Đó là hoàn cảnh của vợ chồng anh Nguyễn Văn Mỳ (SN 1973) và chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1977) ở xóm 1, thôn Trường Sơn, xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
"Làm quần quật vẫn chẳng đủ ăn đâu dám mơ chữa bệnh tim cho con"
Đôi mắt sâu hoắm, khuôn mặt xanh xao hốc hác, thân hình chỉ còn da bọc xương vì những đêm thức trắng bên giường bệnh của chồng, chị Hằng nghẹn ngào kể về hoàn cảnh gia đình mình.
Cuộc sống vốn đã khốn khó khi gia đình có tới 8 miệng ăn thì nay lại càng túng quẫn hơn khi 2 trong số 6 đứa con của chị mắc bệnh tim bẩm sinh. Vì thế, khi mà phải lo bữa ăn hàng ngày còn khó thì làm sao chị dám nghĩ tới chuyện chữa bệnh cho con.
Làm ngày không đủ, hai anh chị lao vào làm cả đêm để kiếm tiền sinh hoạt phí cho gia đình, dư dả chút nào thì gom góp với hy vọng một ngày nào đó không xa có thể đưa từng đứa một lên thành phố khám bệnh.
Gia đình chị Hằng có 8 nhân khẩu nhưng chỉ được cấp vài sào ruộng. Lúa vụ này ăn đã hết nhưng lúa vụ mới còn chưa kịp trổ bông. Chị bèn phải tính kế làm thêm các công việc khác để kiếm tiền như chặt củi đem ra chợ bán hay làm thuê, làm mướn cho những người trong thôn.
Còn anh Mỳ, công việc chính của anh là làm phu hồ. Những lúc rảnh việc, anh gia nhập đội quân khai thác keo thuê. Nghề đốn keo đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai vì công việc rất nặng nhọc và nguy hiểm có thể ập đến bất kỳ lúc nào.
Chị Hằng khóc hết nước mắt những ngày chăm chồng trong viện.
"Làm nghề này, thỉnh thoảng bị cây kẹp bầm dập, ong đốt sưng mặt mũi, dao, rìu sơ ý chặt nhằm thân thể… là chuyện bình thường", anh Mỳ cho biết.
Hàng ngày, từ 4, 5h sáng khi chưa rõ mặt người, anh Mỳ đã lên đồi đốn keo để tránh nắng to vào giữa trưa. Có khi 12 giờ đêm lỡ hàng, anh vẫn chưa được về mà phải làm cố cho kịp chuyến hàng giao khách. Công việc nặng nhọc, vất vả là thế nhưng tiền công cũng chỉ kiếm được 100 - 200 nghìn đồng/ ngày.
“6 đứa nhỏ ngày nào cũng cần có cái ăn nên dù mệt, dù đói nhưng vợ chồng chúng tôi cũng cố gắng nhịn cho các con được ăn. Có đêm mưa gió, căn nhà bị tốc mái, bọn nhỏ do bị nước rơi xuống ướt hết người, những lúc đó tôi chỉ biết ôm con vào lòng. Chỉ cầu trời cho hai vợ chồng có sức khỏe, cho các con ngoan ngoãn, khỏe mạnh là hạnh phúc lắm rồi” chị Hằng ngậm ngùi chia sẻ.
Tai ương liên tục ập xuống
Khi chưa thoát được khỏi cái nghèo, cái khó thì tai họa bất ngờ ập xuống gia đình chị. Ngày 14/09 vừa qua, trong một lần đốn keo, anh Mỳ chẳng may bị cả cây keo lớn đổ sập xuống người dẫn tới gãy xương sống, chấn thương sọ não.
Sau khi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hương Khê, anh Mỳ được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Điều trị được 1 tháng, anh Mỳ nằng nặc đòi về, phần vì nhớ nhà, phần vì lo lắng không đủ tiền trang trải viện phí. Anh về nhà được mấy hôm thì lũ về.
“Lúc đó, trong nhà ngập hết, toàn là bùn đất, anh em họ hàng phải tìm cách đưa chồng tôi lên cao để bùn, nước không vào vết thương. Được 5 ngày thì anh phải nhập viện vì vết thương nhiễm trùng sâu hơn, cơn đau nhức hành hạ”, chị Hằng gạt hai hàng nước mắt kể lại cho chúng tôi.
Sau 10 ngày điều trị tại bệnh viện tỉnh mà bệnh tình anh Mỳ không đỡ, chạy vạy được ít tiền, chị đưa chồng ra Hà Nội chữa bệnh. Anh em từ quê ra, ai cho được đồng nào hay đồng ấy. Nhưng việc điều trị tốn kém, số tiền ấy đến nay cũng chỉ còn vài chục ngàn.
“Tôi chẳng biết xoay sở đâu nữa để lấy tiền chữa trị tiếp cho chồng. Chỗ nào vay mượn, cậy nhờ được tôi đều tìm đến cả rồi...” gương mặt chị Hằng hốc hác sau chuỗi ngày dài chăm chồng, chăm con bệnh nhăn nhó tâm sự.
Con trai út của chị trên đường đi chạy lũ bị nan hoa xe đạp nghiến nát gót chân.
Khi chồng bệnh chưa thuyên giảm, thì đứa con út của anh chị trong khi chạy lũ bị nan hoa xe đạp nghiến nát gót chân, dẫn tới hoại tử. Ban đầu, mọi người ở quê giấu chị, nhưng rồi thương cho bệnh tình của đứa bé nên họ phải báo tin. Thế là một mình chị vừa lo chăm chồng bệnh vừa lo đứa con đau chân và 2 đứa nhỏ ở nhà bị tim bẩm sinh.
Nằm trên giường bệnh, anh Mỳ ho từng cơn, rên rỉ vì đau. Lại hay tin con bị thương, anh rơm rớm nước mắt rồi lén quay đi vì sợ vợ trông thấy sẽ buồn lòng.
Các bác sĩ Khoa Điều trị liền vết thương, Viện Bỏng quốc gia cho biết, bệnh nhân Nguyễn Văn Mỳ vào viện trong tình trạng loét cùng cụt, liệt 2 chi dưới do chấn thương cột sống, da niêm mạc nhợ, suy kiệt, sốt cao, mất cảm giác hai bờ sườn trở xuống, đại tiểu tiện không tự chủ. Tiên lượng, hai chi dưới của bệnh nhân khó có khả năng bình phục và có thể vĩnh viễn bị liệt nửa người, phải sống nhờ vào xe lăn. |
Nguồn tin: eva.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn