Đó là những chia sẻ của ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM khi ôn lại những ký ức về kỳ Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc – Ngày 6/1/1946.
Sáng 4/1, đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức buổi gặp mặt các thế hệ Đại biểu Quốc hội nhân kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946 – 6/1/2016).
Buổi họp mặt có sự tham dự của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (ĐBQH khóa 9, 11, 12); nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (ĐBQH khóa 8, 9, 10, 11); nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (ĐBQH khóa 9, 10, 11); nguyên Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQVN Huỳnh Đảm (ĐBQH khóa 10, 11, 12); Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình (ĐBQH khóa 10, 11, 12, 13); Ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải, Chỉ đạo Đảng bộ TPHCM (ĐBQH khóa 13)…
Đặc biệt, buổi họp mặt có sự hiện diện của bà Ngô Thị Huệ (phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, ĐBQH các khóa 1, 2, 3, 4) – chứng nhân lịch sử của kỳ Tổng tuyển cử đầu tiên; cùng hơn 200 ĐBQH từ khóa 1 đến khóa 13 về dự họp mặt.
Một nghĩa cử cao đẹp đã diễn ra ngay trong phiên khai mạc buổi gặp mặt khi tất cả các ĐBQH TPHCM khóa 13 đã đứng lên chào hơn 200 vị ĐBQH TPHCM qua các thời kỳ. Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM khóa XIII đã tặng hoa đến bà Ngô Thị Huệ, chứng nhân lịch sử của kỳ Tổng tuyển cử đầu tiên.
Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM đã ôn lại truyền thống 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên cách đây vừa tròn 70 năm.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, phải “xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức”.
“Công việc Tổng tuyển cử diễn ra trong điều kiện giặc ngoài, thù trong, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn. Vì thế, đây không phải là một cuộc Tổng tuyển cử thông thường mà thực chất là một cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh dân tộc hết sức khó khăn”, ông Huỳnh Thành Lập nói.
Riêng tại các tỉnh thành Nam bộ, ngày 6/1/1946, người dân đi bầu cử dưới bom đạn rất ác liệt của kẻ thù. Tại Sài Gòn – Chợ Lớn, quân Pháp đã chiếm toàn bộ thành phố và các vùng xung quanh, do đó cuộc tổng tuyển cử ở đây đã diễn ra dưới sự lùng ráp khủng bố gay gắt của kẻ thù.
Không có nơi bỏ phiếu cố định, mỗi hộ, kể cả những hộ ở trung tâm thành phố được bố trí từ 3 – 4 hòm phiếu lưu động được chuyển tới từng ngõ, từng nhà cho đồng bào bỏ phiếu. Cả Sài Gòn – Chợ Lớn có hàng trăm hòm phiếu như vậy.
Tại Sài Gòn – Chợ Lớn, có 42 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ tổng tuyển cử. Trong số 333 ĐBQH thì Sài Gòn – Chợ Lớn khi đó có 16 đại biểu được nhân dân bầu ra và đại diện cho ý chí của nhân dân thành phố, tiêu biểu có các ĐBQH như Lý Chính Thắng, Tôn Đức Thắng, Thái Văn Lung, Huỳnh Văn Tiểng, Trịnh Thị Miếng,…
“Ngày 6/1/1946 đã ghi vào lịch sử Việt Nam một mốc son chói lọi. Thắng lợi Tổng tuyển cử cho thấy quyết định sáng suốt của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Thắng lợi rực rỡ của cuộc Tổng tuyển cử đã khẳng định về mặt pháp lý quyền làm chủ của nhân dân ta, từ địa vị nô lệ đứng lên giành độc lập, tự tổ chức ra nhà nước của mình, nhà nước của dân chủ công nông đầu tiên ở Đông Nam Á”, ông Huỳnh Thành Lập khẳng định.
Tại buổi giao lưu, đại diện các thế hệ ĐBQH qua các thời kỳ, gồm: ông Nguyễn Thọ Chân, nguyên Đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động; ĐBQH khóa VI - Phạm Ngọc Long; bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; GS.BS, thầy thuốc nhân dân Trần Đông A (ĐBQH khóa 11, 12) cũng đã chia sẻ những kỷ niệm gắn bó với Đoàn ĐBQH TPHCM qua mỗi chặng đường phát triển.
Công Quang
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn