HMD Global đưa Nokia trở lại: nương nhờ hào quang cũ?

Thứ hai - 28/05/2018 04:49
HMD Global - một startup do những người cũ của Nokia thành lập vào tháng 12/2016, đến tháng 3/2017, HMD đưa thương hiệu Nokia tham gia sự kiện MWC 2017 tại Barcelona và giới thiệu mẫu điện thoại huyền thoại Nokia 3310.

HMD Global - một startup do những người cũ của Nokia thành lập vào tháng 12/2016, đến tháng 3/2017, HMD đưa thương hiệu Nokia tham gia sự kiện MWC 2017 tại Barcelona và giới thiệu mẫu điện thoại huyền thoại Nokia 3310.

Dùng điện thoại "cục gạch" điều hướng đến smartphone

Nokia 3310 ra mắt gợi lại kí ức vàng son một thời trên đỉnh cao của Nokia trước kia. Giá bán Nokia 3310 trên 1 triệu đồng mà vẫn khan hàng. Trên thực tế, mảng điện thoại  "cục gạch" của Nokia vẫn sống tốt nhưng đó không phải là mục tiêu chính yếu của HMD Global. Như trong một bài viết trên VnReview tôi từng nhận định rằng: Cho dù Nokia "cục gạch" có bán được nhiều cỡ mấy thì cũng không khẳng định được vị thế của Nokia trong sự trở lại thị trường. Ngày nay, vị thế trên thị trường điện thoại di động phải khẳng định bằng smartphone, và lợi nhuận cũng phải từ smartphone mới đáng nói.

Nhưng rõ ràng là, từ mẫu Nokia 3310 đến trường hợp mới đây là "quả chuối vàng" nắp trượt Nokia 8810 càng khắc họa rõ hơn cách HMD đang tận dụng tài nguyên điện thoại "cục gạch" Nokia. Thỉnh thoảng, một "cục gạch" Nokia xưa cũ lại được ra mắt gây gợi nhớ, nhắc nhớ người tiêu dùng về thương hiệu Nokia. Có lẽ đó mới là vai trò và tác dụng chính chứ không phải nhằm bán hàng là chính. Sự bổ trợ này rất hữu ích để người ta nghĩ đến, rồi cầm trải nghiệm, cho đến quyết định mua smartphone Nokia chạy Android, hay nói cách khác là smartphone Nokia thời HMD Global.

Cách làm đó cũng cho thấy, dàn lãnh đạo của HMD Global ngày nay vốn là những cán bộ cao cấp của Nokia ngày trước, đã quá hiểu Nokia từng có thế mạnh như thế nào, thương hiệu còn được nhớ đến ra sao…

Nhưng tất nhiên, những mẫu "cục gạch" nhằm gây gợi nhớ càng về sau sẽ càng giảm dần độ hot hay độ gây sốt đối với dư luận. Nhưng cũng chỉ cần được thế thôi cũng cho thấy HMD đã khai thác một cách hiệu quả thương hiệu điện thoại Nokia mà họ mua lại từ Microsoft với thời hạn 10 năm, giúp họ tiết kiệm được bao nhiêu chi phí truyền thông, marketing về thương hiệu khi quay trở lại. Điều này đặc biệt hữu ích và quan trọng đối với một doanh nghiệp đang giai đoạn start-up còn hạn chế về tiềm lực và cần phải chắt bóp.

Cũ và mới

Khó có thể nói rằng giữa HMD Global với thương hiệu Nokia bên nào dựa vào bên nào. Đây là một mối quan hệ hữu cơ sống còn. HMD đã và đang dựng lên một Nokia mới trên thương hiệu Nokia cũ, chính vì vậy những gì HMD đang làm được trong hơn một năm qua, vừa có những cái cũ vừa tạo ra những cái mới. Đó là một sự kế thừa, khai thác và vận dụng để phát triển.

Theo HMD Global, doanh nghiệp này đã bán được 70 triệu chiếc điện thoại trong năm 2017 tại 80 quốc gia. Dù HMD không công bố rõ cơ cấu loại điện thoại bán ra nhưng điều chúng ta dễ dàng đoán được là trong số đó lượng điện thoại "cục gạch" chiếm phần lớn. Trong khi đó về mặt tài chính, HMD cho biết năm 2017 họ đạt doanh thu 1,8 tỉ EUR (tương đương 2,1 tỉ USD). Đây là con số có tính khích lệ bởi mới chỉ là năm đầu tiên thương hiệu điện thoại Nokia quay lại thị trường còn đầy gian nan và không ít thương hiệu lớn hơn nhiều còn bị lỗ sặc gạch. Con số thị trường mà điện thoại Nokia hiện diện tại 80 quốc gia cũng hứa hẹn doanh số không khó để tiếp tục tăng trưởng nếu HMD tạo ra được những sản phẩm tốt giá cả phù hợp.

Điều cũ là điện thoại Nokia bán ra tỉ trọng "cục gạch" vẫn chiếm phần lớn và điều mới HMD cần phải làm chính là thay đổi tỉ trọng smartphone nhanh chóng tăng lên. Bởi, năm 2017, mảng smartphone Nokia vẫn còn ở ngoài Top 10 toàn cầu. 

Thế nhưng tại thị trường Việt Nam, Nokia của HMD đạt được những con số khả quan hơn. Trong các tháng 1 và 2/2018, theo số liệu của GfK, Nokia và Vivo luân phiên nhau ở vị trí thứ 4 sau các tên tuổi Samsung, OPPO và Apple. Trên thị trường, hiện những cái tên hoàn toàn có đủ tiềm lực để đánh chiếm vị trí này với Nokia và Vivo là Huawei và Xiaomi. HMD có một cơ sở để tin họ có thể giữ vị trí thứ 4 trong năm 2018 là cam kết từ Thế Giới Di Động trong kí kết hợp tác tại Hà Nội khi ra mắt Nokia 6 mới và Nokia 7Plus, theo đó chuỗi bán lẻ này sẽ bán ít nhất 500.000 smartphone Nokia trong năm 2018.

Trong 4 cái tên Huawei, Xiaomi, Vivo và Nokia tại thị trường Việt Nam thì chính HMD Global đang có tiềm lực tài chính hạn chế nhất. Cho dù họ mới gọi vốn được 100 triệu USD nhưng chừng ấy nếu đổ vào truyền thông, marketing cũng chỉ là muối bỏ bể. HMD Global đang cần vốn nhiều hơn, với nhiều nhà đầu tư hùng mạnh hơn để có tiền đầu tư phát triển nguồn nhân lực R&D; phát triển sản phẩm, thị trường, kênh phân phối; truyền thông, quảng cáo… Tất nhiên với HMD bây giờ là sẽ luôn "liệu cơm gắp mắm" và cố gắng sử dụng hiệu quả các khoản chi.

Là một thương hiệu từng rất được yêu thích tại Việt Nam, Nokia rõ ràng đã có lợi thế rất lớn khi quay trở lại thị trường. Cách mà Nokia trở lại với điểm nhấn là các model "cục gạch" xưa cũ có thể phần nào thành công, nhưng để đi tiếp và đứng vững thì có lẽ không thể chỉ cần có thế.

Thẩm Hồng Thụy

Nguồn tin: vnreview.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

global block facebook comment box

137 Hàm Nghi Foot Massage

Danh Mục tin tức
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây