Công ty bảo mật có trụ sở tại Nga tuyên bố động thái này sau khi Hà Lan tiếp bước Mỹ cấm sử dụng phần mềm Kaspersky trong các cơ quan chính phủ.
Phần mềm diệt virus Kaspersky chính thức bị cấm trên toàn nước Mỹ
Theo chân Mỹ, chính phủ Hà Lan cấm sử dụng phần mềm diệt virus của Kaspersky
Eugene Kaspersky, nhà sáng lập và là giám đốc điều hành của Kaspersky
Theo báo Anh The Telegraph, Kaspersky Lab sẽ chuyển dữ liệu của người dùng từ Nga sang Thụy Sĩ, sau những cáo buộc rằng phần mềm diệt virus của công ty đã trở thành công cụ để Kremlin đánh cắp thông tin từ chính phủ Mỹ.
Việc chuyển dịch, dự kiến sẽ được thực hiện vào cuối năm 2019 và tiêu tốn khoảng 12 triệu USD, sẽ đưa toàn bộ các mảng kinh doanh chính của Kaspersky sang thành phố Zurich của Thụy Sĩ, do đó công ty sẽ không còn chịu sự chi phối của hệ thống pháp luật cũng như các cơ quan tình báo của chính phủ Nga nữa. Ngoài ra, điều này cũng sẽ khiến các công cụ lập trình của công ty, thứ có thể được dùng để truy cập vào máy tính của khách hàng, có thể được kiểm tra một cách độc lập nếu cần thiết.
Hồi cuối năm 2017, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã ban hành lệnh cấm sử dụng mọi phần mềm của Kaspersky trong các cơ quan liên bang trực thuộc chính phủ, với cáo buộc những phần mềm này có thể là mối đe dọa tới an ninh quốc gia. Vào ngày 14/5 vừa qua, chính phủ Hà Lan cũng ban hành lệnh cấm tương tự, đồng thời khuyến nghị các công ty trong nước làm theo để đảm bảo an toàn.
Cho đến nay, công ty bảo mật cung cấp sản phẩm và dịch vụ với hơn 400 triệu người dùng trên toàn thế giới đã phủ nhận mọi cáo buộc mình có liên quan đến các cơ quan tình báo Nga. Tuy nhiên, những cáo buộc này vẫn có những ảnh hưởng nhất định tới danh tiếng của công ty, nhất là tại Mỹ, khi một lượng lớn nhân viên đã quyết định rời khỏi công ty.
Nói cách khác, dù Kaspersky có thực sự vô tội hay không, công ty vẫn quyết định sẽ chuyển dữ liệu sang Thụy Sĩ để trấn an khách hàng và chứng minh "thành ý" của mình với các quốc gia khác. Hồi tháng 10 năm ngoái, công ty cũng đã triển khai Global Transparency Initiative (tạm dịch: Sáng kiến minh bạch toàn cầu) để đảm bảo "sự toàn vẹn và đáng tin cậy của các sản phẩm mà công ty cung cấp".
Ông Eugene Kaspersky, nhà sáng lập và là giám đốc điều hành của Kaspersky cho biết: "Trong một ngành công nghiệp đang liên tục thay đổi một cách chóng mặt, chúng tôi phải tìm cách thích nghi với những nhu cầu của khách hàng, cổ đông và đối tác của mình".
Văn Hoàn
Nguồn tin: vnreview.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn