Thông tin này được đưa ra chỉ hơn một tuần sau khi Cambridge Analytica tuyên bố phá sản và ngừng hoạt động.
Văn phòng trụ sở của Cambridge Analytica tại London, Anh
Theo trang New York Times, Bộ Tư pháp Mỹ và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang tiến hành điều tra Cambridge Analytica, công ty đứng đằng sau vụ bê bối lạm dụng dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook, bước đầu là dò hỏi các cựu nhân viên từng làm việc tại đây và các ngân hàng có liên quan đến tài chính của công ty.
Cụ thể, các điều tra viên đã liên hệ và đặt câu hỏi cho những "nhân chứng tiềm năng" trong suốt vài tuần qua, nói với họ rằng một cuộc điều tra mở đang được tiến hành với "nạn nhân" là Cambridge Analytica – công ty từng tham gia vào chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các thành viên đảng Cộng hòa khác trong năm 2016 – và "một số người có liên quan khác". Tuy nhiên, có vẻ như cuộc điều tra mới đang chỉ ở giai đoạn đầu và mục tiêu quan trọng nhất vào lúc này là có được cái nhìn tổng quan về công ty cũng như các hoạt động kinh doanh của họ.
Hồi đầu tháng này, Cambridge Analytica đã tuyên bố ngừng mọi hoạt động, đồng thời sẽ sớm đệ đơn xin phá sản sau khi liên tục mất khách hàng và phải đối mặt với những khoản chi phí pháp lý vì đã thu thập dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng Facebook kể từ năm 2014. Tuyên bố của công ty này nêu rõ "trong vài tháng qua, Cambridge Analytica đã trở thành chủ đề của nhiều cáo buộc vô căn cứ," gây ảnh hưởng đáng kể "đến các hoạt động hợp pháp của công ty này trên cả lĩnh vực chính trị lẫn thương mại".
Sau khi bê bối lạm dụng dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook bị đưa ra ánh sáng, không ít cuộc điều tra đã được mở ra bởi các cơ quan thuộc chính phủ Mỹ và một số nước châu Âu nằm trong diện bị ảnh hưởng. Nguồn tin cho biết, cuộc điều tra của FBI và Bộ Tư pháp Mỹ chủ yếu tập trung vào các giao dịch tài chính của Cambridge Analytica và cách mà công ty thu thập, sử dụng những dữ liệu đã thu thập được từ Facebook và các nguồn khác.
Theo báo Reuters, các điều tra viên đã liên hệ với Facebook để yêu cầu hợp tác. Cả FBI, Bộ Tư pháp Mỹ và Facebook đều từ chối bình luận về vụ việc, còn các cựu nhân viên cấp cao của Cambridge Analytica vẫn chưa hồi âm.
Cambridge Analytica được thành lập vào năm 2013, ban đầu tập trung vào các cuộc bầu cử tại Mỹ, với nguồn tài trợ 15 triệu USD đến từ tỷ phú người Mỹ Robert Mercer và một cái tên khác được chọn bởi Cố vấn Nhà Trắng của chính quyền Tổng thống Trump Steve Bannon. Ông Bannon đã rời khỏi nhà trắng vào tháng 8/2017.
Văn Hoàn
Nguồn tin: vnreview.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn