Nước thải của cơ sở sản xuất vàng mã khiến cá chết trên sông
Trước đó, ngày 27/7, trên sông Âm đoạn chạy qua địa bàn xã Giao An, huyện Lang Chánh xuất hiện tình trạng cá tự nhiên chết hàng loạt. Sau đó, hàng trăm con vịt của một hộ dân nuôi thả trên đoạn sông này cũng chết một cách bất thường.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã vào cuộc xác minh, lấy mẫu nước sông Âm và mẫu chất thải tại Hợp tác xã chế biến lâm sản Lang Chánh (HTX chế biến lâm sản) để phân tích tìm nguyên nhân.
Theo ông Lưu Trọng Quang - Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, sau khi nhận được thông tin, Sở đã giao cho Chi cục Bảo vệ môi trường tới kiểm tra.
Ông Quang cho biết, trên khu vực này có Cụm công nghiệp Bãi Bùi, tại đây đang có 3 đơn vị sản xuất bột giấy, vàng mã là Công ty TNHH sản xuất thương mại vận tải Tuấn Vinh, Công ty CP lâm sản Lang Chánh, HTX chế biến lâm sản.
Tại thời điểm kiểm tra, hai đơn vị là Công ty TNHH sản xuất thương mại vận tải Tuấn Vinh, Công ty CP lâm sản Lang Chánh chưa hoàn thành công trình, đang dừng hoạt động, chỉ có HTX chế biến lâm sản có hoạt động sản xuất bột giấy và vàng mã với công suất khoảng 1 tấn/ngày.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, sau thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết, tại Công ty TNHH sản xuất thương mại vận tải Tuấn Vinh vẫn tiến hành quy trình ngâm ủ nguyên liệu bằng hóa chất.
Cũng theo ông Quang báo cáo, sau khi nhận được thông tin, Phòng Tài nguyên và Môi trường Lang Chánh đã lên kiểm tra và lấy 2 mẫu nước sông Âm và mẫu nước thải của HTX chế biến lâm sản.
Hợp tác xã thừa nhận do sự cố mất điện nên HTX chế biến lâm sản không vận hành được hệ thống xử lý nước thải, nên có một lượng nước thải của hệ thống sản xuất bột giấy và giấy vàng mã tràn ra môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường trưng dụng 3 mẫu của Phòng Tài nguyên và Môi trường lấy trước đó, trong đó có một mẫu nước thải trong hồ xử lý nước thải của HTX chế biến lâm sản.
Kết quả phân tích cho thấy, mẫu nước sông Âm có chỉ tiêu tổng chất rắn lơ lửng vượt từ 1,09 đến 1,36 lần, chỉ tiêu COD vượt từ 1,6 đến 2,66 lần, chỉ tiêu NH4 vượt từ 1,86 đến 2,33 lần. Mẫu nước thải của HTX chế biến lâm sản, có chỉ tiêu COD vượt 1,66 lần, chỉ tiêu độ mầu vượt 1,74 lần.
Qua thừa nhận của HTX chế biến lâm sản và đánh giá nguyên nhân tình trạng cá chết có thể sơ bộ, xác định nước thải của hợp tác xã chế biến lâm sản xử lý chưa triệt để tràn ra môi trường đã gây ra hiện tượng cá chết. Ngoài ra thời tiết nắng nóng kéo dài và mực nước sông Âm suy giảm, lượng ô xy hòa tan suy giảm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cá chết.
Ông Quang cho biết, trên cơ sở kết quả phân tích mẫu, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ có biện pháp xử lý về xử phạt hành chính.
Duy Tuyên
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn