Nhiều lãnh đạo bộ về hưu lập hội rồi xin trụ sở, xin xe

Thứ năm - 22/09/2016 19:36

Nhiều lãnh đạo bộ về hưu lập hội rồi xin trụ sở, xin xe

Nêu thực tế nhiều hội ngành nghề mời lãnh đạo bộ nghỉ hưu về phụ trách, rồi xin trụ sở, xe, kinh phí..., Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nguyên tắc: Tổ chức và hoạt động của hội là tự trang trải kinh phí.

Ngày 22/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật về Hội. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu thực tế, nhiều hội ra đời mời lãnh đạo bộ ngành nghỉ hưu về phụ trách hội, rồi đi xin đủ thứ từ trụ sở, xe, đến kinh phí hoạt động.

"Nhiều bộ trưởng nói với tôi là lo lắm vì bao nhiêu hội cứ "đeo" xin tiền", bà Ngân nói và yêu cầu khi ban hành Luật này phải đảm bảo nguyên tắc: Tổ chức và hoạt động của hội là tự trang trải kinh phí.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu khi Luật về hội được ban hành, phải chấm dứt tình trạng các hội không tự chủ về kinh phí hoạt động. Ảnh: VPQH

Đại diện cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn thừa nhận "đúng là có chuyện nhiều đồng chí chuẩn bị nghỉ hưu thì tham gia ban vận động thành lập Hội". Theo ông Tuấn, vì "chuyện này rất nhiều" nên trong dự thảo Luật về Hội, ban soạn thảo đưa ra quy định đối với cán bộ, công chức lãnh đạo từ cấp vụ trở lên, sau 5 năm nghỉ hưu mới được tham gia thành lập, sáng lập, tham gia ban lãnh đạo của hội.

Ông Tuấn cũng cho biết, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ việc cán bộ, công chức tham gia lập hội để tránh “vừa đá bóng vừa thổi còi”, lợi dụng ảnh hưởng trong lĩnh vực mình phụ trách để mang lại lợi ích cá nhân. Qua đó cũng để khắc phục tình trạng nhiều vị cứ chuẩn bị nghỉ hưu thì làm chủ tịch các hội.

Cán bộ chỉ được tham gia hội theo phân công

Theo dự thảo Luật, các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội gồm: Cán bộ, công chức, những người đang làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định giải thích, các đối tượng trên chỉ được sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động các hội (có đăng ký), khi được cơ quan có thẩm quyền phân công.

"Nghĩa là với các hội không đăng ký, lập ra do tự nguyện, tự quản, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm như các hội đồng hương, đồng môn, hội yêu cây cảnh..., thì không ai bị cấm tham gia cả", ông Định nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, có ý kiến đề nghị "cấm hoàn toàn" thay vì hạn chế như nêu trên vì có thể ảnh hưởng đến sự độc lập, khách quan trong công tác. Tuy nhiên, trong thực tế, ở những hội thành lập theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước thì vẫn có cán bộ cấp cao được cử đến tham gia lãnh đạo, quản lý hội. Do vậy, mức độ hạn chế ở đây được hiểu là nếu không có phân công thì cán bộ, công chức và những người trong quân đội, công an không được phép tham gia lãnh đạo, quản lý, sáng lập hội.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự thảo Luật đã đủ điều kiện để trình ra Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới.

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây