Hơn hai tháng sau khi trở về Việt Nam, chị Phạm Thị Ngọc (33 tuổi, ở xã Thiệu Tiến, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) bảo vẫn chưa hết sợ hãi mỗi khi ký ức về những tháng ngày xa quê ùa về. 33 tuổi, khuôn mặt khắc khổ, nước da đen nhẻm, nhìn chị già hơn rất nhiều so với tuổi đời.
Chị Ngọc trở về quê sau 7 năm bị lừa đưa sang Trung Quốc. Ảnh: Lê Hoàng. |
“Nó ít nói, tâm trạng thất thường, khi vui, lúc buồn. Nó bảo được trở về quê đoàn tụ cùng gia đình rất vui, nhưng nhiều khi nhớ con lại ngồi bần thần khóc một mình”, bà Lê Thị Lộc (60 tuổi, mẹ chị Ngọc) nói.
Gia đình nghèo khó, học xong lớp 5 chị Ngọc bỏ học, phụ cha mẹ việc đồng áng và làm thuê mướn quanh vùng. Tháng 10/2009, khi 26 tuổi, chị rời nhà đi làm thuê cho người đàn ông tên Trọng ở xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Ít ngày sau, không thấy con gái liên lạc về, cả gia đình lo lắng đi tìm.
“Tôi đến nơi con gái làm việc thì được trả lời Ngọc bỏ đi làm ở nơi khác. Chủ nhà nói con tôi đến làm cho một bà tên Thanh cùng xã Thiệu Giao, nhưng bà này lại cho biết con tôi ở đây 3 ngày rồi đi đâu không rõ”, ông Phạm Văn Ngọ (62 tuổi, bố chị Ngọc) thuật lại.
Rong ruổi tìm kiếm con gái khắp làng trên xã dưới không có kết quả, gia đình viết đơn trình báo công an, song vụ việc chìm vào quên lãng. “Nhiều năm sau, đêm nào tôi cũng khóc vì không rõ tung tích đứa con gái duy nhất. Có lúc tuyệt vọng, tôi đã nghĩ đến tình huống xấu xảy ra với nó…”, bà Lộc ngậm ngùi.
Sau 7 năm, bất ngờ một ngày giữa tháng 7/2016, gia đình bà Lộc nhận được tin con gái trở về. “Khoảng 12h đêm, tôi đang ngủ thì nghe công an xã đến nhà thông báo Ngọc đang được Công an phường Cát Bi (quận Hải An, TP Hải Phòng) tạm giữ, chờ người thân ra xác nhận. Tôi bán tín bán nghi nhưng tâm trạng bồi hồi, suốt đêm không ngủ”, ông Ngọ cho hay.
Sáng hôm sau, ông Ngọ cùng con trai bắt xe ra Hải Phòng. “Vừa bước chân vào trụ sở công an phường Cát Bi, con gái thấy tôi òa khóc, gọi tên cha. Nó nói con nhớ bố, rồi hai cha con ôm nhau khóc", ông Ngọ kể giây phút nhận lại đứa con thất lạc. Sau khi ký biên bản, ông đưa con trở về.
Vợ chồng ông Ngọ vui mừng khi tìm lại được con gái nhưng niềm vui không trọn vẹn vì những đứa cháu ngoại ở tận nơi xa xôi, không thể thăm gặp. Ảnh: Lê Hoàng. |
Căn nhà nhỏ của gia đình ông Ngọ ở xóm Phúc Lộc 1 những ngày qua vui hơn thường lệ. Nhiều hàng xóm nghe ông bà tìm được con gái nên đến chia vui. Mỗi khi có người hỏi thăm, chị Ngọc bần thần ngồi kể những tháng ngày bị lừa bán sang Trung Quốc và cuộc sống làm vợ xa xứ, không người thân thích.
Chị Ngọc kể, mùa đông năm 2009, chị cùng một số người làng xuống xã Thiệu Giao đi làm thủy lợi thuê cho ông Trọng. Được vài hôm thì người phụ nữ tên Thanh rủ về nhà ở, hứa trả lương cao. Ba ngày sau, chồng bà Thanh dùng xe máy chở chị đi khỏi làng. Ngọc gặng hỏi đi đâu nhưng ông này không tiết lộ.
“Em bị đưa lên xe khách và mất phương hướng từ đó cho đến khi tỉnh dậy thì đã ở một nơi rất lạ lẫm. Một số người lúc đó đến tiếp cận nhưng họ nói thứ ngôn ngữ lạ em không hiểu gì…”, chị Ngọc kể.
Chị Ngọc sau đó bị nhốt chung phòng với khoảng 7 phụ nữ Việt Nam khác. Tại đây, chị được thông báo đã bị bán về làm vợ người Trung Quốc. Hôm sau, một người đàn ông hơn Ngọc 4 tuổi đến đón chị về nhà. Không rõ địa chỉ, chị chỉ biết khu vực mình sinh sống thuộc vùng nông thôn nghèo ở tỉnh Quảng Tây.
Những ngày mới đến, chị Ngọc bảo không hiểu ngôn ngữ nên gặp khó khăn trong giao tiếp, thường xuyên bị gia đình chồng ngược đãi. “Em bị mẹ chồng, chị dâu và cả chồng đánh đập thậm tệ. Sợ hãi muốn bỏ trốn hoặc báo tin cho gia đình nhưng không biết liên lạc cách nào. Viết thư, gọi điện đều không được”, chị kể.
Theo thời gian, chị hòa nhập dần với cuộc sống mới, nên người chồng ít đánh đập hơn. Chị có hai con với người đàn ông họ Hồng. Con trai nay đã 6 tuổi, con gái 5 tuổi. Nhiều lần nhớ quê hương, chị muốn về thăm nhưng nhà chồng không cho. Vừa qua, bị đánh nhiều nên chị đến đồn công an trình báo, sau đó người chồng đồng ý cho Ngọc về quê.
“Anh ta đưa em đến cửa khẩu Móng Cái, đưa cho 200.000 tiền Trung Quốc rồi quát mắng: Mày muốn theo ai, đi đâu tùy ý”, Ngọc kể.
Gia cảnh vợ chồng ông Ngọ khó khăn nên Ngọc phải nghỉ học từ nhỏ, đi làm thuê và bị lừa bán qua biên giới. Ảnh: Lê Hoàng. |
Lang thang dọc biên giới, không có giấy tờ tùy thân, cũng không biết đường nên chị Ngọc không thể qua cửa khẩu. Đang lo lắng tìm đường thì may mắn một người đàn ông người Thái Bình nhìn thấy. Sau hồi hỏi han, anh này giúp chị vượt biên và đưa tới trụ sở Công an phường Cát Bi (Hải Phòng).
Hơn hai tháng về quê nhưng ngày nào chị Ngọc cũng bảo nhớ con, muốn quay lại Trung Quốc. Thi thoảng chị lại lấy tấm ảnh của đứa con gái ra ngắm nhìn và mân mê chiếc điện thoại có dòng tin nhắn của chồng.
Người chồng Trung Quốc cũng gọi điện sang nói chị Ngọc cứ qua cửa khẩu sẽ đón, nhưng gia đình không yên tâm. “Nó xin đi, không mang được cả hai thì cũng cố đưa về một đứa con, nhưng nó không biết địa chỉ nhà chồng ở đâu. Chúng tôi sợ trên đường đi lại bị kẻ xấu lừa đem đi nơi khác", bà Lộc chia sẻ.
Gia đình bà Lộc mong muốn công an điều tra để sớm tìm ra người từng lừa bán Ngọc sang Trung Quốc.
Ông Hoàng Văn Hùng, Trưởng công an xã Thiệu Tiến cho hay, công an đã nắm tình hình và đang yêu cầu gia đình gửi đơn làm cơ sở xác minh vụ việc.
Lê HoàngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn