Trẻ nhỏ có nên đeo tất khi đi ngủ
Miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng đang trải qua những ngày lạnh nhất từ đầu đông tới nay, có thời điểm nhiệt độ đo được chỉ ở khoảng 10 đến 12 độ. Với điều kiện nhiệt độ như hiện nay rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không biết cách bảo vệ đúng cách, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Thực tế, có không ít ý kiến tranh luận giữa các phụ huynh khi bảo vệ con mùa đông đó là có nên đeo găng tay, tất chân cho con khi ngủ. Có quan điểm cho rằng việc đeo tất đi ngủ là không cần thiết vì đắp chăn đã đủ ấm, làm vậy sẽ khiến chân con bí bách, tích tụ khí. Tuy nhiên, có người lại cho rằng nên đeo tất cho con vì trẻ ngủ thường đạp chăn, bố mẹ ngủ say không biết nên việc bảo vệ không thừa.
TS Võ Tường Kha khuyên tùy thời tiết có thể lựa chọn tất dày, hoặc tất mỏng cho trẻ.
Trước tranh luận trên, tiến sĩ, bác sĩ (TS.BS) Võ Tường Kha – Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, thời tiết lạnh, dương khí trong người trẻ nhỏ và người cao tuổi dễ bị tổn hao, đặc biệt là người cao tuổi nên việc quàng khăn cổ, đeo găng tay, tất chân, đeo khẩu trang… để bảo vệ vùng mũi, cổ, miệng, tai, gáy, lòng bàn tay, bàn chân khi ra ngoài trời lạnh là vô cùng cần thiết.
“Đối với trẻ em, theo quan điểm đông y thường được gọi là “thuần dương vô âm”, có nghĩa là dương nhiều hơn phần âm nên nhiệt độ cơ thể thường rất nóng. Đó chính là lý do khi ngủ, trẻ thường không chịu đắp chăn, ít mặc áo ấm… Tuy nhiên, khi cơ thể trẻ em được thải nhiệt ra ngoài sẽ làm bề mặt cơ thể lạnh khiến co mạch, lỗ chân lông hở, do đó phong hàn dễ xâm nhập vào cơ thể (bì phu, vệ khí, phế vệ) gây nên cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên, ho ngạt mũi...
Vì vậy, để duy trì điều hòa khí huyết trong cơ thể trẻ em, nhất là trong mùa đông thì phải mặc ấm, mang tất, găng tay, khăn khi ra ngoài. Khi ngủ cần đeo tất, găng tay có độ dày phù hợp diễn biến thời tiết vì đêm nhiệt độ xuống thấp, vùng da dễ bị lạnh xâm nhập, dễ cảm lạnh, thậm chí đau xương khớp”, TS Võ Tường Kha khuyến cáo.
Đeo tất cho trẻ khi trời lạnh có thể phòng được phong hàn.
Vì sao trời lạnh hay đau vai gáy, các khớp trong cơ thể
TS Võ Tường Kha cho biết, khi thời tiết lạnh cơ thể con người sẽ thích nghi bằng cách co mạch, các lỗ chân lông đóng lại để giữ nhiệt trong cơ thể. Vì vậy, bộ phận nào trên cơ thể hở ra bên ngoài, không được bảo vệ sẽ bị thời tiết làm cho co mạch, co gân cơ...
Đặc biệt, ở vùng khớp, gân, dây chằng thường có ít mạch máu nuôi dưỡng nên lưu lượng máu tuần hoàn kém. Do đó, nếu những vùng này phơi nhiễm ở ngoài môi trường lạnh thì việc sưởi ấm các bộ phận này sẽ kém hơn, từ đó dẫn đến ứ trệ, giảm lưu thông tuần hoàn, gây ra đau nhức và tê bì.
Cũng theo TS Võ Tường Kha, trong y học cổ truyền, lạnh có nghĩa là hàn, khi hàn kết hợp với phong thì sẽ gây bệnh thường được gọi là phong hàn. Trong mùa đông các bệnh về xương khớp phát triển nhiều, đặc biệt là vùng chi trên và vai gáy.
Riêng đối với những người đau vùng vai gáy hay còn gọi là hội chứng vẹo cổ gáy cấp, trong y học cổ truyền thường gọi là chứng lạc chẩm. Nguyên lý gây bệnh vẫn là do bị phong hàn dẫn đến tình trạng tế tắc kinh mạch và gây đâu hoặc có thể xảy ra tình trạng tê bì...
Đau vai gáy mùa đông rất hay gặp.
Tránh đau xương khớp, cổ vai gáy mùa lạnh không khó
Để xử lý vấn đề nhiễm lạnh trong mùa đông, TS Võ Tường Kha cho rằng phải chú ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng vai gáy, vùng cổ, vùng mũi miệng… bằng cách dùng khăn hoặc khẩu trang. “Trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc đeo khẩu trang không chỉ giữ ấm vùng mũi miệng, mà còn là biện pháp phòng dịch hiệu quả trong phương châm 5K của phòng chống dịch SARS-CoV-2”, TS Kha khuyến cáo.
Riêng đối với vùng khớp, đặc biệt là vùng tay, chân thì cần giữ kín bằng cách đeo găng tay, tất chân. “Các đầu ngón tay, chân có huyệt gọi là huyệt tĩnh, đó là nơi khí huyết ra vào, phong hàn tà khí có thể xâm nhập gây ra tình trạng khí huyết bế tắc, không lưu thông được và đau nhức”, TS Kha phân tích.
Chính tình trạng bế tắc khí huyết gây đau nhức nên nhiều người thường hay dùng dầu (cao) có tính nóng để bôi vào khớp với mục đích chống lại hiện tượng co mạch, làm mạch máu lưu thông và giảm đau. Ngoài ra, có thể dùng cồn, rượu ngâm cùng một số vị thuốc có tính ôn, ấm, cay (tân, ôn, nhiệt) như quế chi, gừng, địa liền… để xoa bóp, ngâm chườm đắp giúp làm nóng huyệt, khớp để làm lưu thông khí huyết.
Ngoài ra, đối với y học hiện đại, đau cổ vai gáy cấp có thể dùng túi chườm nóng, đèn hồng ngoại hoặc dùng chai nước nóng ấm chườm vùng gáy,... nhằm giúp giãn mạch, giãn cơ, giảm đau. Với người có điều kiện có thể đến các cơ sở y tế tây y hoặc y học cổ truyền điều trị bằng cách dùng sóng ngắn, châm cứu, giác hơi…
Riêng đối với những người đau cổ vai gáy mãn tính, thường nguyên nhân bắt đầu từ đau cổ vai gáy cấp nhưng điều trị không triệt để, hoặc liên quan đến bệnh lý cơ, cột sống, đĩa đệm... Với trường hợp này cần phải đi thăm khám bác sĩ chuyên ngành để tìm ra nguyên nhân, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/tranh-cai-mua-dong-co-nen-deo-tat-cho-con-khi-ngu-gia...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn