Liên quan đến việc một nữ bệnh nhân ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) “tố” các bác sĩ BVĐK Hồng Lĩnh khi mổ ruột thừa đã tự ý thắt một bên vòi trứng, trao đổi với Infonet, ông Nguyễn Thái Lâm, Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa thị xã Hồng Lĩnh cho biết:
“Khi bệnh nhân nhập viện, có triệu chứng đau, qua xét nghiệm bạch cầu tăng, có dấu hiệu nhiễm trùng, siêu âm đường kính ruột thừa là 10. Chẩn đoán bị đau ruột thừa nên bệnh viện thống nhất với gia đình là mổ theo phương pháp nội soi”.
“Trong quá trình tầm soát ổ bụng thì thấy ruột thừa bị viêm, bên hố chậu phải có máu không đông. Kiểm tra loa vòi thì thấy một khối máu không đông, ê kíp mổ đã tiến hành gắp hết mẫu máu đó, rửa sạch loa vòi, sau đó tiến hành cắt bỏ ruột thừa”, ông Lâm nói thêm.
Bệnh viện Đa khoa Hồng Lĩnh. Ảnh: Tiền Phong.
Hình ảnh khối máu không đông trong tử cung của bệnh nhân. Ảnh do bệnh viện cung cấp/Infonet
Theo Giám đốc bệnh viện, sở dĩ khi mổ ruột thừa, bác sĩ không thắt vòi trứng là vì bản chất ổ bụng có áp lực âm, khi nội soi bơm CO vào thì thành áp lực dương nên máu không ra. Hơn nữa, trong độ tuổi sinh đẻ nên cố gắng bảo toàn vòi trứng cho bệnh nhân.
Cũng theo người đứng đầu bệnh viện, sau 5 tiếng đồng hồ thì bệnh nhân xuất hiện chảy máu tươi, có dấu hiệu mất máu nên tiến hành mổ thắt loa vòi và chuyền hai đơn vị máu. Qua ngày hôm sau, tình trạng bệnh nhân bình thường, nhưng do gia đình không yên tâm đã chuyển bệnh nhân vào Bệnh viện tỉnh.
Để chứng minh cho việc bệnh nhân có thai ngoài tử cung, Bác sĩ Lâm đưa ra hình ảnh chụp phiếu xét nghiệm của Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Theo Bác sĩ Lâm, chỉ số BHCG 17,29 là có giá trị trong vấn đề khẳng định bệnh nhân có thai.
Phiếu xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho thấy chỉ số BHCG là 17,29. Ảnh" Infonet
Lý giải về việc, phía gia đình có làm xét nghiệm tại một phòng khám trên địa bàn cho thấy BHCG là 13,8, ông Lâm cho biết: “Sở dĩ chỉ số BHCG 13,8 là vì trong quá trình điều trị, Bệnh viện Đa khoa Hồng Lĩnh đã chuyền 2 đơn vị máu, 5 chai dịch. Ngoài ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn chuyền dịch nữa nên nồng độ sẽ giảm đi”.
PV Infonet đặt câu hỏi, khi mổ thắt vòi trứng, phía bệnh viện có thông báo cho người nhà bệnh nhân và có cam kết của người nhà bệnh nhân hay không? Ông Lâm cho biết: “Trước khi mổ, chúng tôi đã thông báo cho gia đình là bệnh nhân bị ruột thừa và chửa ngoài tử cung. Còn trong quá trình mổ, để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ buộc phải thắt vòi trứng, thậm chí cắt tử cung cũng phải làm vì sinh mạng của người bệnh”.
“Chiều 15/3, người thân của bệnh nhân Hóa kéo lên bệnh viện yêu cầu chúng tôi trả lời về việc thắt vòi trứng. Mặc dù bệnh viện đã giải thích cho người nhà bệnh nhân nhưng họ không chịu. Hiện chúng tôi đang làm văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh thành lập đoàn y khoa kiểm tra lại toàn bộ quá trình mổ cho bệnh nhân để có cơ sở khoa học trả lời cho người nhà bệnh nhân hiểu rõ”, ông Lâm cho biết.
“Phía người nhà có ý yêu cầu bệnh viện bồi thường về vật chất nhưng chúng tôi lấy ngân sách ở đâu để làm điều đó. Nói bồi thường là không đúng, khi có kết luận của Hội đồng khoa học, ai sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Quan điểm của Bệnh viện là trong trường hợp gia đình khó khăn, Ban giám đốc sẽ họp, quyết định miễn giảm một phần hay toàn bộ viện phí cho người bệnh” , ông Lâm thông tin thêm.
Cũng theo ông Lâm, sau khi có phản ánh của người nhà bệnh nhân, Sở Y tế đã yêu cầu niêm phong bệnh án, chờ các phòng chuyên môn của Sở ra làm việc. Sau khi có kết luận sẽ có văn bản trả lời với truyền thông và người bệnh.
Hiện chị Hóa đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Ảnh Tiền Phong.
Trước đó, báo Tiền Phong đưa tin, theo phản ánh của anh Tô Quang An (SN 1989, trú tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), vào ngày 11/3, vợ anh là chị Trần Thị Hóa (SN 1988) vào khám tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Hồng Lĩnh trong tình trạng đau bụng.
Tại đây, bác sĩ chẩn đoán chị Hóa bị viêm ruột thừa. Đến khoảng 14h chiều cùng ngày, chị Hóa được đưa vào bàn mổ ruột thừa. Khoảng 1h sau khi mổ, chị Hóa bị chướng bụng, khó thở, máu ra nhiều. Đến nửa đêm ngày 11/3, các bác sĩ tiếp tục đưa bệnh nhân Hóa vào phòng để mổ lần thứ hai.
“Lần mổ thứ 2 này bệnh viện không thông báo gì với người nhà, họ tự đưa vợ tôi vào mổ. Sau khi mổ xong họ nói mổ lấy túi thai ngoài tử cung do có sự sai sót của bên bệnh viện ban đầu chỉ tập trung vào mổ ruột thừa”, anh An nói.
Theo anh An, sau khi mổ lần thứ 2, tình trạng chị Hóa rất xấu nên người nhà yêu cầu bệnh viện chuyển tuyến nhưng không được sự đồng ý của bác sĩ. Đến ngày 13/3, người nhà phải tự đưa chị Hóa xuống cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh.
“Cứ nghĩ mổ ruột thừa thì dễ dàng, nhưng không ngờ vợ phải mổ đến lần thứ 3, giờ sức khỏe rất yếu. Điều tôi bức xúc nhất là tại sao khi Bệnh viện Đa khoa thị xã Hồng Lĩnh mổ lần thứ 2 không thông báo, thắt vòi trứng cũng không thông báo”, anh An bức xúc nói.
Về việc bệnh viện tiến hành mổ lần thứ hai do chửa ngoài tử cung, chị Hóa khẳng định không đúng. Bởi thời điểm vào nhập viện chị đang trong chu kì kinh nguyệt nên không thể mang thai.
“Mổ xong họ mới nói tôi bị dính ruột và chửa ngoài tử cung. Nhưng tôi khẳng định không thể có thai được, bởi lúc mổ đó tôi đang trong chu kì kinh nguyệt. Tôi cũng tiến hành xét nghiệm ở ngoài, các chỉ số BHCG đều bình thường”, chị Hóa cho biết.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn