Số mũi đã tiêm toàn quốc
52.547.136
Số mũi tiêm hôm qua
1.092.808
Nam Định phát hiện sản phụ dương tính COVID-19 chưa xác định được nguồn lây, tải lượng virus rất cao
Ngày 8/10, tại Trung tâm Y tế huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định đã phát hiện một trường hợp dương tính SARS-CoV-2 . Bệnh nhân được xác định là V.T.N (23 tuổi, trú tại xóm 17, xã Giao Thiện, huyện Giao Thuỷ).
Vào ngày 4/10, chị N vào Trung tâm Y tế huyện Giao Thuỷ để chờ sinh và qua 3 lần test nhanh COVID-19 đều cho kết quả âm tính.
Ngày 6/10 được chỉ định sinh mổ, đến chiều ngày 8/10 sản phụ có dấu hiệu sốt, kèm rát họng... nên Trung tâm Y tế huyện Giao Thuỷ đã tiến hành test nhanh COVID-19 cho kết quả dương tính.
Tiếp đó lấy mẫu xét nghiệm PCR khẳng định kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân này chưa xác định được nguồn lây, qua điều tra dịch tễ xác định được 31 F1 (gồm nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân và các sản phụ chờ sinh tại Khoa sản Trung tâm Y tế huyện Giao Thuỷ).
Để kịp thời khống chế dịch bệnh, ngay trong đêm 8/10 các lực lượng phòng chống dịch của huyện Giao Thuỷ và các địa phương đã tập trung tối đa nhân lực triển khai truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, phong tỏa đối với cụm dân cư nơi gia đình ca bệnh sinh sống gồm 7 hộ 25 nhân khẩu và khu dân cư thuộc xóm 17 xã Giao Thiện.
Ảnh minh họa.
Trung tâm Y tế huyện Giao Thuỷ cũng tiến hành phong tỏa từng khoa phòng, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm liên tiếp từng ngày đối với nhân viên y tế, bệnh nhân đang điều trị và người nhà bệnh nhân.
Trường hợp F1, F2 có nguy cơ cao tiến hành xét nghiệm PCR theo đúng hướng dẫn. Hiện, Trung tâm Y tế huyện Giao Thuỷ từ ngày 9/10 dừng tiếp nhận bệnh nhân.
Ngay chiều tối qua UBND xã Giao Thiện cùng các đơn vị chức năng tiến hành thiết lập vùng cách ly y tế đối với 7 hộ và 25 nhân khẩu tại khu vực gia đình sản phụ N sinh sống. Theo lãnh đạo UBND xã Giao Thiện cho biết, hiện các đơn vị chức năng đang xác định nguồn lây đối với bệnh nhân N. Trong thời gian qua, sản phụ này chỉ ở nhà, không tiếp xúc với người về từ vùng dịch, gia đình cũng không có người về từ vùng dịch.
(Theo Người đưa tin)
Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc
Sáng 9/10, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã tổ chức cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Tại cuộc họp này, Ban chỉ đạo quốc gia sẽ đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch từ sau ngày 25/9 đến nay; vấn đề tổ chức cho người dân về quê theo nguyện vọng; hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; công tác bảo đảm an sinh xã hội, tổ chức giao thông, lưu thông hàng hóa trong những ngày tới...
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình dịch bệnh trong 2 tuần vừa qua, những việc đã làm được, chưa làm được, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm.
Đồng thời, dự báo tình hình sắp tới, xác định nhiệm vụ, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất toàn quốc trong phòng chống dịch, tiếp tục định hướng công việc trong những tuần tới. Đây là thời điểm hết sức quan trọng, nhất là sau Hội nghị Trung ương 4 đã bàn rất kỹ, thảo luận rất sôi nổi về công tác phòng chống dịch.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 25/9–08/10, số ca mắc trong cộng đồng giảm 44,7% so với 2 tuần trước, giảm 47,3% so với 1 tuần trước đó. Trong tuần, Hà Nội ghi nhận 5 ca (giảm 10 ca so với tuần trước); TP. Hồ Chí Minh 15.070 ca (giảm 14.766); Bình Dương 400 ca (giảm 559); Đồng Nai 41 ca (giảm 19); Khánh Hòa 8 ca (giảm 57), Kiên Giang 13 ca (giảm 18).
Đến nay tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát được tình hình. Tại Tp.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca nhiễm mới và tử vong đã giảm rõ rệt.
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; an toàn trật tự xã hội được giữ vững; đời sống của nhân dân trong vùng dịch được ổn định, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được giữ vững.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến khó lường; nguy cơ dịch bệnh gia tăng và bùng phát trở lại có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đợt dịch tiếp theo.
(Theo Người đưa tin)
Quảng Ninh hỗ trợ 100% kinh phí xét nghiệm, cách ly người về từ vùng dịch
Tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn cho biết, tỉnh sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, hỗ trợ tối đa để đón tất cả người dân là công dân tỉnh Quảng Ninh và gia đình đang sinh sống, làm việc tại một số tỉnh khu vực phía Nam (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai,...) có nhu cầu trở về địa phương.
Hiện các cấp chính quyền Quảng Ninh đã thông báo tới gia đình có người dân muốn được trở về để gia đình hoặc người dân có nguyện vọng đăng ký danh sách. Khi người dân từ vùng dịch về, UBND cấp huyện sẽ tổ chức đưa người dân từ chốt kiểm soát của tỉnh về nơi cách ly tập trung của cấp huyện.
Chốt kiểm soát sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để người từ vùng dịch về Quảng Ninh
Sau khi được cách ly tập trung, xét nghiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cộng đồng theo quy định, người dân về cách ly tại nhà 7 ngày và tiếp tục theo dõi y tế 7 ngày.
Công văn của UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Toàn bộ kinh phí thực hiện xét nghiệm sàng lọc (đối với cả trường hợp cách ly tập trung và cách ly y tế, theo dõi sức khoẻ tại nhà), kinh phí tổ chức cách ly tập trung (nếu có, bao gồm kinh phí ăn uống, lưu trú, ...) của người dân từ vùng dịch về Quảng Ninh trở về địa bàn do UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí; người dân không phải chi trả.
Trường hợp công dân thực hiện cách ly tại nơi cư trú có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, cần trợ giúp, UBND cấp xã chủ động nắm bắt thông tin, báo cáo UBND cấp huyện để có giải pháp hỗ trợ toàn bộ lương thực, thực phẩm thiết yếu để đảm bảo thực hiện cách ly an toàn, đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Công văn của UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có người dân đăng ký trở về khẩn trương phối hợp cùng gia đình bố trí phương tiện đón công dân; bố trí lực lượng thường trực tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch của tỉnh để kịp thời tiếp nhận, đưa về địa phương.
Trường hợp người từ vùng dịch về có phương tiện đi lại bằng ô tô đảm bảo an toàn phòng, chống dịch thì có thể cho phép di chuyển về nơi cách ly để giảm thiểu thời gian chờ đợi. Sau đó, thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; bố trí cách ly y tế tập trung hoặc tổ chức cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có người từ vùng có dịch về địa phương tổng hợp, đề nghị Sở Y tế bố trí nguồn vaccine tiêm ngay cho người dân theo chỉ định; kịp thời hỗ trợ những trường hợp đặc biệt khó khăn khi trở về địa phương về ăn ở, sinh hoạt, việc làm, đào tạo nghề, học tập...
Đối với các trường hợp F0 (nếu có), UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện số 2 sẵn sàng tiếp nhận, điều trị.
(Theo Báo Giao thông)
TP.HCM tính toán trở về "bình thường" nếu sau 15/10 dịch ổn định
Tối 8/10, trong buổi livestream chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã đối thoại, giải đáp những thắc mắc của người dân.
Với chủ đề “Khôi phục kinh tế trong điều kiện bình thường mới”, chương trình thu hút gần 8.000 người xem với khoảng 1.900 bình luận trên Fanpage của Trung tâm Báo chí thành phố.
Trao đổi tại chương trình, bà Phan Thị Thắng cho biết, sau 8 ngày nới lỏng nhiều hoạt động thì lãnh đạo thành phố mong muốn người dân, doanh nghiệp giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh và cùng thành phố kiềm chế dịch bệnh, khôi phục trở lại.
"Từ nay đến 15/10, nếu tình hình dịch bệnh ổn định thì thành phố sẽ tính toán mở thêm những bước gì tiếp theo để không còn phải nói "bình thường mới" mà là bình thường", Dân Trí dẫn lời bà Thắng nói.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng mong muốn thành phố sẽ sớm trở lại vị thế mạnh mẽ như trước và chia sẻ được thật nhiều với người dân, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay 3 tháng qua không chỉ người dân, doanh nghiệp, mà cả chính quyền thành phố cũng khó khăn.
“Toàn bộ những dự toán kinh phí phòng chống dịch bệnh, dù đầu năm có tính toán nhưng không ai tiên lượng dịch bệnh phức tạp, xảy ra đến như thế này. Ngay cả ngân sách của thành phố cũng khó khăn", Tuổi Trẻ Online dẫn lời bà Thắng cho hay.
Trước thắc mắc về kế hoạch hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho hay các doanh nghiệp phản ánh tại Ngân hàng Nhà nước để tìm hiểu các chính sách hỗ trợ, giảm, giãn nợ, khoanh nợ, không cho nhảy nhóm nợ...
Theo bà Thắng, thành phố đã làm việc với hệ thống các ngân hàng để ban hành các thông tư 01, 03 và 14 để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tập trung vào các hạng mục chính là giãn, giảm, khoanh nợ và không cho nhảy nhóm nợ đối với các doanh nghiệp đang vay vốn.
Riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh, cá nhân có nhu cầu tiếp cận vốn cần liên hệ với các ngân hàng chính sách, các tổ chức hội đoàn ngay trên địa bàn đăng ký nhu cầu.
Theo kế hoạch của thành phố, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh sẽ được cho vay không quá 2 tỉ đồng, cá nhân không quá 100 triệu đồng.
Còn các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo… cũng sẽ được vay nhiều lần, nhưng tổng số lần vay không quá 100 triệu đồng với lãi suất 0,5%/tháng.
(Theo Người đưa tin)
TP.HCM: Vừa nới lỏng giãn cách, phố đi bộ Nguyễn Huệ đông nghẹt người đi... giải stress
Tối 8/9, khoảng 1 tuần sau khi TP.HCM nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội và thực hiện Chỉ thị 18, người dân ùn ùn đổ ra đường khiến nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố đông nghẹt, gây ra tình trạng ùn ứ, kẹt xe.
Đặc biệt, trên đường Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé, quận 1), người dân từ các quận đổ về rất đông nên khi có tín hiệu đèn đỏ, tuyến đường này kẹt cứng, các phương tiện nhích từng chút một. Theo ghi nhận, đa số người dân ra đường thời điểm này là giới trẻ, gia đình trẻ chở thêm con nhỏ.
Đường Nguyễn Huệ đông nghẹt người trong đêm 8/9.
Ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ, bất chấp dịch bệnh vẫn căng thẳng, nhiều người dân đã tụ tập thành từng nhóm, cười nói rôm rả với nhau. Nhiều bạn trẻ tấp xe máy trên vỉa hè đường Nguyễn Huệ để gặp gỡ, chuyện trò với nhau sau thời gian dài giãn cách.
Ngoài ra, nhiều người bán nước, đồ ăn vặt, bán hàng rong… cũng cho khách ngồi ăn uống tại chỗ rất mất an toàn trong lúc dịch bệnh vẫn còn khá phức tạp.
Để đảm bảo trật tự an ninh và thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngay trong đêm, đội cảnh sát giao thông (CSGT) trật tự - Công an quận 1, TP.HCM đã phối hợp với lực lượng vũ trang quận 1 tuần tra, nhắc nhở, xử lý người dân vi phạm trên địa bàn quận.
Trong đêm 8/10, nhiều trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trên phố đi bộ Nguyễn Huệ đã bị lực lượng chức năng lập biên bản xử lý. Trong đó, nhiều trường hợp tham gia giao thông không đội nón bảo hiểm, không có giấy tờ, đậu xe sai quy định...
Khoảng 20h cùng ngày, phát hiện một người đàn ông chở theo vợ và con nhỏ dưới 10 tuổi lưu thông trên đường nhưng không đội nón bảo hiểm nên CSGT đã áp sát, mời vào vỉa hè để kiểm tra.
Tại đây, CSGT đã kiểm tra giấy tờ và nhắc nhở không nên đưa con nhỏ ra đường thời điểm dịch bệnh rất nguy hiểm vì trẻ em chưa được tiêm vaccine. Bên cạnh đó, CSGT đã lập biên bản xử phạt người đàn ông trên về lỗi không đội mũ bảo hiểm cho người ngồi phía sau.
Tương tự, phát hiện một xe máy chở 3 người nên CSGT cũng mời vào làm việc. Tại đây, cả 3 thiếu niên trên xe đều không có giấy tờ tùy thân, không có giấy phép lái xe, chưa đủ 18 tuổi… nên tổ công tác đã đưa cả 3 về trụ sở công an phường để xác minh.
Ngoài ra, đội CSGT cũng tiếp tục tuần tra và kiểm soát các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập trên đường Nguyễn Huệ. Tại đây, nhiều thanh niên không xuất trình đầy đủ giấy tờ có liên quan nên công an đã đưa những người này về trụ sở công an phường.
Nhiều xe máy dựng dọc trên đường Nguyễn Huệ được tổ công tác phát loa thông báo để người dân di chuyển. Nhưng cũng có nhiều phương tiện do chủ nhân đang đi dạo, không có mặt để di chuyển nên đội CSGT đã liên hệ lực lượng đô thị phường có mặt, đưa các xe máy trên về trụ sở.
(Theo Dân Việt)
Bộ GTVT "chốt" bay nội địa từ 10/10, mỗi ngày có 38 chuyến
Khách bay phải có xét nghiệm âm tính, đã tiêm đủ 2 liều vắc xin
Quy định mới của Bộ GTVT áp dụng đối với hoạt động vận tải hành khách nội địa bằng đường hàng không trên phạm vi toàn quốc và thực hiện thí điểm từ ngày 10/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021. Sau một thời gian thực hiện, Bộ GTVT sẽ đánh giá và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế giai đoạn tiếp theo.
Khách đi máy bay trong giai đoạn thí điểm phải tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày)
Trong thời gian thí điểm, các hãng hàng không tiếp nhận vận chuyển hành khách có nhu cầu đi lại phục vụ quá trình phục hồi kinh tế theo thứ tự ưu tiên: hoạt động công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân và các đối tượng khác.
Khách phải tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19); Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay;
Cùng đó, hành khách cũng phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, hoàn thành bản cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát theo mẫu.
Hành khách không tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng...
Điều kiện tương tự về tiêm vắc xin và xét nghiệm cũng được áp dụng với tổ bay. Sau chuyến bay, trường hợp tổ bay thực hiện chuyến bay khứ hồi trong ngày thì không cần xét nghiệm khi quay lại điểm đi, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe cho đến chuyến bay tiếp theo. Nếu có biểu hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng... thì thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.
Nếu cư trú tại địa phương, tổ bay được về nhà, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe cho đến chuyến bay tiếp theo. Nếu lưu trú tạm thời thì hãng hàng không phải bố trí nơi lưu trú đảm bảo phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trường hợp chuyến bay có hành khách, thành viên tổ bay dương tính với SARS-CoV-2: thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và của Bộ Y tế.
Thí điểm từ 10/10, mỗi ngày 38 chuyến bay
Quyết định của Bộ GTVT cũng nêu rõ sẽ thí điểm từ ngày 10/10/2021 đến hết ngày 20/10/2021. Trong thời gian này, mỗi ngày sẽ có 38 chuyến bay, gồm 13 chuyến từ TP.HCM đi các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hoà, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hoá, Hải PHòng, Phú Quốc, Gia Lai, Rạch Giá với tần suất 1 chuyến khứ hồi mỗi ngày.
Từ Hà Nội mỗi ngày có 1 chuyến khứ hồi đi TP.HCM và một chuyến khứ hồi đi Đà Nẵng. Ngoài ra còn có 1 chuyến khứ hồi Đà Nẵng - Cần Thơ, 1 chuyến khứ hồi Đà Nẵng - Đắk Lắk, 1 chuyến khứ hồi Hà Nội - Cần Thơ và một chuyến khứ hồi Thanh Hoá - Lâm Đồng.
Riêng đường bay Hà Nội - Cần Thơ sẽ được khai thác linh hoạt khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong thời gian thực hiện thí điểm, Bộ GTVT sẽ tổng hợp tình hình, sơ kết đánh giá, phối hợp các địa phương để đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch khai thác cho phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn tiếp theo.
(Theo Báo Giao thông)
TP HCM: Quy định mới về xét nghiệm Covid-19 khi khám chữa bệnh tại bệnh viện
Sở Y tế TP HCM đã có văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế trên địa bàn TP về hướng xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các cơ sở khám chữa bệnh trong tình hình mới.
Theo đó, tại khoa khám bệnh, khoa cấp cứu và các đơn vị điều trị trong ngày của các cơ sở y tế, chỉ thực hiện khai báo y tế điện tử, tổ chức phân luồng, sàng lọc đối với tất cả người bệnh khi đến khám theo quy định của Bộ Y tế; chú ý khai thác các triệu chứng, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 để làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm
Đối với trường hợp cấp cứu, cần ưu tiên can thiệp ngay. Sau khi người bệnh ổn định, cần xem xét chỉ định làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên nếu có triệu chứng nghi ngờ. Đối với trường hợp cần can thiệp thủ thuật, phẫu thuật tại khu vực điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày (phẫu thuật trong ngày, chạy thận nhân tạo, kỹ thuật có tạo khí dung, khám thăm dò chức năng hô hấp, nội soi dạ dày, khám chữa bệnh răng miệng) thì có chỉ định làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên để quyết định nơi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật phù hợp.
Đối với người bệnh có chỉ định nhập viện, các cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm RT-PCR (mẫu đơn hoặc mẫu gộp không quá 10) cho người bệnh và người chăm sóc đi kèm trước khi nhập viện. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, người bệnh được điều trị ngay theo phác đồ tại khu cách ly tạm của khoa khám bệnh hoặc buồng cách ly của các khoa lâm sàng.
Lưu ý, đối với trường hợp người bệnh cần can thiệp thủ thuật, phẫu thuật tại các khu vực điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày hoặc có chỉ định nhập viện, nếu người bệnh và người chăm sóc đã có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu) và không có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 thì không cần làm xét nghiệm lại.
Tại khu vực điều trị nội trú và các khoa, phòng khác, thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên ngay khi phát hiện nhân viên, người lao động, người bệnh, người chăm sóc có triệu chứng nghi ngờ. Thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn cho tất cả các trường hợp viêm phổi diễn tiến nhanh, suy hô hấp không giải thích được.
(Theo Người lao động)
TP HCM chỉ còn 1 quận chưa kiểm soát được dịch Covid-19
Ngày 8-10, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, Trưởng Đoàn kiểm tra công tác kiểm soát dịch Covid-19 số 18, đã ký báo cáo, đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP HCM tạm thời chưa công nhận quận Bình Tân kiểm soát được dịch bệnh.
Trước đó, vào ngày 30-9, đoàn kiểm tra đã làm việc với UBND quận Bình Tân, ghi nhận những kết quả tích cực của quận này trong thời gian qua.
Đối chiếu với bộ tiêu chí theo Quyết định 3979/2021 của Bộ Y tế, quận Bình Tân đạt về chỉ số kéo giảm 50% số ca nhiễm mắc mới so với tuần cao nhất của đợt dịch, song tính theo chu kỳ 7 ngày, số ca nhiễm từ ngày 22-9 đến 27-9 lại tăng, vẫn còn ghi nhận nhiều ca dương tính.
Về tiêu chí tỉ lệ số mẫu xét nghiệp dương tính trên số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày thì quận Bình Tân đạt. Quận cũng không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới trong 7 ngày.
Về nhóm chỉ số nguy cơ lây nhiễm, tiêu chí này yêu cầu đánh giá mức độ nguy cơ theo cấp phường nhưng quận Bình Tân lại đánh giá theo khu phố, tổ dân phố là chưa phù hợp.
Đoàn kiểm tra lưu ý trong thời gian tới, Bình Tân tiếp tục xét nghiệm thần tốc, tập trung trọng tâm vào các "vùng vàng", "vùng đỏ"; quan tâm công tác chăm sóc cho người nhiễm; nghiên cứu hình thức cách ly phù hợp, nhất là đối với các khu vực nhà trọ có nhiều ca nhiễm…
(Theo Người lao động)
.content .btn-cv19-link *{box-sizing:border-box}.content .btn-cv19-link{max-width:700px;margin:20px auto}.btn-cv19-link{border-top:1px solid #dfdfdf;margin:20px 0}.btn-cv19-link p{display:flex;padding:15px 0 0;margin:0 -5px !important}.btn-cv19-link p a{flex:0 0 33.33%;max-width:33.33%;padding:0 5px;position:relative}.btn-cv19-link p a img{vertical-align:middle;height:36px !important}.btn-cv19-link p a:before{content:"";position:absolute;top:-16px;left:0;width:100%;height:2px;background:#e28aa5;transition:all ease .5s;transform:scale(0)}.btn-cv19-link p a:hover:before{transform:scale(1)}
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/covid-19-910-phat-hien-san-phu-duong-tinh-covid-19...
Dịch COVID-19
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn