Nhà sản xuất Mai Thu Huyền .
Không sáng tạo, không làm nổi phim
- Sau khi Kiều có những suất chiếu sớm đã thu về nhiều phản hồi, trong đó có tranh cãi cho rằng tác phẩm chưa bám sát nguyên tác. Chị nói gì về điều này?
Ngay từ đầu, quan điểm của chúng tôi là làm theo chiều hướng sáng tạo. Đó là lý do chúng tôi không dùng từ chuyển thể mà là “lấy cảm hứng”. Bởi, chuyển thể là phải trọn vẹn tác phẩm, về hành trình 15 năm lưu lạc của Kiều. Nếu như vậy, thời lượng 90 phút là bất khả thi, các nhân vật và tình tiết phim sẽ bị nhạt nhoà. Do đó, chúng tôi khá đau đầu để chọn ra một lối đi cho bộ phim.
Phim ảnh cần sáng tạo vì nếu không, khán giả chẳng cần xem phim mà ở nhà mở sách ra đọc cũng biết rồi. Thách thức lớn nhất của ê-kíp là khán giả biết quá rõ về Kiều, nắm quá chắc các nhân vật.
Phiên bản điện ảnh với thời lượng 90 phút, bắt buộc phải chắt lọc nên chúng tôi chọn phương án chọn câu chuyện đơn giản nhưng khai thác sâu nội tâm nhân vật. Trong Truyện Kiều, chỉ có một vài câu lục bát miêu tả sự ghen tuông của Hoạn Thư hay câu chuyện của Kiều và Thúc Sinh. Nhưng để lên phim, phải khai thác sâu nội tâm nhân vật.
Nếu trước đây người ta chỉ thấy Hoạn Thư là ghen tuông, ác độc, phản diện thì xem phim này, mọi người sẽ thương Hoạn Thư, thương Kiều hơn. Bởi, trong chuyện tình tay ba, những người trong cuộc đều đau khổ và mất mát.
Ngoài ra, chúng tôi muốn hướng đến chủ đề khát vọng tự do, khát khao quyền được sống, được yêu của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Xem phim, mọi người sẽ thấy không chỉ một mình Kiều mất tự do mà cả Thúc Sinh, Hoạn Thư cũng mất tự do trong chính môi trường của họ.
Một cảnh trong phim Kiều.
- Nhân vật Đạm Tiên bị coi là đi quá xa so với nguyên tác, đeo bám Kiều khiến Kiều có lúc phải đuổi đi. Chị lý giải gì về điều này?
Đạm Tiên chính là sự sáng tạo trong phim vì không thể sáng tạo ở những nhân vật hiện hữu. Trong truyện, Đạm Tiên là hồn ma báo mộng cho Kiều và cũng đi theo cuộc đời Kiều, từ sau khi tảo mộ đến khi Kiều vào lầu xanh và tới cuối cùng. Tuy nhiên, nhân vật này khá mờ nhạt nên chúng tôi quyết định sáng tạo vai này.
Mọi người xem phim thì thấy hồn ma, nhưng trong phim chỉ có Kiều nhìn thấy. Nói cách khác, hồn ma Đạm Tiên chính là Kiều, là đối thoại nội tâm của Kiều.
Trong mỗi con người luôn có thiện và ác. Bản thân Kiều cũng vậy, phải phân thân để đấu tranh cho mình. Khi Kiều đang muốn chấp nhận số phận thì Đạm Tiên xuất hiện khiến Kiều muốn thoát ra để có được tự do, tình yêu. Tôi muốn dùng hình ảnh hồn ma Đạm Tiên để nói lên sự đấu tranh nội tâm của Kiều.
- Hẳn chị đã chuẩn bị trước tâm lý rằng, những khán giả yêu Truyện Kiều sẽ khó chấp nhận một hình thức sáng tạo nào khác?
Nếu không sáng tạo sẽ không thể làm nổi phim. Trong truyện, chỉ vài câu thơ đã mô tả hết sự việc, nhưng lên phim ảnh lại cần một chuỗi hành động. Đánh ghen thì đánh ghen kiểu gì, như thế nào? Ví dụ như vậy.
Về tình huống của các nhân vật, có lẽ chúng tôi không đi sai nguyên tác. Kiều vẫn vào lầu xanh, gặp Tú Bà, gặp Thúc Sinh, rồi bị Hoạn Thư đánh ghen…
1/3 thời gian luyện tập là tập cảnh nóng
- Chị nói không sáng tạo những nhân vật hiện hữu, nhưng trong nguyên tác, Kiều còn nặng lòng với Kim Trọng nhưng trên phim, nhân vật vừa gặp đã tương tư Thúc Sinh. Điều này bị cho là làm thay đổi cốt lõi nhân vật?
Đó là với những người quá hiểu Truyện Kiều. Còn trong phim này, mọi người không thấy có Kim Trọng. Tôi muốn xây dựng một cuộc tình tay ba nên không có Kim Trọng và Từ Hải. Đạo diễn Phi Tiến Sơn đưa ra ý tưởng và tôi đồng ý, là Thúc Sinh trong phim thuộc dạng "3 trong 1". Thúc Sinh có sự nho nhã của Kim Trọng, sự lãng tử của người đàn ông đa tình và có sự oai hùng của Từ Hải.
Đối với một bộ, nếu đưa ra một nhân vật mà bạn không giải quyết nhân vật đó là không được. Một nhân vật bắt buộc phải có điểm mở và điểm kết. Nếu đưa Kim Trọng vào, tôi phải có đoạn kết, nghĩa là chỉ đến khi đoàn viên. Như thế, chắc chắn đó là phim truyền hình dài tập chứ không thể là phim điện ảnh.
Nhân vật Thúc Sinh là sự hội tụ của Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải.
- Hai diễn viên chính đóng vai Kiều và Thúc Sinh là hai gương mặt mới, cũng bị chê bai khá nhiều về diễn xuất?
Đó là quan điểm của mỗi người. Với tôi, nếu được chọn lại tôi vẫn chọn những diễn viên này. Chọn diễn viên mới là chấp nhận mạo hiểm, tuy kinh nghiệm diễn xuất chưa dày dặn hay chín muồi nhưng họ có sự chân thành, mộc mạc mà người diễn lâu năm, có kỹ thuật khó có được.
Cụ Nguyễn Du miêu tả Kiều là nhân vật rất đẹp nên chọn diễn viên, dù không được 100% hoàn hảo như bước từ truyện thì cũng phải đảm bảo cái đẹp. Giai đoạn trong phim là khi Kiều mười mấy tuổi nên gương mặt phải có sự trong sáng. Trình Mỹ Duyên có điều đó.
Nói Duyên diễn dở, tôi nghĩ là oan uổng cho bạn ấy. Duyên đã làm tròn vai, đủ yếu tố đạo diễn yêu cầu. Bạn ấy sống với nhân vật tới nỗi có khi diễn, quay xong 30 phút, bạn ấy vẫn khóc vì chưa thoát vai. Tôi cần yếu tố đó.
Lê Anh Huy cũng vậy, nhiệt tình và khát khao có được vai diễn. Huy đã bỏ công việc y sĩ ở Mỹ - một công việc lương cao để về Việt Nam đóng phim. Huy bỏ hết mọi thứ để tập trung tập luyện thể hình, diễn xuất.
Tôi nghĩ, chúng ta luôn cần cho người trẻ cơ hội. ể có ngày hôm nay, tôi cũng không được đào tạo về diễn xuất. Nếu không được các đạo diễn trao cơ hội cho người trẻ, sẽ không có Mai Thu Huyền ngày hôm nay. Vì thế trong tất cả dự án của mình, tôi luôn luôn muốn có gương mặt mới.
Trình Mỹ Duyên đảm nhận vai Kiều gây tranh cãi về diễn xuất.
- Bộ phim cũng được dán nhãn C18 bởi có quá nhiều cảnh nóng. Lý do gì khiến chị đưa nhiều cảnh nóng lên phim?
Tôi khẳng định các cảnh nóng trong phim không bị lạm dụng và luôn có thông điệp. Nếu Hoạn Thư không chứng kiến cảnh ân ái của Kiều và Thúc Sinh, liệu cô ấy có đánh ghen ghê gớm hay không?
Cá nhân tôi chưa bao giờ thích cảnh nóng. Các bộ phim tôi từng đóng chưa bao giờ tôi đóng cảnh nóng. Bởi, cảnh nóng mà làm không tới sẽ rất phản cảm, là “con dao hai lưỡi”. Do đó với Kiều, tôi phải suy nghĩ và tham vấn ý kiến của nhiều người.
Tất nhiên xem phim, mỗi người một ý. Tuy nhiên, điều mọi người cảm nhận được là sự chân thật của các diễn viên. Họ diễn rất thật và không e ngại. Bản thân họ đã phải luyện tập rất nhiều, 3 tháng luyện tập thì 1/3 thời gian là tập cảnh nóng. Tôi muốn đạt đến độ chân thật nhất và diễn viên đều diễn 1 đúp ăn ngay.
Cảm ơn chị!
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/kieu-gay-tranh-cai-den-kho-chap-nhan-mai-thu-huyen-buoc-pha...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn