Mỹ có thể cấm vận Kaspersky vì đánh cắp dữ liệu người dùng

Thứ tư - 16/05/2018 13:36
Nếu lệnh cấm vận được thông qua, Kaspersky không những bị cấm hoạt động tại Mỹ mà có thể là cả ở các nước đồng minh của Mỹ.

Nếu lệnh cấm vận được thông qua, Kaspersky không những bị cấm hoạt động tại Mỹ mà có thể là cả ở các nước đồng minh của Mỹ.

Theo chân Mỹ, Hà Lan cấm sử dụng Kaspersky do lo ngại bị đánh cắp dữ liệu người dùng

Tổng thống Donald Trump cấm sử dụng Kaspersky trên toàn nước Mỹ

Trụ sở của Kaspersky Lab tại Moscow, Nga

Theo thông tin từ trang CyberScoop dẫn lời các quan chức tình báo Mỹ, chính phủ quốc gia này hiện đang cân nhắc áp đặt lệnh cấm vận lên công ty bảo mật có trụ sở tại Nga Kaspersky Lab. Đây có thể là hành động leo thang mới nhất của chính phủ Mỹ đối với Kaspersky.

Hồi tháng 9/2017, Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã yêu cầu các cơ quan chính phủ xóa bỏ các phần mềm bảo mật của Kaspersky trong vòng 90 ngày để tránh gây hại tới an ninh quốc gia. Không lâu sau đó, vào ngày 13/12, Tổng thống Donald Trump tiếp tục ký sắc lệnh cấm mọi cơ quan chính phủ sử dụng bất kỳ phần mềm nào của Kaspersky.

Từ nhiều năm nay, Kaspersky đã bị các cơ quan Mỹ liệt vào danh sách "đen" vì nghi ngờ phần mềm này tiếp tay cho chính phủ Nga lấy cắp dữ liệu cá nhân người dùng, đặc biệt là người dùng khu vực chính phủ, từ đó chiếm được các thông tin nhạy cảm. Cao trào là vào tháng 12/2017, một cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã làm lộ tài liệu mật do sử dụng phần mềm Kaspersky.

Ông này là công dân Mỹ gốc Việt Nghia Hoang Pho, 67 tuổi, từng làm việc trong đội hacker tinh nhuệ của NSA, đã giữ các thông tin quốc phòng tối mật của chính phủ Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến tháng 3/2015 tại nhà riêng. Mỹ cáo buộc các hacker Nga đã lợi dụng phần mềm diệt virus của Kaspersky nhằm đánh cắp thông tin mật qua máy tính của ông Pho.

Cho rằng mình bị đối xử bất công, Kaspersky đã "kiện ngược" lại chính phủ Mỹ. Người trong ảnh: ông Eugene Kaspersky, nhà sáng lập và là giám đốc điều hành của Kaspersky Lab

Theo CyberScoop, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), Bộ Ngân khố (USDT) và Bộ An ninh Nội địa Mỹ đều từ chối bình luận về thông tin cấm vận Kaspersky.

Việc các lệnh cấm vận lên Kaspersky đang được chính phủ Mỹ cân nhắc cho thấy tương lai đang đón chờ công ty ở phía trước là rất tối tăm. Kaspersky sẽ không được phép hoạt động tại Mỹ và rất có thể là cả ở các nước đồng minh của Mỹ.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) từ lâu đã khuyến cáo các tập đoàn tư nhân nên cắt đứt mối quan hệ với Kaspersky, và điều này đã khiến không ít công ty Mỹ quyết định hủy bỏ hợp đồng kinh doanh của mình trong năm ngoái.

Các nhà bán lẻ như BestBuy loại bỏ sản phẩm của Kaspersky khỏi hệ thống. Hồi tháng 4 vừa qua, mạng xã hội Twitter cũng loại bỏ mọi quảng cáo của Kaspersky khỏi nền tảng của mình. Trước đó, Facebook cho biết đã loại bỏ Kaspersky Lab khỏi danh sách các nhà cung cấp phần mềm chống virus cho người dùng mạng xã hội này khi máy tính của họ bị phát hiện nhiễm mã độc.

Các quốc gia như Anh, Lithuania và mới đây là Hà Lan đều tuyên bố sẽ cấm các cơ quan chính phủ sử dụng phần mềm của công ty .

Khách quan mà nói, những lo ngại về việc Nga gây sức ép lên các công ty để khai thác thông tin, đặc biệt là tin tình báo của chính phủ các nước không phải là không có cơ sở. Mới đây, ứng dụng nhắn tin mã hóa Telegram đã bị cấm hoạt động tại Nga sau khi từ chối cấp quyền đọc các tin nhắn đã mã hóa cho chính phủ nước này. Vài năm trước, Pavel Durov, CEO của Telegram là người điều hành VKontakte, mạng xã hội tiếng Nga lớn nhất thế giới. Từng là một biểu tượng công nghệ của nước Nga, Durov đã bị trục xuất khỏi chính quê hương mình sau khi công khai từ chối làm theo yêu cầu trao dữ liệu và quyền kiểm soát VKontakte của Moscow. Năm 2014, sau một thời gian dài chật vật, Durov đã bán những cổ phần cuối cùng của mình tại VKontakte cho các đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Phát biểu về việc công ty có thể sẽ bị chính phủ Mỹ cấm vận, đại diện của Kaspersky khẳng định: "Những hành động của chính phủ Mỹ chống lại Kaspersky Lab là thiếu cơ sở, được thực hiện mà không có bất kỳ bằng chứng nào chứng minh sai phạm của công ty mà chỉ dựa trên những nguồn tin mang tính chủ quan, phi kỹ thuật, và đó cũng là lý do tại sao công ty đã quyết định thách thức tính minh bạch của những hành động này lên tòa án liên bang. Kaspersky Lab luôn hoan nghênh bất kỳ thông tin nào đáng tin cậy có thể làm sáng tỏ những lo ngại của chính phủ về cách thức hoạt động cũng như sản phẩm của mình, để công ty có thể giải quyết một cách có trách nhiệm và công chúng có thể hiểu rõ hơn sự việc mà không bị hoang mang hay hiểu sai vấn đề".

Vào ngày 15/5 vừa qua, Kaspersky cũng đã tuyên bố sẽ chuyển dữ liệu của người dùng từ Nga sang Thụy Sĩ để trấn an khách hàng và chứng minh "thành ý" của mình với các quốc gia khác.

Văn Hoàn

Nguồn tin: vnreview.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây