Không phải ai cũng biết đến mẹo sử dụng nước nóng hay nước lạnh khi nấu ăn. Nếu nắm được phương pháp sử dụng nước đúng cách, món ăn sẽ trở nên thơm ngon và giữ được nhiều chất dinh dưỡng hơn hẳn.
Sử dụng nước nóng để nấu cơm
Sử dụng nước nóng để nấu cơm có thể rút ngắn thời gian nấu, hạn chế tối đa lượng vitamin và các chất dinh dưỡng trong gạo bị thất thoát trong quá trình nấu. Nếu để thời gian nấu cơm càng lâu, lượng vitamin B1 trong gạo sẽ mất đi càng nhiều.
Dùng nước lạnh để hấp bánh bao
Cho nước lạnh vào nồi, xếp bánh bao vào sau đó mới bật lửa để hấp bánh. Nhiệt độ tăng lên dần dần khiến bánh được nóng đều, trở nên xốp mềm và thơm ngon hơn.
Luộc mì bằng nước ấm
Đối với những loại mì khô, bạn không cần đợi đến khi nước sôi mới cho mì vào mà có thể luộc mì ngay khi nước còn ấm. Trong quá trình luộc mì, cần chú ý theo dõi và cho thêm nước lạnh vào nồi để giúp mỳ được nóng đều, dễ chín kỹ mà không bị nát.
Còn đối với những loại mỳ tươi, nên cho mỳ vào nấu khi nước đã sôi, sau đó đem trụng với nước lạnh.
Dùng nước lạnh để rã đông thực phẩm
Đối với các loại thịt đông lạnh, tôm, hải sản đông lạnh, v.v... nếu dùng nước nóng để rã đông sẽ làm giảm đi độ tươi ngon của thực phẩm. Bởi vậy cách tốt nhất là nên lấy thực phẩm ra khỏi ngăn đá từ sớm và ngâm vào nước lạnh để ra đông.
Dùng nước lạnh để nấu canh cá và canh gà
Dùng nước lạnh để nấu cá sẽ khiến cho cá không còn mùi tanh và thịt trở nên dai hơn. Tuy nhiên cần phải ước lượng sao cho đủ lượng nước khi nấu bởi nếu thêm nước giữa chừng sẽ làm giảm hương vị của món canh cá.
Tương tự như vậy, khi nấu canh gà cũng nên dùng nước lạnh, sau khi nước sôi thì hạ lửa nhỏ. Nếu khi nấu thấy nước ít quá thì có thể cho thêm nước sôi vào. Tuyệt đối không được cho nước lạnh vào giữa chừng bởi điều đó có thể làm nhiệt độ thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến dinh dưỡng và mùi vị của món ăn.
Dùng nước nóng để hấp cá và thịt
Khi muốn làm món cá hấp hoặc thịt hấp, hãy đợi nước trong nồi sôi rồi hãy cho thực phẩm vào.
Cách này sẽ khiến cho bề mặt ngoài của cá hoặc thịt bị co lại đột ngột do gặp hơi nước nhiệt độ cao bên ngoài, nước ngọt và chất dinh dưỡng bên trong thực phẩm không thể bị chảy ra được. Sau khi nấu chín, thức ăn sẽ có mùi vị thơm ngon và nhìn cũng bóng bẩy, ngon mắt hơn hẳn.
Chế biến các loại rau nên dùng nước nóng
Khi xào rau không nên cho nước lạnh vào vì như thế sẽ khiến cho rau bị dai và cứng. Nên cho nước nóng vào sẽ khiến món rau xào giữ được độ tươi giòn.
Luộc măng trong nước sôi không chỉ khiến măng dễ chín đều mà còn đậm đà hương vị. Sau khi luộc xong, muốn măng được giòn ngon thì chỉ cần ngâm măng vào một âu nước đá lạnh .
Ngâm đậu phụ trong nước nóng để khử mùi
Trước khi ăn hoặc chế biến đấu phụ, nên ngâm chúng trong nước nóng khoảng 15 phút để loại bỏ mùi tanh của đậu phụ.
Nấu các món trứng
Khi làm món trứng hấp, nên thêm khoảng 1 thìa canh nước ấm vào khi đánh trứng, có như vậy món trứng hấp mới càng thêm xốp mềm so với khi dùng nước lạnh.
Tương tự như vậy, khi làm món trứng rán, nên thêm một thìa canh nước ấm vào khi đánh trứng để trứng được xốp mềm và bông hơn.
Khi làm món trứng ốp la, muốn bên ngoài trứng chín vừa độ nhưng bên trong vẫn còn giữ được độ ngậy và bùi của lòng đỏ, hãy rưới vài giọt nước nóng xung quanh và trên bề mặt, trứng sẽ có lòng đỏ chín hoàn hảo và lòng trắng mịn màng.
Khi luộc trứng, trước tiên nên ngâm trứng trong nước lạnh, sau đó luộc trong nước nóng, vỏ trứng sẽ không bị nứt và rất dễ bóc.
Nguồn: https://baogiaothong.vn/nen-dung-nuoc-nong-hay-nuoc-lanh-khi-nau-an-d491139.html
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn