Vị vua cuối cùng của triều đại Nam Đường thời Ngũ Đại Lập Quốc trong lịch sử Trung Quốc là Lý Dục, con trai thứ 6 của Nam Đường Nguyên Tông Lý Cảnh.
Chịu ảnh hưởng từ cha, từ nhỏ Lý Dục là người nhân hậu và khá nhu nhược. Ông thường bị anh Lý Hoằng Ký đố kỵ truy sát, phải trốn chạy nhiều lần, do đó ông tỏ ra không quan tâm đến chính trị, không muốn tranh chấp.
Tuy vậy, do Lý Hoằng Ký mất sớm nên Lý Dục trở thành Thái Tử và kế thừa vương vị sau khi Nam Đường Nguyên Tông qua đời.
Hoàng đế Lý Dục thiếu bản lĩnh và kém cỏi nhưng lại là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc. Ảnh minh họa
Hoàng đế Lý Dục không tham đồ mỹ sắc, không ngang ngược tàn bạo nhưng lại không nhìn thấu nỗi khổ nhân gian, không giỏi trị quốc mà chỉ chìm đắm vào thơ ca, thư pháp. Dù là một vị hoàng đế được cho là thiếu bản lĩnh và kém cỏi nhưng ông lại được biết đến là một nhà thơ, họa sĩ và nhà thư pháp lỗi lạc của Trung Quốc trong thế kỷ 10.
Ông cũng được xem là một người uyên thâm thể loại từ vào hàng bậc nhất, do đó được xưng tụng là Thiên cổ từ đế. Tuy nhiên, một hoàng đế không giỏi chính sự thì chuyện vong quốc chỉ là vấn đề sớm muộn.
Năm 975, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận dẫn quân tiêu diệt Nam Đường nhưng để thể hiện lòng nhân ái phục lòng dân, ông không giết Lý Dục mà áp giải về Biện Kinh, phong làm An Mệnh hầu.
Đại Chu Hậu chịu đả kích mạnh khi phát hiện mối tình giữa chồng và em gái ruột. Ảnh minh họa
Trong cuộc đời của mình, Hoàng đế Lý Dục từng lập 2 vị hoàng hậu, vì là cặp chị em nên sử gọi họ là Đại Chu Hậu và Tiểu Chu Hậu.
Đại Chu Hậu có tên là Chu Nga Hoàng, cũng là người yêu thích thơ ca, rất tâm đầu ý hợp với Lý Dục. Hai người ở bên nhau nhiều năm, tình nghĩa sâu đâm nhưng không may Đại Chu Hậu đột ngột đổ bệnh qua đời. Hoàng đế Lý Dục vì thương nhớ nên viết rất nhiều thơ ca ca ngợi vẻ đẹp của Đại Chu Hậu.
Tuy nhiên, trong lúc Đại Chu Hậu nằm trên giường bệnh, em gái bà là Chu Gia Mẫn vì quá lo lắng cho chị nên xin được đích thân vào cung chăm sóc. Điều đó khiến Hoàng đế Lý Dục có cơ duyên quen biết em vợ và hai người nhanh chóng nảy sinh tình cảm.
Sự việc nhanh chóng bị Đại Chu Hậu phát hiện. Vì quá đau lòng và phẫn nộ, bệnh tình của bà ngày càng trở nặng rồi qua đời trong tức tưởi.
Hoàng đế Lý Dục cảm thấy vô cùng có lỗi nên sáng tác rất nhiều bài thơ miêu tả vẻ đẹp của Đại Chu Hậu. Tuy nhiên, ông cũng sủng ái người em vợ không kém và đến năm 968 lập bà làm hoàng hậu, tức là Tiểu Chu Hậu.
Sau khi Lý Dục mất nước và bị giam lỏng trong triều đình nhà Tống, Tiểu Chu Hậu luôn sát cánh bên cạnh ông. Năm 976, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn qua đời, em trai là Triệu Khuông Nghĩa kế vị, tức Tống Thái Tông.
Triệu Khuông Nghĩa sớm đã để mắt tới Tiểu Chu Hậu dung mạo như hoa. Tết Nguyên Tiêu năm 978, Triệu Khuông Nghĩa hạ chỉ truyền Tiểu Chu Hậu vào cung, nhiều ngày sau mới được kiệu đưa về nhà trong bộ dạng tiều tụy.
Lý Dục đủ thông minh để hiểu chuyện gì đã xảy ra với vợ mình, ông đứng cạnh đầu giường cảm thấy rất tức giận, đau khổ nhưng một quân vương sa cơ thất thế như ông cũng chẳng làm được gì. Ông chỉ còn biết ngậm ngùi nhìn vợ bị người ta cưỡng đoạt và chấp nhận sự sỉ nhục này.
Dù biết vợ bị người khác cưỡng đoạt nhưng Lý Dục chỉ biết đứng yên chịu nhục. Ảnh minh họa
Năm 978, vào đêm sinh nhật thứ 42 của Lý Dục. Hoàng đế Triệu Khuông Nghĩa sai người ban mang rượu có chứa thuốc độc đến cho ông. Đó là loại thuốc "khiên cơ dược" đã được thí nghiệm nhiều lần, ai uống vào sẽ bị co giật, co quắp tứ chi, đầu gập vào chân không thể cưỡng lại cho đến khi chết hẳn.
Lý Dục biết trong rượu có độc nhưng chẳng thể trái lệnh, đành uống thuốc rồi chết trong sự đau đớn và sợ hãi tột độ của Tiểu Chu Hậu.
Không có Lý Dục, cuộc sống của Tiểu Chu Hậu sau đó ngày càng cơ cực, cuối cùng nàng cũng không chịu nổi mà qua đời khi mới tuổi 28.
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/ket-cuc-bi-tham-cua-vi-hoang-de-thieu-ban-linh-chi-biet...
Tin tức 24h
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn