Như Dân trí đã đưa tin, sáng 4/8, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc với cử tri các quận Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ sự bức xúc về việc Formosa gây ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh Bắc miền Trung vừa qua.
Cử tri Đặng Vân (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu), cho rằng cần phải giải quyết dứt điểm dự án Formosa gây ô nhiễm môi trường biển.
Cử tri cảm ơn ông Nguyễn Bá Thanh từng từ chối những dự án tỷ đô nhưng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Vân, cần phải làm rõ những vấn đề: Ai duyệt dự án này? Ai cho phép dự án đến 70 năm? Cái này có phải là “tiền trảm hậu tấu” không? Bởi theo quy định chỉ được phép 50 năm. Có nên cho dự án này tiếp tục tồn tại không? Bởi ảnh hưởng của môi trường biển không chỉ một vài năm mà nhiều năm. Ai sẽ đảm bảo những năm sau họ không xả thải ra môi trường biển nữa?.
Ông Vân cũng rất cảm ơn cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã từng từ chối những dự án lớn mà ông biết sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường.
Được biết, cuối năm 2007, ông Nguyễn Bá Thanh và lãnh đạo TP Đà Nẵng từng từ chối 2 dự án FDI mà nhà đầu tư muốn đầu tư vào Đà Nẵng. Dù các dự án này có mức vốn đầu tư rất lớn nhưng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nên ông Thanh đã cương quyết từ chối.
Cụ thể, đó là dự án xây dựng nhà máy sản xuất thép liên doanh của Đài Loan và Nhật Bản và dự án xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy của Nhật Bản tại khu công nghiệp Liên Chiểu. Hai dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD.
Giải thích về quyết định này, ông Nguyễn Bá Thanh lúc đó cho hay, hiện TP Đà Nẵng đang từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch - dịch vụ - công nghiệp. Đối với các dự án công nghiệp phải đảm bảo tiêu chí công nghiệp “sạch”, không gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là chủ trương nhằm hướng đến mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” vào năm 2020.
Mới đây, năm 2015, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng đã từ chối dự án xây dựng nhà máy dệt nhuộm và may mặc có tổng vốn đầu tư dự kiến là 200 triệu USD của một tập đoàn dệt may của Hồng Kông và một công ty Hàn Quốc cần trên 30 ha để làm khu liên hợp dệt nhuộm tại Đà Nẵng.
Ông Lê Cảnh Dương – Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, cho biết đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn như thép, bột giấy, dệt nhuộm, khi nhà đầu tư đến để tìm hiểu, thành phố cũng trả lời luôn cho nhà đầu tư là cái đó không phù hợp với định hướng phát triển của thành phố.
“Những dự án liên quan đến công nghệ thông tin, công nghệ sạch, công nghệ cao thì thành phố luôn sẵn sàng chào đón”, ông Dương nói.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc với các cử tri, ông Đinh Thế Huynh – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - cho biết rất xúc động khi các cử tri ghi nhận sự sáng suốt của cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh trong vấn đề bảo vệ môi trường.
“Những dự án gây ô nhiễm môi trường - kiên quyết không; những dự án không tạo ra giá trị gia tăng cao - kiên quyết không. Chỉ những dự án công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao, sạch cho môi trường thì trải thảm đỏ đón nhà đầu tư”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Nói về về Formosa, ông Huynh nhận định, đây là một sự cố nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường không chỉ trước mắt mà còn lâu dài; việc khắc phục hậu quả là rất gian truân, rất vất vả; suốt từ Vũng Áng vào đến Lăng Cô.
Sự cố Formosa là bài học lớn, đau xót, cay đắng để mọi người không được quên rằng phát triển kinh tế nhưng phải đi đôi với bảo vệ môi trường.
Khánh Hồng
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn