Trong thời phong kiến, mức độ cao quý của người phụ nữ thể hiện bằng những phụ kiện họ mang trên người, một trong số đó chính là trâm cài tóc. Trâm cài tóc của phụ nữ thời xưa thường được làm bằng vàng hoặc ngọc lục bảo. Trong cung, chỉ có hoàng hậu mới được dùng trâm đội đầu, các phi tần và cung nữ khác cũng được sử dụng trâm bằng vàng hoặc bạc tùy theo cấp bậc, còn thứ dân thường chỉ dùng trâm gỗ. Giờ đây, tuy rất hiếm người dùng trâm cài tóc nhưng nó đã trở thành một phần của giá trị lịch sử.
Chương trình "Kiểm định bảo vật" được phát sóng trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV, chuyên thẩm định các cổ vật hoặc bảo vật mà khách mời mang đến, mới đây đã khám phá câu chuyện bất ngờ phía sau một chiếc trâm cài tóc vàng.
Cụ bà Liu Zhenlian.
Cụ bà Liu Zhenlian sống tại quận Tây Thành, thủ đô Bắc Kinh, đã đem chiếc trâm vàng này tới cho các chuyên gia thẩm định. Cụ bà cho biết, chiếc trâm vàng này do tổ tiên để lại đã lâu nhưng không ai biết giá trị của nó. Sau khi biết đến chương trình "Kiểm định bảo vật", cụ bà quyết định mang đến để tìm hiểu.
Sau khi xem qua, các chuyên gia cho biết chiếc trâm vàng này rất đẹp và tinh xảo, không chỉ được làm bằng vàng mà bên trong còn khảm ngọc xanh quý giá, chắc chắn được làm từ thợ có tay nghề. Thông qua nhiều đặc điểm, họ nhận định đây là trang sức từ thời nhà Thanh.
Chiếc trâm vàng do cụ bà Liu Zhenlian mang đến.
Sau đó, các chuyên gia bất ngờ phát hiện ra một chi tiết đặc biệt khác nữa, đó là trên chiếc trâm vàng có khắc 5 chữ: "Nội vụ phủ chế tạo". Khi đó, tất cả đều vô cùng ngỡ ngàng và sửng sốt, tin chắc rằng chiếc trâm cài tóc phải thuộc về một nhân vật quyền thế nào đó, lập tức quay sang hỏi cụ bà Liu Zhenlian về nguồn gốc của nó.
Cụ bà Liu Zhenlian thành thật kể lại rằng chiếc trâm vàng thuộc về mẹ kế của mình. Đây vốn là của hồi môn của người mẹ kế, sau khi bà mất thì truyền lại cho con cháu. Nghe đến đây, các chuyên gia tin chắc bố mẹ của cụ bà Liu Zhenlian không phải là người thường, nhanh chóng hỏi: "Bố mẹ của bà là ai?". Không ai tin được, cụ bà Liu Zhenlian cho biết bố mình là Liu Zhendong còn mẹ kế của mình chính là Thục phi Văn Tú - phi tần của Hoàng đế Phổ Nghi, hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Thanh cũng như chế độ quân chủ trong lịch sử Trung Quốc.
Thục phi Văn Tú.
Văn Tú vốn là một cô gái có ngoại hình bình thường nhưng lại rất thông minh, tài giỏi, học rộng hiểu cao, tư tưởng tiến bộ. Năm 1922, Văn Tú được chọn làm phi tần cho Hoàng đế Phổ Nghi, hiệu là Thục phi. Chiếc trâm vàng trên chính là món quà cưới do Phổ Nghi tặng cho nàng trong ngày cưới. Thời gian đầu, cuộc hôn nhân của họ khá êm đẹp, Hoàng đế Phổ Nghi thường xuyên cùng Thục phi nói chuyện về thơ văn và bài luận, còn mời người về dạy tiếng Trung và tiếng Anh cho nàng.
Nào ngờ do Thục phi quá thông minh nên đã bị không ít người ghen ghét, bị Hoàng hậu Uyển Dung rắp tâm chia rẽ, dần dần bị chính Phổ Nghi bỏ rơi, cuộc sống trong cung vô cùng khó khăn. Trong cuộc hôn nhân kéo dài 9 năm, cuộc sống của Thục phi chỉ toàn đau buồn và ảm đạm. Đỉnh điểm là khi Thục phi khuyên Phổ Nghi không nên tin vào người Nhật để chiếm lại ngai vàng nhưng vua không nghe, cho rằng nàng không được phép can dự triều chính.
Hoàng đế Phổ Nghi.
Cuối cùng, khi không thể chịu được được nữa, Thục phi Văn Tú đã đưa ra quyết định chưa từng có: Đi tìm luật sư để ly hôn với vua Phổ Nghi. Năm 1931, cả hai chính thức ly hôn. Thục phi trở thành người phụ nữ đầu tiên ly hôn trong lịch sử hoàng gia Trung Quốc. Vụ việc gây chấn động, khiến vua Phổ Nghi rất mất mặt, phải ra chỉ dụ phế Thục phi làm thứ dân.
Năm 1945, Văn Tú trở thành một nhà báo và giáo viên. Tại đây, bà đã gặp Liu Zhendong, một thiếu tá trong quân đội Quốc dân đảng. Sau một thời gian thân thiết, cả hai chính thức kết hôn. Cuộc sống khi đó không thể nào so sánh với những sung sướng, đủ đầy trong cung trước đây nhưng Văn Tú vô cùng hạnh phúc khi tìm được tình yêu chân thành của đời mình. Chỉ đáng tiếc sau 7 năm chung sống, Văn Tú qua đời vì bệnh nặng. Trước khi qua đời, bà đã để lại chiếc trâm vàng quý giá cho con gái riêng của chồng, chính là cụ bà Liu Zhenlian.
Ông Liu Zhendong, người chồng thứ 2 của Văn Tú.
Vì tình cảm trân trọng với mẹ kế, cụ bà Liu Zhenlian luôn giữ chiếc trâm vàng bên người. Sau đó, chiếc trâm đã được các chuyên gia thẩm định có giá trị lên tới 3-4 triệu nhân dân tệ (10-14 tỷ đồng). Tuy nhiên, cụ bà Liu Zhenlian cho biết sẽ không bao giờ bán chiếc trâm vàng đi mà sẽ giữ nó cẩn thận như một báu vật gia truyền, để tưởng nhớ về người bố và người mẹ kế đã khuất.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/cu-ba-dem-tram-vang-cua-me-ke-di-tham-dinh-5-chu-tren...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn