Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao với việc một nữ phụ huynh ở trường THPT Trương Định, Hà Nội bị lăng mạ trong nhóm trao đổi chung của lớp do từ chối đóng khoản tiền tự nguyện do hội phụ huynh đưa ra.
Cụ thể, nữ phụ huynh H.T có con trai hiện đang học lớp 10 tại trường chia sẻ về việc liên quan đến đóng quỹ lớp. Chị T. cho biết, trong buổi họp đầu năm cô giáo có đề nghị thành lập hội phụ huynh. Sau đó, hội đề nghị đóng khoản quỹ 1,5 triệu đồng/học sinh. Tuy nhiên một số phụ huynh phản đối vì cho rằng số tiền đó quá cao và thống nhất thu quỹ 700.000 đồng/học sinh.
Tin nhắn chị T. nhận được từ phụ huynh trong lớp.
Chị T. chia sẻ hội phụ huynh đưa ra những khoản thu chi cho tiền quỹ 700 nghìn đồng chị thấy không đúng với những tiêu chí dành cho học sinh lớp mà toàn để chi tiêu cho Đoàn Đội của trường như: đại hội Đoàn, sinh hoạt dưới cờ,... những khoản mà chị không hiểu, xin được giải trình nhưng không nhận được câu trả lời. Người mẹ không đồng ý và yêu cầu không tham gia quỹ này.
Vì vậy, chị từ chối tham gia đóng góp vào quỹ này, mà chỉ đóng 237.000 đồng (bao gồm 100.000 tiền photo và 137.000 cho tiền sinh hoạt lớp). Hội phụ huynh cũng đã đồng ý trả lại cho chị 500.000.
Tuy nhiên, hôm sau khi đi học, con chị lại bị các bạn trêu chọc vì “chỉ đóng hơn 200.000 tiền quỹ”, chị T cũng đã bị đẩy khỏi group chat chung, đồng thời chịu nhiều tiếng lăng mạ và mỉa mai.
Trường THPT Trương Định nơi xảy ra sự việc phụ huynh bị lăng mạ sau khi không đồng ý đóng tiền tự nguyên.
Trao đổi với VietNamNet, thầy Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định cho biết, ngày 29/9, nhà trường đã nhận được đơn thư phản ánh do vị phụ huynh này gửi tới. Trong thư, nữ phụ huynh cũng đã chia sẻ về những áp lực của bản thân và con trai sau vụ việc.
“Trên tinh thần luôn đồng hành cùng phụ huynh, học sinh, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận những phản ánh, từ đó sẽ có hướng giải quyết cụ thể”.
Theo ông Dương, do vấn đề này có liên quan trục tiếp đến học sinh, để tránh ảnh hưởng không tốt tới học trò, nhà trường đã ngay lập tức tìm cách xử lý.
Cụ thể, sáng 30/9, cô hiệu phó đã phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm em T.A tới để trò chuyện cùng các em học sinh của lớp. Thay vì trách phạt, các cô giáo đã có những chia sẻ, động viên, làm khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong phạm vi lớp học.
Ông Dương cho biết, sau sự việc, học sinh T.A có nghỉ học một ngày. Nhưng sau khi được động viên bởi các cô giáo, em đã quay trở lại lớp học tập bình thường.
Về phía phụ huynh, theo ông Dương, nhà trường cần thời gian để tìm hiểu, làm rõ sự việc theo đúng quy trình, từ đó sẽ đưa ra các giải quyết hợp tình, hợp lý.
“Đầu mỗi năm học, Ban Giám hiệu thường dành từ 30 – 45 phút để nói chuyện, tìm hiểu tâm tư của các bậc phụ huynh. Chúng tôi cũng hiểu, với những gia đình có điều kiện kinh tế, khoản đóng góp này có thể không đáng kể gì, nhưng với nhiều gia đình khó khăn, đó lại là một số tiền lớn. Chính vì vậy, mong muốn biết được số tiền bỏ ra sử dụng vào mục đích gì là chính đáng.
Sự việc này xảy ra có thể do sự trao đổi giữa các phụ huynh chưa thực sự rõ ràng, từ đó đã gây ra sự hiểu lầm. Nhà trường sẽ tiếp tục lắng nghe phụ huynh và có hướng giải quyết cụ thể”, ông Dương nói.
Trao đổi với PV Tạp Chí Người Đưa Tin Pháp Luật, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên (cố vấn giáo dục cấp cao của tập đoàn Microsoft, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của bộ Giáo dục và Đào tạo) đưa ra quan điểm: “Qua sự việc thể hiện cách ứng xử của các vị phụ huynh với nhau còn nhiều vấn đề. Trong trường hợp này, chị T. không đồng ý đóng khoản tự nguyện là quyền của chị ấy. Việc các phụ huynh khác dùng những lời lẽ xúc phạm, lăng mạ là hoàn toàn sai trái. Trong một tập thể nếu muốn kêu gọi ai đóng góp mà khoản đó không phải là quy định mà là sự tự nguyện, hội Phụ huynh cần phân tích “thấu tình, đạt lý” cho họ hiểu chứ không thể dùng suy nghĩ cá nhân áp đặt lên họ”.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng luật sư Giang Hồng Thanh cho biết, theo khoản 1 Điều 34 Bộ luật Dân sự quy định: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Đây là quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.
Nếu việc xúc phạm nhân phẩm, uy tín của người khác được thực hiện trên môi trường mạng, kỹ thuật số, người thực hiện hành vi sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Nội dung này quy định tại điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020.
“Như vậy, nếu chị T. cảm thấy bị tổn thương vì những lời thóa mạ, cay nghiệt của các phụ huynh khác, chị T. có thể đề nghị cơ quan chức năng xử lý người đã có những lời lẽ, hành vi như vậy đối với mình. Theo quan điểm của tôi, việc 1 phụ huynh nào đó không đồng ý với các khoản thu chi bất hợp lý của nhà trường hoặc của hội Phụ huynh là điều hết sức bình thường và cần phải tôn trọng. Rõ ràng không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế, sinh hoạt đầy đủ như nhau. Thậm chí kể cả những người có khả năng về vật chất, nếu thấy khoản thu chi không phù hợp, họ cũng có quyền được nêu ý kiến. Việc xúc phạm người khác vì bất cứ lý do gì cũng là hành vi bị nghiêm cấm. Do vậy những phụ huynh trong vụ việc này cần phải chấm dứt hành vi trái pháp luật mà họ đã, đang và sẽ có ý định thực hiện”, luật sư Giang Hồng Thanh chia sẻ thêm.
Cùng quan điểm với luật sư Giang Hồng Thanh, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc công ty Luật Cán Cân Việt cho biết, bản thân anh cũng đang làm Hội trưởng hội Phụ huynh của lớp con gái. Không thể phủ nhận được vai trò quan trọng của hội Phụ huynh trong quá trình đồng hành cùng các con học tập, vui chơi tại trường học. Tuy nhiên, phải khẳng định, quỹ hội Phụ huynh được thu trên tinh thần tự nguyện. Không có điều luật nào quy định phụ huynh phải đóng số tiền đó.
“Với những gia đình có điều kiện kinh tế, vài trăm ngàn chỉ là con số không đáng kể nhưng với nhiều gia đình, nó lại số tiền lớn. Chính vì vậy, họ mong muốn số tiền đó phải được dùng đúng mục đích. Trong trường hợp của chị T., chị hoàn toàn có quyền được đưa ra quan điểm cá nhân của mình về quỹ hội và không đóng nếu cảm thấy không hợp lý. Việc các phụ huynh khác có những lời nói lăng mạ, xúc phạm chị T. là hành vi cần phải lên án và xử lý nghiêm minh”, luật sư Kiên nhấn mạnh.
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/giao-duc/chuyen-hoc-duong/vu-phu-huynh-tu-choi-dong-tie...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn