Nắng nóng, trẻ nhỏ liên tục nhập viện vì viêm não
Ghi nhận tại khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhi Trung ương) dù mới đầu hè nhưng đã xuất hiện một số trẻ mắc bệnh viêm não. BS Ngô Anh Vinh cho biết, trong những ngày đầu nắng nóng, mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 4-5 ca viêm não, thậm chí có những ngày còn tiếp nhận nhiều hơn.
Cháu T.V.H. (4 tuổi, ở Hải Phòng) là một trong số những bệnh nhi đang được điều trị viêm não tại viện. Theo chia sẻ của gia đình, ban đầu cháu H. có biểu hiện sốt, lòng bàn tay, bàn chân nóng ran, sau đó mắt lờ đờ và dần lả đi.
Khi đi khám ở địa phương, các bác sĩ chẩn đoán là sốt virus, nhưng sau 1 tuần điều trị không khỏi, gia đình đưa ra Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám, các bác sĩ nghi ngờ mắc bệnh viêm não.
Qua các xét nghiệm và hình ảnh chụp chiếu, các bác sĩ khẳng định, cháu H. mắc bệnh viêm não và phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ đang thăm khám một trường hợp viêm não ở BV Nhi Trung ương.
Còn cháu Đ.M.Q. (3 tuổi) vừa được chuyển lên khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhi Trung ương) với biểu hiện liên tục quấy khóc, sốt cao, mất ý thức…
Mẹ bệnh nhân Q. chia sẻ, biểu hiện này của cháu đã xảy ra cách đây cả 1 tháng, nhưng khi đưa đến bệnh viện địa phương và điều trị theo phác đồ ở đây không khỏi. Khi cháu Q. ở trong tình trạng nặng, không tỉnh táo gia đình mới quyết định đưa ra bệnh viện nhi cấp cứu.
BS Ngô Anh Vinh cho biết, trường hợp bệnh nhi này với các biểu hiện lâm sàng thì không loại trừ khả năng mắc viêm não. “Để có kết luận cuối cùng, chúng tôi phải làm chụp não, thậm chí là chọc dịch não tuỷ, sau đó mới khẳng định cháu có mắc viêm não hay không”, BS Vinh thông tin.
Theo BS Vinh, đối với những trẻ khi vào viện được chẩn đoán mắc bệnh viêm não, các bác sĩ sẽ nhanh chóng điều trị cho trẻ, nhằm tránh được những di chứng về thần kinh có thể xảy ra.
Cảnh giác trước triệu chứng viêm não ở trẻ nhỏ
Viêm não là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hệ thần kinh trung ương. Có nhiều nguyên nhân gây viêm não, chủ yếu là do virus. Bệnh xuất hiện rải rác quanh năm, ở nhiều địa phương khác nhau, số người mắc bệnh có xu hướng tăng vào thời gian nắng nóng từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm.
Thông thường, những trẻ mắc viêm não thường xuất hiện các triệu chứng như: sốt, kém linh hoạt, buồn nôn, ho, chảy nước mũi… Khi bệnh tình nặng hơn, trẻ có thể xuất hiện thêm một số các biểu hiện như: co giật, rối loạn tri giác từ nhẹ đến nặng như ngủ gà, ngủ li bì, lơ mơ đến hôn mê, thậm chí có thể suy hô hấp hoặc sốc.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân và đặc biệt trẻ em khi có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa, nôn, các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương (co giật, li bì, tri giác lơ mơ, hôn mê, kém vận động…) cần đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Để phòng bệnh, cha mẹ cần đưa con đi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ. Cụ thể: mũi một lúc trẻ được một tuổi; mũi hai sau mũi một từ 1-2 tuần; mũi ba cách mũi hai 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Phòng tránh nhóm virus đường ruột thì cần chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến sạch, ăn chín và rửa tay trước khi ăn. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.
Khi ngủ phải mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn