Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho một bé trai 3 tuổi, bị tắc ruột do giun. Trước khi nhập viện bé trai này mệt mỏi, chướng bụng và đau bụng quặn thành từng cơn.
Khi vào viện các bác sĩ tiến hành siêu âm phát hiện có búi giun trong lòng ruột nên chỉ định cho uống thuốc tẩy giun. Sau uống thuốc, bé trai nôn ra cả búi giun, bụng chướng tăng dần và tiếp tục đau. Khi chụp X-quang ổ bụng, bác sĩ kết luận trẻ bị tắc ruột do giun, chỉ định phẫu thuật gắp giun.
Các bác sĩ cho biết, khi mở ra giun chiếm hầu hết lòng ruột non, đại tràng, cách góc hồi manh tràng 10cm, đặc biệt có nhiều búi lớn gây tắc lòng ruột. Số giun gắp ra có khối lượng hơn 400g. Sau mổ, bệnh nhi được nuôi dưỡng tĩnh mạch, sử dụng kháng sinh, chăm sóc tích cực, hiện tình trạng sức khoẻ đã ổn định.
Các bác sĩ tiến hành gắp giun trong ruột bệnh nhân.
Các bác sĩ cũng cho biết, trường hợp của bé trai trên là hi hữu, nhưng cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng thiếu kiến thức trong chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cho trẻ em, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi...
TS Đỗ Trung Dũng – Trưởng khoa Ký sinh trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương) cho biết, hiện nay tuy tỷ lệ nhiễm giun ở Việt Nam đã giảm so với cách đây 10 năm về trước. Tuy nhiên, vẫn có những địa phương còn có tỷ lệ nhiễm khá cao, chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền núi, điều kiện sống chưa cao.
TS Dũng cho rằng, hiện nay không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng đang chủ quan hoặc quên không chú ý đến việc tẩy giun theo định kỳ. “Tất cả mọi người đều có khả năng nhiễm giun, hiện Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về việc tẩy giun trong cộng đồng, đặc biệt là cho trẻ từ 1 tuổi trở lên.
Còn việc tẩy giun thì ai cũng phải làm, tuy nhiên đối tượng nhiễm giun nhiều là trẻ em. Những nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, ở lứa tuổi trẻ tiểu học tại một số địa phương như Nghệ An, Yên Bái, Hà Giang… có tỷ lệ nhiễm giun vẫn còn cao”, TS Dũng nhấn mạnh.
Cảnh báo về việc người lớn không tẩy giun, TS Dũng nói: “Không chỉ trẻ em, mà người lớn cũng có nguy cơ nhiễm giun rất lớn, nếu người lớn không tẩy giun thì sẽ có nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng rất cao.
Hiện có 3 đối tượng chính mà chúng tôi đang hướng tới đó là, trẻ mầm non từ 2-6 tuổi, thứ 2 là học sinh tiểu học và thứ 3 là phụ nữ mang thai. Mặc dù đây là đối tượng ưu tiên, nhưng người lớn cũng phải tẩy giun theo đúng định kỳ 6 tháng 1 lần”, TS Dũng khuyến cáo.
Một vấn đề khá nhiều người quan tâm hiện nay đó là độ an toàn của thuốc tẩy giun, TS Dũng cho rằng, thuốc tẩy giun hiện nay an toàn hơn ngày xưa rất nhiều, nên mọi người hoàn toàn yên tâm.
“Nếu như ngày xưa thuốc giun gây độc thần kinh cho giun nên ít nhiều gây ảnh hưởng đến người, nhưng hiện nay thuốc giun có cơ chế làm giảm hấp thu glucose, từ đó làm giảm hấp thu năng lượng khiến giun chết dần. Bởi vậy, thuốc tẩy giun khá an toàn”, TS Dũng nói.
Dù an toàn, nhưng TS Dũng vẫn nhắc nhở: “Việc tẩy giun đối với từng đối tượng đã có hướng dẫn, nhưng với trẻ từ 1-2 tuổi khi tẩy giun phải theo đúng chỉ định của bác sĩ”.
Ngoài việc tẩy giun định kỳ, các bậc phụ huynh nên giữ vệ sinh thân thể cho trẻ sạch sẽ, ăn chín, uống sôi.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn