Vì sao lại có ngày vía thần tài?
Trong dân gian, Thần tài chính là một trong những vị thần nổi tiếng, chuyên quản Tài - Phúc - Phú - Quý mang lại tài lộc, sung túc và may mắn cho các gia đình. Người xưa kể rằng, trong một lần đi chơi uống rượu, Thần tài say quá nên rơi xuống trần gian, đầu va vào đá nằm mê mệt không biết gì. Khi Thần tài vào nhà nào xin ăn thì nhà đó giàu có, buôn may bán đắt… Đến ngày mùng 10 tháng Giêng thì thần tài bay về trời.
Để tưởng nhớ Thần tài, mọi người chọn ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần tài. Ngày này là một trong những dịp quan trọng nhất để cầu tài, phúc, phú, quý.
Lễ vật cúng Thần tài đầy đủ
Cúng Thần tài rất phổ biến trong giới kinh doanh. Ngày thường, họ thường cúng Thần tài hoa quả hoặc đồ chay còn riêng vào ngày vía này, người ta thường sắm lễ vật như sau: 1 bình hoa (hoa đồng tiền, hoa cúc hoặc hoa hồng); 5 loại trái cây; 5 cây nhang; 5 chum rượu; 2 đèn cầy; 2 điếu thuốc; 1 đĩa gạo; 1 đĩa muối hột; 2 miếng vàng bạc và một mâm cỗ Tam sên đơn giản.
Có người còn cúng thêm cả cá nướng và cua... tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của gia chủ.
Mâm cỗ tam sên nghĩa là gì?
Người ta thường thấy mâm cỗ tam sên gồm 3 món: Thịt heo (có thể quay hoặc luộc), trứng luộc (trứng gà hoặc vịt) và tôm luộc hoặc cua.
Theo các chuyên gia văn hóa, bộ tam sên này là đại diện 3 loài vật tượng trưng cho Thổ - Thủy - Thiên, trong đó miếng thịt heo (sống trên cạn) – Thổ, con tôm hoặc cua (sống dưới nước - Thủy, trứng gà hoặc trứng vịt (đại diện loài có lông vũ bay trên trời) – Thiên. Lý do người ta dùng trứng là để biểu trưng hơn cho tính phồn thực).
Bên cạnh bộ “tam sên”, có người còn thường cúng Thần tài bằng “cá lóc nướng”. Cá lóc này phải để nguyên con, đem đi nướng trui. Việc để nguyên trạng cá lóc như trên là để tưởng nhớ rằng ông cha rất thiếu thốn khó khăn trong buổi đầu khai hoang, không nề hà chuyện cá vảy cả con, miễn sao nuôi dưỡng được bản thân và đảm bảo công việc thì vui lòng.
Cách thực hiện mâm cỗ Tam sên
Thịt heo quay (Nếu không làm heo quay thì làm thịt luộc)
Nguyên liệu: 1 miếng thịt ba chỉ ngon khoảng 1 kg; 1 nhánh sả đập dập; 1 củ hành tây; 3 muỗng canh muối; 1 miếng gừng thái lát vài lá chanh nếu có.
Cách làm: Dùng dao cạo sạch lớp bẩn trên da heo, sau đó rửa sạch rồi khứa vài đường trên miếng thịt (cách này giúp bạn cắt miếng thịt heo quay dễ dàng không bị nát). Nấu 1,5 lít nước cùng 1 muỗng canh muối, sả, hành, gừng và lá chanh cho hết vào nồi nấu sôi.
Sau đó cho miếng thịt heo vào luộc 25 phút. Luộc cho thịt chín 70-80%. Vớt thịt ra, dùng dĩa xiên lên bì rồi cho 2 muỗng muối còn lại lên da chà sát 1-2 phút. Chà luôn xung quanh miếng thịt.
Cho miếng thịt lên khay, đem ra phơi nắng cho miếng da heo khô ráo hoặc dùng khăn giấy thấm khô miếng thịt (cách này sẽ giúp bạn chiên miếng thịt không lo bắn dầu). Bắc chảo dầu lên bếp (không cần quá nhiều dầu). Khi dầu hơi nóng, dùng kẹp kẹp miếng thịt cho phần da xuống chạm với dầu chiên 4-5 phút cho da phồng rộp nổ đều, thì trở thịt chiên tiếp.
Cứ lật qua lật lại rồi chiên cho miếng thịt chín đều, da heo vàng đẹp thì gắp ra đĩa có lót giấy thấm dầu rồi sắp lên mâm cỗ cúng.
Tôm luộc (hoặc hấp)
Tôm chọn con to, tươi ngon rồi đem rửa sạch. Cho vào nồi cùng một ít sả, xíu nước rồi luộc chín. Bày ra đĩa cho lên mâm cỗ cúng.
Nếu không thích dùng tôm có thể thay thế bằng cua, tùy theo hoàn cảnh của gia chủ.
Trứng luộc
Trứng rửa sạch, cho vào nồi luộc chín. Không nên luộc lâu quá, trứng bị biến chất.
Mâm cỗ Tam sên cúng thần tài rất đơn giản
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn