Trẻ thiếu sự quan tâm rất dễ tự sát theo “thách thức Momo”
Những ngày gần đây, trên khắp các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội liên tục xuất hiện lời cảnh báo liên quan đến “thử thách Momo”. Thử thách này càng “nóng” hơn khi ở một số quốc gia trên thế giới xuất hiện việc trẻ em tự làm hại bản thân sau khi xem trò đùa đáng sợ này.
Tại Việt Nam tuy chưa xuất hiện trường hợp nào làm theo lời xúi giục của “thử thách Momo” để tự hủy hoại bản thân, tuy nhiên việc xuất hiện tràn lan các hình ảnh, clip trên Youtube cũng khiến nhiều ông bố mà mẹ cảm thấy “giật mình”.
Trao đổi với phóng viên về tác hại khi trẻ tiếp xúc với những clip hướng dẫn bạo lực hay “thử thách Momo” trên mạng, bác sĩ Lê Đào Nghĩa – Chuyên gia tâm lý trẻ nhỏ (Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương) khẳng định: “Trẻ nhỏ khi tiếp xúc với các clip như trên mạng xã hội chia sẻ những ngày vừa qua là rất nguy hiểm”.
Quais vật Momo đang khiến các mẹ lo lắng.
Theo phân tích của BS Nghĩa, ở trẻ nhỏ nhất là tuổi từ 3-5 thường có khuynh hướng bắt chước (học theo) rất nhanh. Trong đó có thể là học theo cái xấu, hoặc học theo cái tốt. Nhưng thực tế cho thấy việc học cái xấu rất dễ và nhanh hơn, ví dụ như ra ngoài thấy bạn nói bậy thì trẻ có thể bắt chước về nhà nói bậy rất nhanh.
Riêng với thách thức tự sát của Momo, BS Nghĩa cho rằng nếu trẻ được tiếp cận thì chắc chắn bị ảnh hưởng. Đặc biệt là những đứa trẻ cô đơn, không có sự giao lưu, thiếu tình cảm của bố mẹ và trẻ bị trầm cảm.
“Thậm chí ngay cả đứa trẻ sống trong môi trường và nhận thức bình thường cũng dễ bị ảnh hưởng và làm theo thách thức này. Bởi nhận thức của trẻ chưa hoàn thiện, chưa hiểu về cái chết. Các cháu vẫn nghĩ chết xong sẽ được hồi sinh như trong chuyện cổ tích và cứ thể làm theo. Điều này vô cùng nguy hiểm, có thể để lại hậu quả đáng tiếc.
Còn những đứa trẻ cô đơn, chán nản, không được quan tâm thì càng dễ bị dụ dỗ hơn. Chúng nghĩ tự sát là để giải thoát và sẵn sàng làm theo “lệnh” của một ai đó”, BS Nghĩa phân tích.
BS Lê Đào Nghĩa cho rằng phụ huynh cần kiểm soát trẻ trong việc xem các nội dung trên mạng.
Trong trường hợp trò chơi này không gây ra cái chết thì vẫn ảnh hưởng rất lớn đến trẻ. Đó là những sức ép về mặt tinh thần, thậm chí sang chấn tâm lý... Bởi trò chơi cũng có yếu tố “gây nghiện”, khi tham gia vào trò chơi đó, não tiết ra các chất tạo cảm giác thăng hoa, thoải mái, cứ rời khỏi đó là cảm thấy khó chịu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, sinh hoạt và học tập của trẻ.
Bố mẹ phải làm gương cho trẻ
Để giải quyết vấn đề này, BS Nghĩa cho rằng gia đình và nhà trường đóng vai trò then chốt. Đối với gia đình cần phải kiểm soát được trẻ xem clip có nội dung gì. Tuyệt đối, không cho trẻ xem các hình ảnh, clip có nội dung bạo lực, không mang tính giáo dục.
“ Để làm được điều đó không phải đơn giản. Thực tế hiện nay công nghệ đã phủ sóng rộng khắp, ngay cả bố mẹ cũng không rời xa được điện thoại thì làm sao cấm được con trẻ.
Hơn nữa trẻ bây giờ rất thông minh, có thể tự mở và sử dụng thiết bị điện tử từ rất nhỏ. Khi vào được mạng, trẻ sẽ đi “lang thang” trên đó nên rất dễ bị cám dỗ.
Vì thế, bố mẹ không còn cách nào khác là phải dạy dỗ, kiểm soát trẻ và phải hướng dẫn trẻ đi đúng đường. Hơn thế nữa là hãy hạn chế dùng điện thoại vào mạng trước mặt con, mà hãy dành thời gian quan tâm con nhiều hơn”, BS Nghĩa nói.
Về phía nhà trường cần kết hợp gia đình giáo dục, tuyên truyền cho trẻ dần hiểu và hình thành ý thức, biết chọn lọc thông tin. “Nói gì thì nói, mạng xã hội vẫn có hai mặt tốt và xấu, điều quan trọng là phải làm sao đẩy mạnh mặt tốt, hạn chế mặt xấu đối với trẻ”, BS Nghĩa chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn