi hoặc ban hành mới các định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực môi trường làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Xác định rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về môi trường từ cấp phép đến kiểm tra, thanh tra… đảm bảo hạn chế tối đa xảy ra các sự cố môi trường lớn gây bức xúc trong nhân dân và xã hội.

Việc thực hiện cơ chế giá một số mặt hàng là yếu tố đầu vào của nền kinh tế theo cơ chế thị trường như điện, than, gas, xăng dầu… cũng được coi là một biện pháp khuyến khích phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, hạn chế sử dụng các công nghệ lạc hậu ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, điều này cũng tăng thu cho NSNN để tăng chi BVMT.

Một số phương án khác cũng được đề xuất, trong đó có việc ban hành và thực hiện nghiêm các quy định yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan phải có trách nhiệm xử lý ô nhiễm môi trường. Ví như như yêu cầu doanh nghiệp thủy điện phải trả phí dịch vụ môi trường cho người trồng rừng.

Bích Diệp

Nguồn tin: dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây