Cậu bé Phạm Minh Long (9 tuổi, ở Hà Nội) sinh ra và lớn lên hoàn toàn bình thường, khi đi học Long vẫn vui đùa, chạy nhảy và học tập như bao chúng bạn cùng trang lứa.
Nhưng câu chuyện buồn bắt đầu xảy ra khi Long lên 9 tuổi. Mẹ Long cho biết, một buổi sáng thức dậy bỗng thấy con kêu đau nhức ở bên cẳng chân phải. Khi đó, gia đình nghĩ con đá bóng, hoặc chạy nhảy va đập nên đau chân. Ngay lập tức, Long được gia đình đưa đi nắn gân và đắp thuốc của một thầy lang.
Đến ngày thứ 2, sau khi ngủ dậy, cậu bé không bước được xuống giường, kiểm tra phát hiện chân phải của Long sưng tấy, đỏ mọng như quả cà chua, người sốt cao. Quá hoảng sợ, gia đình vội vàng đưa Long đến Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám. Tại đây sau khi làm siêu âm, các bác sĩ kết luận, cậu bé mắc căn bệnh nguy hiểm: viêm xương tủy nhiễm khuẩn.
Nghe được thông báo này từ phía bác sĩ, mẹ của Long chết lặng và ngã quỵ xuống ghế, vì cảm thấy khó tin. Ngay sau đó, Long đã được cho nhập viện điều trị.
Bác sĩ Tuấn Anh khám cho một bệnh nhi.
BS CKII Lê Tuấn Anh - Phó Trưởng khoa Chỉnh hình nhi, người trực tiếp tiến hành khám cho bé Long cho biết, khi tiếp nhận, Long đã ở trong tình trạng sốt cao không dứt, cẳng chân phải sưng to, nóng, đỏ, phải chỉ định siêu âm.
Các bác sĩ kết luận cháu mắc bệnh viêm xương tủy nhiễm khuẩn đường máu cấp tính do vi khuẩn tụ cầu vàng. Sau khi hội chẩn, Long được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Mục tiêu của ca phẫu thuật là giải phóng mủ trong xương và các mô mềm, tưới rửa xương bằng dung dịch kháng sinh để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm lan rộng.
Kết thúc ca phẫu thuật, tình trạng nhiễm khuẩn của Long đã cải thiện đáng kể, không còn sốt. Đến nay, sau 17 lần ra vào viện tái khám và điều trị, cậu bé đã có thể vận động, đi lại và quay về cuộc sống học tập như bạn bè đồng trang lứa.
“Tháng 5/2018 là lần tái khám cuối cùng của con. Nghe bác sĩ thông báo chân con hoàn toàn bình phục mà tôi mừng rơi nước mắt”, mẹ cậu bé xúc động chia sẻ.
BS Tuấn Anh cho biết, viêm xương tủy cấp tính là nhiễm khuẩn huyết viêm ở tất cả các thành phần của xương do vi khuẩn sinh mủ không đặc hiệu gây nên. Bệnh hay gặp ở các xương dài như xương đùi, xương chày, xương cánh tay. Bệnh này nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại các biến chứng nghiêm trọng ở toàn thân và tại chỗ.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm có khoảng 100 trường hợp trẻ mắc bệnh lý về viêm xương. Nguyên nhân gây bệnh phổ biến là do bệnh nhi nhiễm khuẩn tụ cầu vàng, một loại vi khuẩn kháng thuốc cao.
“Đây là bệnh cần điều trị lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và tuân thủ phác đồ điều trị nghiêm ngặt của gia đình người bệnh”, BS Tuấn Anh chia sẻ.
BS Tuấn Anh khuyến cáo, viêm xương tủy nếu không điều trị kịp thời hoặc điều trị không đầy đủ có thể gây viêm rò kéo dài, mất đoạn xương, biến dạng chi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận động sinh hoạt hàng ngày.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn