(Clip: Nàng dâu Bình Định hướng dẫn cách nấu canh xương rồng với tôm)
Là một loại cây gai góc, vốn chỉ sống được ở những vùng đất nắng nóng khô cằn, không cần tưới tắm chăm sóc nhiều nên xương rồng từ xưa đến nay trong mắt nhiều người chỉ nhằm mục đích… làm hàng rào chống trộm, mọc dại hoặc cùng lắm là để trang trí trong gia đình hay trên bàn làm việc văn phòng. Cũng chính vì tâm lý như vậy mà Thiên Bình – nàng dâu người Đăk Lăk khi về lấy chồng Bình Định đã vô cùng sửng sốt khi tới bữa cơm, mẹ chồng thản nhiên ra vườn xương rồng trước nhà để lấy lá nấu canh.
Câu chuyện về món canh xương rồng nấu cá “có một không hai” của những người dân xứ Nẫu được Thiên Bình chia sẻ trên mạng xã hội hồi tháng 6/2018 đã từng gây xôn xao cư dân mạng. Cũng nhờ cô dâu trẻ này mà một nét ẩm thực địa phương đặc sắc của Bình Định được nhiều người biết đến.
Về nhà chồng thấy vườn xương rồng xanh ngắt, nàng dâu tưởng để làm cảnh, ai ngờ...
Món canh cá nấu cùng xương rồng của mẹ chồng Thanh Bình.
Canh xương rồng (lưỡi long) được người dân nơi đây gọi là món chống đói những ngày biển động, không ra khơi đánh bắt được, người ta chỉ biết bám víu vào loài cây này để sống qua ngày. Thế nhưng, vào những ngày nắng nóng, làm một bát canh lưỡi long cũng thấy mát lòng mát dạ. Không phải loại xương rồng nào cũng nấu được và ở Bình Định, cũng chỉ có một vài huyện ven biển như Phù Mỹ, Hoài Nhơn… người dân mới có thói quen ăn món canh này.
Từ chỗ ngạc nhiên thích thú với món canh xương rồng, Thiên Bình giờ đây đã trở thành một bà nội trợ gia đình nấu thành thạo món ăn đặc trưng quê chồng. Mới đây, cô gái trẻ tiếp tục chia sẻ trên mạng xã hội cách nấu canh xương rồng – nhưng với một sự kết hợp đẹp mắt và ngọt nước hơn cùng tôm thay vì thịt hay cá, và tiếp tục nhận được sự thích thú của cư dân mạng.
Nàng dâu Tây Nguyên giờ nấu canh xương rồng cực thành thạo.
Cách làm vẫn là hái lá xương rồng non (đúng phải là loại xương rồng tai thỏ), gọt bỏ gai, xắt mỏng. Tôm lột vỏ để nguyên con hoặc giã nhuyễn. Hành tím phi thơm lên cho tôm vào xào. Cho nước nêm nếm vừa ăn, nước sôi cho xương rồng vào, đợi nước sôi lại là được. Có thể thêm vài lát ớt lên trên. Món canh khi ăn có vị ngọt từ thịt tôm, chua dịu của xương rồng và đặc biệt là rất mềm, hơi nhớt, trẻ con ăn đôi khi không cần nhai.
Xương rồng tai thỏ, ít gai là loại xương rồng duy nhất được dùng để nấu món canh này.
Sau khi rửa sạch, bỏ gai thì thái dọc thành sợi dài.
Sau khi đọc bài viết của Thiên Bình, rất nhiều bạn trẻ đã thích thú, rần rần đòi… nhổ bụi xương rồng cảnh trước nhà để nấu. Một số bạn trẻ khác đã từng được thưởng thức món canh xương rồng này thì hào hứng chia sẻ lại cảm nhận.
Một bạn trẻ khác cũng hào hứng chia sẻ món canh xương rồng được thưởng thức khi về quê Bình Định (Ảnh: Kiểu Loan)
Vậy mới thấy, văn hoá ẩm thực của Việt Nam quả thật vô cùng phong phú. Mỗi vùng, mỗi miền lại có những món ăn đặc trưng khác nhau mà đôi khi ngay cả là người sành ăn, chịu khó tìm hiểu về ẩm thực… vẫn sẽ phải bất ngờ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn