Trong khi, theo “kịch bản” mà tập đoàn này công bố trước đó, thì cuối năm ngoái - 2015, cả hai tổ máy của dự án này đều phải hoàn thành để phát điện hòa lưới Quốc gia.
“Họ đã nói lời xin lỗi”
Ngay từ những ngày đầu khởi động và cho đến tận bây giờ, Quảng Bình vẫn xác định đây là một dự án động lực, đồng thời kỳ vọng nhờ đó mà thúc đẩy kinh tế và tăng thu ngân sách cho địa phương.
Tuy nhiên, sau 5 năm khởi công, những con số đầy hấp dẫn mà chủ đầu tư từng loan báo như: tổng mức đầu tư 1,7 tỷ USD, cung cấp cho lưới điện quốc gia 8,5 tỷ kWh điện/năm, đóng cho ngân sách địa phương cả ngàn tỷ đồng mỗi năm… đến nay vẫn chỉ là số trên giấy, bởi cả 2 tổ máy (công suất 1.200 MW) của dự án vẫn chưa được thi công.
“Chúng tôi trông đợi ở dự án này rất nhiều vì tin nó sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế của một tỉnh khó khăn như Quảng Bình, nhưng sau 5 năm, vẫn chưa triển khai được gì. Rất sốt ruột! Còn họ (chủ đầu tư - PV) mới đây đã vào nói lời xin lỗi tỉnh vì sự chậm trễ này, với lý do thời gian qua, tập đoàn có một số khó khăn”, ông Hoàng Đăng Quang - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình nói với PLVN.
Trao đổi thêm với phóng viên, ông Phan Văn Thường - Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình cho biết, Trung tâm Điện lực Quảng Trạch bao gồm Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 do PVN làm chủ đầu tư và Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 do Tập đoàn Inter RAO (Nga) làm công tác nghiên cứu phát triển dự án (giai đoạn tiền khả thi).
“Sau khi PVN tổ chức khởi công dự án vào tháng 7/2011, các địa phương và cơ quan liên quan của tỉnh đã rất nỗ lực thực hiện. Đến nay, đã giải quyết xong mặt bằng. Về phía chủ đầu tư, thì mới chỉ hoàn thành được khu nhà văn phòng của ban quản lý dự án và hạng mục kênh điều hòa, ngoài ra chưa có gì thêm.”, ông Thường thông tin.
EVN sẽ “giải cứu”?
Trước sự chậm trễ khó chấp nhận này, tỉnh Quảng Bình đã kiến nghị chuyển chủ đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 từ PVN sang EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
“Các Bộ Công thương, Tài chính, Kế hoạch&Đầu tư đều ủng hộ đề xuất này của tỉnh Quảng Bình. Hiện, chúng tôi đang chờ báo cáo và trình, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.”, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang nói.
Xung quanh vấn đề này,trao đổi với PLVN, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành mới đây đã xác nhận: “Tỉnh Quảng Bình mong muốn và có văn bản đề nghị EVN tiếp tục triển khai Dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1.
Đây là một dự án nguồn điện cấp bách thuộc quy hoạch điện lực Quốc gia - không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương mà còn có khả năng cung cấp điện cho khu vực phía Nam trong thời gian tới.
Vì thế, EVN sẽ xem xét một cách nghiêm túc để có thể triển khai dự án. Nếu thực hiện, EVN sẽ tính toán đầu tư thêm một đường dây 500kV để truyền tải điện từ Vũng Áng và Quảng Trạch vào miền Nam”.
Về thủ tục để “giải cứu” dự án, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Bình cho biết, vấn đề không có gì khó khăn do cả hai đều là những tập đoàn kinh tế của Nhà nước; theo đó, nếu chủ trương trên được chấp thuận, EVN sẽ có trách nhiệm thanh toán toàn bộ những chi phí mà PVN đã bỏ ra, trên cơ sở đúng chế độ chính sách của Nhà nước.
“Trước đây, tại Dự án Nhiệt điện Thái Bình, EVN đã từng xử lý vấn đề tương tự khi phải hoàn trả nghĩa vụ tài chính cho PVN sau khi chúng tôi sử dụng hạ tầng dùng chung mà trước đó PVN đã đầu tư.
Vì thế, nếu Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 được chuyển giao thì hai bên sẽ phải ngồi lại, sau đó EVN sẽ căn cứ vào các hóa đơn, chứng từ cụ thể để thanh toán cho PVN trước khi khởi động đầu tư.”, ông Dương Quang Thành nói thêm.
Thực tế, việc Quảng Bình chọn EVN để tiếp tục triển khai dự án là hoàn toàn hợp lý bởi trước đó tập đoàn này đã có nhiều có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai các Dự án Nhiệt điện quy mô lớn như Vĩnh Tân, Duyên Hải…, và quan trọng hơn tại thời điểm này, EVN có thể thu xếp được tài chính (bao gồm vốn tự có (30% dự án) và vốn vay thương mại) để phục vụ dự án.
“Nếu Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cuối năm nay, chúng tôi sẽ khởi động dự án về mặt thủ tục, cũng như phê duyệt lại chủ trương đầu tư. Dự kiến, đến năm 2021, nhà máy này sẽ phát điện”. Chủ tịch EVN khẳng định./.
Bài toán môi trường giải ra sao?
Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 sẽ áp dụng công nghệ “siêu tới hạn”, suất tiêu hao nhiên liệu thấp, sử dụng chủ yếu bằng nguồn than nhập khẩu chất lượng tốt nên lượng tro xỉ thải ra không lớn. Điều này phù hợp với yêu cầu của các tổ chức tín dụng khi thu xếp vốn.
“Vấn đề quan tâm nhất đối với một dự án nhiệt điện là việc xử lý tro xỉ mà nhà máy thải ra.Theo tính toán, với công suất thiết kế, thì mỗi năm nhà máy này sẽ thải khoảng 600.000 tấn xỉ nhưng chất thải này lại là phụ gia của công nghiệp xi măng.
Quảng Bình lại đang có nhiều nhà máy xi măng lớn như Sông Gianh, Văn Hóa, Áng Sơn… có khả năng tiêu thụ hết số chất thải nói trên, vì thế sẽ không ảnh hưởng đến môi trường”, ông Phan Văn Thường - Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình cho biết.
Theo Võ Tuấn
Pháp luật
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn