"Nhiều nhân tài không chơi trên sân Olympia"
Chương trình Đường lên đỉnh Olympia vừa khép lại tuổi 20 với việc tìm ra nhà vô địch nữ sau 9 năm không có nữ sinh nào bước lên đỉnh vinh quang. Cô học trò nhỏ nhắn Nguyễn Thị Thu Hằng (lớp 12B1, trường THPT Kim Sơn A, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) đã xuất sắc vượt qua ba chàng trai đối thủ, ghi thành tích với 235 điểm, trở thành thí sinh đầu tiên mang vòng nguyệt quế về cố đô Ninh Bình.
Không phải một câu chuyện quá mới lạ, hằng năm, mỗi khi tìm ra "nhà leo núi" vô địch, dư luận lại xôn xao với nỗi băn khoăn về việc thí sinh du học xong sẽ ở lại hay về nước. Trong khi có không ít ý kiến cho rằng, Việt Nam đang "để mất chất xám" qua từng cuộc thi, Quán quân Olympia cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều nhân tài nằm ngoài sân chơi này.
"Trước hết, chúng ta cần nhìn nhận từ cả hai chiều. Mọi người nói Việt Nam đang "chảy máu chất xám" cũng có ý đúng, nhưng phải có lý do gì thì nhân tài mới không trở về... Nhân tài trên đất nước mình còn rất nhiều, còn nhiều thí sinh tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế có thành tích xuất sắc, Olympia không phản ánh được tất cả. Cá nhân em cho rằng, dù sinh sống và làm việc ở trong nước hay nước ngoài, mà tinh thần hướng về Tổ quốc thì đều có thể đóng góp và có nhiều cách khác nhau để xây dựng và phát triển đất nước" - Thu Hằng bày tỏ.
Tân Quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 20 Nguyễn Thị Thu Hằng.
"Nhà leo núi" đến từ Ninh Bình cũng nhấn mạnh thêm: "Mỗi người có tài năng ở một lĩnh vực khác nhau. Kiến thức ở chương trình Đường lên đỉnh Olympia rộng chứ chưa hẳn là sâu. Chẳng hạn, một người giỏi về lĩnh vực nghệ thuật thì Olympia không phải sân chơi của họ, nhưng họ vẫn là nhân tài đấy thôi... Và chúng ta đâu thể phủ nhận điều đó?".
Trong suốt "cuộc đua" ở chung kết, Thu Hằng luôn thể hiện sự tự tin, một số hành động bộc phát đã khiến nhiều người hiểu lầm, thậm chí, có những đánh giá không hay, cho rằng nữ thí sinh kiêu ngạo và không tôn trọng đối thủ. Lý giải về điều này, Hằng cho biết, cô không cố tình thể hiện, mà đó chỉ là cảm xúc nhất thời khi nấc thang chạm chiến thắng càng lúc càng gần hơn.
"Khi gần chạm đến chiến thắng, em rất vui mừng và đã thể hiện niềm vui ấy, có thể, một phần do cá tính của bản thân... Khi đọc được những bình luận bất bình trên mạng về hành động của em, em cảm thấy buồn và chạnh lòng... Em mong mọi người có thể đặt mình vào vị trí của em.
Thậm chí, có những người hiểu lầm đến mức, họ cho rằng, khi em cầu nguyện là cầu cho đối thủ trả lời sai. Nhưng không phải, em chỉ cầu cho bản thân mình may mắn...", nữ sinh ngậm ngùi tâm sự.
Ngồi bên cạnh con gái, chị Phạm Thị Đỗ Ngọc (SN 1978), mẹ Hằng nhớ lại: "Cảm giác của tôi lúc này vẫn còn lâng lâng khó tả, khi con đã mang vinh quang về cho gia đình và quê hương. Lúc ở trường quay, khi chứng kiến con bấm chuông vượt chướng ngại vật khi vừa mới mở ô đầu tiên đầu tiên, tôi rất hồi hộp. Khi con trả lời đúng thì tôi đã thực sự vỡ òa. Quá hạnh phúc!".
"Olympia là ước mơ, nhưng cũng chỉ là dấu mốc"
Bước vào trận chung kết, cô gái nhỏ nhắn cho biết, bản thân không hề cảm thấy áp lực, mặc dù đối thủ là ba nam sinh đã vượt qua nhiều cuộc "cân não" trước đó khá "nặng ký".
Sinh ra và lớn lên trên đất Ninh Bình "địa linh nhân kiệt", Thu Hằng luôn là một tấm gương hiếu học cho nhiều bạn bè đồng trang lứa. Ngay từ rất sớm, cô học trò nhỏ đã yêu thích chương trình Đường lên đỉnh Olympia và nuôi dưỡng ước mơ chinh phục vòng nguyệt quế.
"Ước mơ ấy thực sự được tiếp động lực từ 5 năm trước, vì ở cùng quê có anh Nguyễn Cao Ngọc Vũ đã mang được cầu truyền hình về trường THPT Kim Sơn A. Lúc đó, em cảm nhận, trong ánh mắt của mỗi người dân Ninh Bình cháy lên một niềm tự hào mãnh liệt... Em cũng rất hâm mộ anh ấy và tự nhủ, một người con của Ninh Bình đã làm được thì không có lý do gì mà mình không làm được...", Hằng quả quyết.
Hình ảnh Thu Hằng trong trận chung kết.
Với quyết tâm ấy, Hằng vạch rõ kế hoạch: Nhất định phải có mục tiêu ngay từ đầu, từ đó, lên kế hoạch cụ thể và hiện thực hóa từng điều ấy bằng sự kiên trì. Học chắc kiến thức trong sách giáo khoa cũng rất quan trọng, đó là nền tảng, Olympia rất hay hỏi những chi tiết nhỏ trong đó.
Ngoài môn Hóa học, Thu Hằng tự nhận mình cũng phải "chật vật" với môn Ngữ văn, nhưng lại rất thích đọc sách Văn học. "Nhiều chướng ngại vật trên đường leo núi được em giải đáp dễ dàng nhờ kiến thức trong các cuốn sách đọc thêm. Bên cạnh đó, em thấy rằng, xem thời sự, đọc báo hàng ngày cũng là một cách học rất hiệu quả!".
Để được chạm vào chiếc vòng nguyệt quế vinh quang, là cả quá trình cố gắng, nỗ lực của Nguyễn Thị Thu Hằng cùng sự tâm huyết của thầy cô trường THPT Kim Sơn A. "Nhóm Đồng hành được các thầy cô lập ra, mỗi bộ môn sẽ có 3 - 4 thầy cô tham gia giúp đỡ thí sinh, dự đoán câu hỏi. Nhờ đó, em cũng đã "trúng tủ" một vài câu nhỏ trong trận chung kết... Khi giành chiến thắng, người đầu tiên em nghĩ đến là thầy cô, rồi đến gia đình...", nữ sinh cười rạng rỡ khi tâm sự với PV.
Đáng chú ý, thời gian học dày đặc, nhưng cô học trò vẫn dành thời gian chơi thể thao và chơi đàn. Theo Hằng, việc chơi đàn giúp cô ghi nhớ tốt hơn với một lượng kiến thức khổng lồ, đồng thời, giúp rèn đôi tay để thao tác máy chính xác khi thi.
Quyết tâm là thế, nhưng cũng có lúc, "nhà leo núi" muốn bỏ cuộc: "Những lúc mệt mỏi vì phải ghi nhớ quá nhiều thứ, em từng có suy nghĩ: "Hay là thôi, trở về học ôn thi đại học cùng các bạn trong lớp...". Nhưng tình yêu kiến thức và đam mê chinh phục đã giúp em vượt qua những giai đoạn đó".
Cô gái nhỏ tâm niệm, điều quý giá nhất Olympia mang lại cho bản thân chính là sự kiên trì. Nhìn lại chặng đường đã qua, Hằng cho biết không hề tiếc nuối điều gì, bởi tất cả những gì đã hay chưa làm được đều mang lại một hành trình ý nghĩa. "Bây giờ đã trở thành Quán quân, có rất nhiều niềm vui, nhưng em vẫn cảm thấy bình thường như sau một trận đấu giao hữu vậy.
Đối với em, Olympia là ước mơ, nhưng cũng chỉ là một dấu mốc, bởi, chắc chắn sẽ còn rất nhiều mục tiêu quan trọng mà em cần hướng đến và chinh phục trong trương lai" - Hằng thoáng chút trầm tư rồi lại nở nụ cười hồn nhiên.
"Những cuốn sổ "chắp cánh" Với quyết tâm chinh phục vòng nguyệt quế vinh quang, nữ sinh bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về chương trình Đường lên đỉnh Olympia, xem lại toàn bộ những số đã phát trước đây. Trong suốt quá trình đó, cô gái nhỏ cũng không quên ghi chép các câu hỏi mà mình chưa trả lời được vào sổ. Đến nay, tân Quán quân đã lưu giữ hơn 10 cuốn sổ dày đặc những dòng ghi chép như vậy."Thủy Tiên - Quang Trường |
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/giao-duc/quan-quan-olympia-nam-thu-20-dat-nuoc-minh-co-...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn