Video quán cháo đậu cà ở Đào Duy Từ.
Cháo hoa đậu cà từ lâu đã là món ăn dân dã gắn liền với biết bao thế hệ, đặc biệt thời ông bà, cha mẹ chúng ta. Tưởng chừng món ăn ấy giữa nhịp sống hiện đại nay đã mất đi và trở thành thức quà hiếm nhưng ngay ở giữa phố cổ, trên con phố Đào Duy Từ giao Lương Ngọc Quyến vẫn có địa chỉ bán món ăn giản dị này hơn chục năm nay, giúp cho bao bạn trẻ được thưởng thức, trải nghiệm hương vị xưa và giúp cho bao người được “chìm đắm”, trở về với thức quà của quá khứ.
Cháo đậu cà muối.
Thưởng thức cháo đậu cà thời “ông bà ta” giữa lòng phố cổ
Quán chào đậu cà trên con phố Đào Duy Từ nằm ở ngay ngã tư Đào Duy Từ giao với Lương Ngọc Quyến. Vì là quán vỉa hè nên diện tích khá nhỏ chỉ khoảng chục m2. Cô chủ thường ngồi quay vào trong tường để làm hàng cho khách nên khi đến quán bạn chỉ cần nhanh chóng để xe ở quán ốc bên đường rồi tìm cho mình một chỗ ngồi thoải mái ở đây.
Cô chủ quán khá nhiệt tình, phục vụ nhanh nên sau chỉ vài phút gọi, bạn đã có một bát cháo đậu cà vô cùng hấp dẫn ngay trước mặt. Vì diện tích nhỏ nên mọi người đến quán thường bưng bát lên ăn cho tiện.
Quán nằm trên phố Đào Duy Từ diện tích khá nhỏ.
Nói về món cháo đậu cà ở đây, nếu như thuở xưa, thời ông bà ta chỉ được ăn cháo với đường và cà muối, không cầu kỳ nhưng vẫn cảm nhận cái ngon thì giờ đây món ăn xưa này đã được cải tiến hơn với nhiều topping, thêm cả đậu rim mắm hành, trứng muối, cala thầu (củ cải khô) vào trong.
Hai nồi cháo đỗ xanh và đen đầy ụ nấu nhuyễn, sánh mịn, hạt cháo nở hoa.
Món ăn này vốn là món cháo thanh mát, giải nhiệt ngày hè nên chỉ đơn thuần được nấu bằng đậu xanh và đậu đen nấu nhuyễn. Có lẽ với những bạn trẻ thưởng thức lần đầu sẽ cảm thấy không thích vì cháo nhạt nhạt lại không có thịt thà. Tuy nhiên khi từ từ cảm nhận, vừa bưng bát cháo trên tay, vừa thưởng thức từng thìa một và ngắm phố xá Hà Nội, bạn sẽ cảm nhận hết cái hay, cái ngon trong đó. Thêm nữa những topping được làm đậm đà gia vị ăn cùng cháo cũng rất đưa miệng đấy.
Cốt cháo ở đây được nấu rất ngon, sánh mịn, hạt cháo mềm nở hoa to, đỗ thơm bùi. Đậu rim hành được rán già, vỏ đậu vàng ươm nhưng bên trong vẫn non mềm lại ngấm vị mắm hành vừa ngon lại vừa thơm. Cà pháo muối cả quả khá to, không bị già, vỏ vàng ươm bắt mắt và ăn giòn sần sật. Tuy nhiên vì không phải cà nén nên cà không quắt và giòn bên trong. Trứng muối được cho vào cháo ăn khá lạ miệng, hương vị của trứng muối thơm bùi, mằn mặn ăn với cháo lạ nhưng cũng quyện. Cala thầu khỏi phải nói, đó là một sự kết hợp tuyệt vời với cháo, ăn giòn sần sật, mặn mặn, chua chua, ngòn ngọt giống như củ cải muối của Hàn Quốc vậy, ăn rất ngon.
Vì cháo đậu xanh và đậu đen được nấu nhạt nên mọi người có thể kết hợp ăn với đường khá thanh mát trong những ngày hè hoặc ăn với những thức đi kèm được chế biến đậm đà khá vừa miệng. Thậm chí nếu bạn gọi một bát cháo đầy đủ topping, bạn sẽ cảm thấy mặn vì cháo hết nhanh hơn cả topping.
Mỗi bát cháo ở đây giá cũng bình dân. Cháo đậu giá 13 nghìn/ bát, thêm cà là 15 nghìn và đầy đủ là 24 nghìn/ bát cũng đủ khiến bạn no căng bụng. Với những người không ăn được nhiều có thể gọi nửa bát hoặc gọi cháo không để ăn với đường.
Thực đơn của quán.
Ngày đắt khách bán hết bay 10 nồi cháo đầy ụ 30 lít
Cô Đỗ Kim Oanh, chủ quán kể rằng, cô mở quán từ năm 2006, đây là món ăn gia truyền của ông bà cô để lại. Mùa hè cô bán cháo đậu xanh và đậu đen, còn mùa đông cô bán thêm cháo sườn phục vụ thực khách.
Chia sẻ về thời gian đầu, cô Oanh cho biết, thời gian đầu học nghề, cô phải đổ đi nhiều nồi cháo khê, cháo vữa. Sau này, nhờ học được bí kíp nấu cháo nên cô nấu rất vừa miệng, không quá đặc cũng không quá loãng, hạt gạo mềm, có độ sánh ăn hết bát vẫn còn nóng, không hề vữa. Đặc biệt, cháo đỗ đen nấu khó, lâu nhất nhưng với kinh nghiệm hơn chục năm của mình, cô đã chinh phục được rất nhiều thực khách bằng món cháo này.
Cô Oanh bán quán từ năm 2006.
Hiện nay, ngày nào cô cũng dậy từ 3h sáng để nấu cháo rồi 5h hơn dọn hàng ra bán. Vì nhà gần chỗ bán nên cứ hết cháo hay hết đậu, con trai và nhân viên của cô lại nhanh chóng mang từ nhà ra. Nay đã tuổi cao nên cô giao lại quán cho con dâu và con gái tiếp quản, cô chỉ ở nhà nấu đồ cho các con bán.
“Con dâu tôi sẽ tiếp quản ca từ 6h-13h còn con gái sẽ bán từ 13h-18h. Buổi trưa, tôi lại tranh thủ ra đỡ các con bán hàng”, cô Oanh cho biết.
Mọi người đến ăn bưng là chủ yếu.
Theo cô Oanh chia sẻ, lượng cháo cô bán còn tùy thuộc vào mỗi ngày, thời tiết thế nào nên không biết được bán bao nhiêu nhưng ngày đắt khách cô cũng bán hết khoảng chục nồi cháo đậu đen, đậu xanh 30 lít.
Cháo đậu xanh và đậu đen nấu nhạt, mỗi loại có hương vị khác nhau.
Thực khách đến với cô không chỉ người Việt mà còn là những người nước ngoài yêu thích món ăn dân dã và yêu thích hương vị rất riêng của quán. Đó chính là động lực để cô không chỉ làm nghề mưu sinh mà con góp phần giữ gìn món ăn bình dị, dân dã một thời này.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn