Trao đổi với VnExpress ngày 27/9, lãnh đạo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, trận mưa chiều tối qua xảy ra lớn nhất tại các quận trung tâm TP HCM. Với vũ lượng chuẩn xác là hơn 179 mm, đây là cơn mưa lớn nhất tính từ năm 1975 đến nay.
Do Nam bộ đang ở cao điểm mùa mưa, lại xuất hiện rãnh thấp đi qua sát khu vực, kết hợp với gió mùa tây nam đang hoạt động mạnh nên gây mưa lớn trên toàn khu vực, và TP HCM có lượng mưa lớn nhất.
"Khu vực quận 1 và Tân Bình đứng đầu. Ở một số nơi khác do địa hình dốc, như quận Thủ Đức, hình ảnh trên Internet cho thấy nước chảy xiết, nên nhiều người tưởng mưa ở đó lớn hơn", Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn giải thích. "Chiều tối nay TP HCM tiếp tục có mưa nhưng lượng mưa sẽ không cao như hôm qua", ông cảnh báo.
Trận mưa chiều tối qua đã gây ngập trên diện rộng và ùn tắc giao thông khắp TP HCM. Ảnh: Phạm Duy
Theo Trung tâm chống ngập TP HCM, trận mưa hôm qua gây ngập 59 tuyến đường, sâu từ 0,1 m đến 0,5 m; diện tích ngập từ 100 m2 đến 30.000 m2. Để ứng phó, trung tâm đã điều động 153 người; hơn 20 xe cẩu, 3 xe hút và 12 máy bơm từ 168m3/h đến 250m3/h...
Trung tâm xác định đây là trận mưa cực đoan, lớn nhất từ đầu năm đến nay. Chỉ trong 1 giờ 30 phút, lượng mưa đã vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay.
Trong Quyết định 752 của Thủ tướng đối với tuyến cống cấp 2, lượng mưa đạt trong 1 giờ 30 phút ứng với chu kỳ 100 năm chỉ là hơn 137 mm. Còn tần suất thiết kế cống hiện nay, tuyến cống cấp 3 là mưa gần 76 mm trong 3 giờ; tuyến cống cấp 2 là mưa hơn 85 mm; kênh, rạch chính cấp 1 là mưa gần 96 mm trong 3 giờ; đỉnh triều thiết kế là +1,32 m.
Riêng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất mưa từ 16h30 đến 17h50, vũ lượng đạt hơn 170 mm (trạm đo Tân Sơn Hòa) đã xuất hiện ngập cục bộ tại bãi đậu số 11, 12, 13, 14, 15 với chiều sâu 30 cm, thời gian nước rút khoảng một giờ sau mưa. Tình hình đã cải thiện hơn nhiều so với trận mưa ngày 26/8 do đã cải tạo xong 7 vị trí cống băng ngang đường tuyến Mương A41 và đã nạo vét thông thoáng hệ thống thoát nước.
Cũng theo trung tâm này, ngay từ đầu năm, đơn vị cùng Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị đã xây dựng phương án ứng cứu cho từng vị trí có khả năng gây ngập. Đồng thời phối hợp với quận huyện, lực lượng PCCC, các đơn vị công ích thông qua Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố để chuẩn bị ứng cứu.
Để đối phó với các trận mưa lớn, Trung tâm Chống ngập đã phát động lệnh ứng cứu toàn diện, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị vận chuyển thiết bị, bố trí nhân sự ứng cứu theo kịch bản đã xây dựng từ đầu năm. Đồng thời liên lạc với Cảnh sát PCCC hỗ trợ lực lượng tham gia ứng cứu khi xuất hiện ngập tại tầng hầm của các tòa nhà trên địa bàn.
18 giờ sau trận mưa kỷ lục, nước vẫn còn ngập nhiều nơi tại TP HCM. Ảnh: Duy Trần
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp sáng nay, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết rất chia sẻ với người dân phải gánh chịu tình trạng ngập nặng như vậy. "Chiều qua họp xong, bước ra đường là tôi thấy rồi, biết thể nào ngày mai cũng có nhiều hình ảnh ngập trên các báo. Trận mưa đó tôi thấy dứt khoát tình trạng ngập sẽ rất nặng nề", ông Phong nói.
Ông Phong nói rằng, thành phố đang rất nỗ lực tìm những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để giải quyết ngập. Các dự án chống ngập đã và đang triển khai "nhưng thực tế có những việc không thể giải quyết nhanh". Qua khảo sát cho thấy thành phố bị ngập nặng là do nhiều nguyên nhân, trong đó có mưa, có triều cường, cũng có nguyên nhân do quản lý.
Hữu CôngNguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn