Trong cuộc sống hàng ngày, đường luôn có mặt trong mọi thực phẩm và nhiều loại đồ uống, thậm chí đường còn được ví là chất gây nghiện với nhiều người, nhất là trẻ nhỏ. Theo khuyến cáo của WHO, lượng đường tiêu thụ của một người trưởng thành nên dưới 20 gram/ngày. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây vẫn còn ở mức cao và cần giảm nửa lượng đường tiêu thụ.
Bởi nếu dùng đường quá nhiều và thường xuyên sẽ gây nên những bệnh lý và tác hại không lường đối với sức khỏe. Ăn nhiều đồ ngọt sẽ gây thừa cân, béo phì do đường gây ức chế tế bào, đốt chất béo và tăng lượng insulin gây rối loạn trao đổi chất trong cơ. Ngoài ra, đường còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh gút.
Bác sĩ Doãn Thị Tường Vi – Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng Việt Nam cho biết đa phần các món ăn, đồ ăn ngọt đều hấp dẫn mọi người, nhất là ở trẻ. Điển hình như việc trẻ luôn thích ăn nhiều kẹo, nước ngọt có ga, còn với thanh niên thì luôn thích các loại đồ uống như trà sữa, chè….
Thống kê cho thấy uống 1 cốc trà sữa 500ml bằng lượng đường sử dụng trong 2 ngày.
Bác sĩ Tường Vi cảnh báo việc ăn quá nhiều đồ ngọt, cơ thể sẽ bị dư thừa đường và có thể gây viêm gan như uống rượu. Sử dụng những loại đồ ngọt như bánh mứt kẹo, trà sữa quá nhiều và diễn ra trong thời gian dài, nguy cơ viêm gan sẽ càng cao. Còn đối với các loại hoa quả có vị ngọt, dù cũng có lượng đường nhưng không ảnh hưởng bằng các loại đồ ngọt như đã nói trên, tuy nhiên bác sĩ Vi cũng khuyến cáo không nên ăn nhiều.
“Khi ăn các đồ ngọt có chứa nhiều đường, sau quá trình tiêu hóa, cơ thể sẽ hấp thu và chuyển đến gan để chuyển hóa và lưu giữ. Nếu cơ thể thiếu đường thì nó sẽ xuất ra cho cơ thể.
Tuy nhiên, nếu ăn nhiều tích tụ lại sẽ gây nên các bệnh lý về gan, điển hình như thừa đường sẽ khiến gan nhiễm mỡ ngày càng nặng hơn. Không chỉ hại cho gan, đường còn cung cấp nhiều năng lượng, nhất là các loại đồ uống có ga chứa nhiều calo rỗng làm ảnh hưởng men răng, nguy cơ thừa cân, béo phì, các bệnh trong hội chứng chuyển hóa như gút…”, bác sĩ Tường Vi cảnh báo.
Bánh kẹo chứa lượng đường rất lớn nhưng trẻ vô cùng yêu thích.
Vị chuyên gia này cũng cho biết chế độ ăn thừa và thiếu đường đều không tốt cho cơ thể. Bởi nếu cơ thể thiếu đường sẽ ảnh hưởng tới chức năng của một số bộ phận trong cơ thể. Vì vậy, ăn đủ đường là các tốt nhất bảo vệ cơ thể.
Bác sĩ Vi cho biết việc khuyên người dân không nên ăn quá nhiều đường là cần thiết, tuy nhiên điều đó là chưa đầy đủ vì nhiều người hiểu sai khi chỉ hạn chế ăn đường kính, đường viên. Theo đó, việc hạn chế ăn đường cần phải hạn chế cả những sản phẩm chứa đường như bánh kem, socola, đồ ăn nhanh, bánh kẹo, nước ngọt,….
Với trẻ nhỏ, việc hạn chế các đồ ăn ngọt không hề dễ dàng, nhưng các phụ huynh có thể khuyên con không nên sử dụng quá nhiều các đồ như bánh kẹo, trà sữa, nước uống chứa đường… thay vào đó là ăn các loại hoa quả (không nên sử dụng quá nhiều).
Ngoài ra, không nên sử dụng ngay sau bữa ăn hoặc trước bữa ăn của trẻ, bởi nhiều trẻ ăn đồ ngọt trước bữa ăn sẽ gây ngang bụng, có cảm giác chán ăn trong bữa chính, từ đó dẫn tới không bổ sung đủ các nhóm chất cho cơ thể. “Tốt nhất với trẻ nhỏ cần hạn chế tối đa việc ăn đồ ngọt, bởi lượng đường có trong thực phẩm cũng đã đủ cho cơ thể của trẻ”, bác sĩ Tường Vi khuyên.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/do-an-thuc-uong-van-nguoi-me-hai-gan-hon-ca-uong-ruou...
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn